Hôm qua vợ tôi đổi được một ít tiền mới, đủ mệnh giá, để dành đêm 30 Tết sẽ cho vào bao lì xì. Rồi sáng hôm sau, những bao lì xì này sẽ được trao cho những người cần gửi.
"Năm nay cố đổi tiền mới tất cả mệnh giá, phong bao lì xì cũng chuẩn bị sẵn rồi", vợ tôi nói. Chuẩn bị sẵn phong bao lì xì ở đây là đang phân loại: 100 nghìn thì bỏ vào bao màu vàng, 200 nghìn thì bỏ vào bao màu đỏ, 500 nghìn thì bỏ vào bao màu đỏ, nhưng to hơn...
Tết nhất vợ tôi chưa lo đồ ăn, thực phẩm đã lo tính toán bao lì xì vì năm rồi chúng tôi gặp sự cố. Khách đến nhà chơi lì xì cho con tôi 500 nghìn đồng, trong khi đó, những bao lì xì của vợ chồng tôi to nhất, bên trong cũng chỉ 200 nghìn đồng.
Năm rồi, chúng tôi lì xì con cháu gần 200 nghìn, con cháu xa, khách đến nhà 100 nghìn đồng. Phân loại và nhìn mặt trao lì xì khiến chúng tôi phải bối rối khi con nhận được 500 nghìn đồng. Vợ tôi lo lắng, sợ khách khi phát hiện bao lì xì lại ít tiền, sẽ tâm tư.
Người Việt có câu: "Của biếu là của lo, của cho là của nợ". Tôi không ham hố những bao lì xì 500 nghìn, một triệu vì đây thực sự là một cái nợ cho người nhận. Bạn làm ăn được, nhà khá giả hay bạn có lòng tốt, lì xì cho đứa trẻ con người khác số tiền lớn.
>> 'Lì xì lấy lộc nhưng mừng 50 nghìn là keo kiệt'
Nhưng họ cũng phải tìm cách trả lễ lại cho phải lẽ. Hoặc nếu bạn không cần người ta trả lại đúng số tiền, thì con bạn khi mở phong bao, thấy tiền lì xì ít (do người khác vô tư, hoặc không có tài chính nhiều) cũng không vui. Đây rõ là đang làm khó cho người khác.
Trần Thoại
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.