(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Sau khi đọc bài "Tôi e sợ những cô gái độc thân tuổi 30", tôi muốn chia sẻ cách nhìn của mình.
Tôi sang Pháp học tập và làm việc từ năm 18 tuổi, đến nay đã gần 15 năm. Hiện tôi đang làm trong lĩnh vực IT. Vâng, tôi là nam giới, đã có gia đình. Tôi thấy đa phần đàn ông Việt thích cưới vợ ngoan hiền dễ bảo và hơi ngây thơ một tí để chồng có thể lên mặt thị uy.
Như vậy chỉ có người chồng là được quyền theo đuổi cái tôi của bản thân trong hôn nhân, còn người vợ phải vâng dạ phục tùng.
Theo tôi, hôn nhân là hai người tự nguyện đến với nhau và san sẻ với nhau những buồn vui trong cuộc sống. Để hôn nhân được lâu dài thì mỗi người phải tự bớt một phần cái tôi của mình chứ không phải chỉ một mình người vợ.
>> 'Kết hôn sớm là tự giới hạn bản thân, tạo gánh nặng cho cha mẹ'
Và hôn nhân cũng không phải là "một cuộc trao đổi sòng phẳng" mà là sự chia sẻ. Cách nhìn của tác giả giống như đang thuê osin và gọi người đó là vợ. Tôi không muốn cưới một cô vợ "ngây thơ chưa biết gì" vì như vậy vợ chồng không thể trao đổi, tâm sự với nhau các vấn đề trong cuộc sống.
Khoảng cách tuổi giữa hai vợ chồng lý tưởng nhất là 0 - 3 tuổi, như vậy giữa hai người sẽ dễ dàng tìm thấy sự đồng điệu hơn. Vợ chồng không chỉ gắn bó với nhau về mặt sinh lý mà còn cả tinh thần nữa, nên người ta mới gọi là bạn đời. Vì càng về già phần tinh thần càng quan trọng.
Những cô vợ vâng dạ dễ bảo thường là những người phụ thuộc tài chính một phần hoặc hoàn toàn vào chồng. Nếu bạn là đại gia thì không sao, nếu bạn chỉ là một người bình thường, khi sa cơ lỡ vận có thêm nguồn thu nhập của vợ cũng đỡ hơn là cả nhà đặt lên vai một mình bạn.
Bớt sĩ diện lại, vợ chồng là để hỗ trợ nhau chứ không phải chồng bỏ tiền ra thuê vợ làm cái này cái kia cho mình.
>> Lương nghìn USD, có gì phải ngại khi độc thân ở tuổi 30
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Nam Thanh