Ngày 20/10 một đồng nghiệp của tôi chúc mừng các chị em phụ nữ trên trang cá nhân và hài hước nhắn nhủ "đừng quên 19/11 là Ngày Quốc tế Nam giới". Cùng ngày hôm đó, trên phông sân khấu của bữa tiệc tối mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam, cơ quan tôi viết dòng chữ "là phụ nữ thật tuyệt", và dòng chữ "là đàn ông cũng thế" nhỏ hơn.
Câu chuyện này nhắc nhớ chúng ta một việc hiển nhiên nhưng đôi khi lại quên: Nam và nữ đều bình đẳng và được tôn trọng như nhau. Và nhắc nhớ một việc khác nữa: tính chất phong trào, tính chất hình thức của các hoạt động và hành động chúc mừng phụ nữ nhân ngày 8/3 và 20/10.
"Nhân ngày mùng tám tháng ba, tôi giặt hộ bà chiếc áo của tôi" là câu nói hài hước phản ánh chính xác tính chất hình thức và phong trào của hành động chúc mừng phụ nữ với hoa và quà.
Không khó để quan sát thấy những người đàn ông cả năm không làm việc nhà, chăm con, thậm chí coi thường công việc và thu nhập của vợ, nhưng luôn có những món quà đắt tiền và bó hoa to cho vợ ngày của phụ nữ.
Trớ trêu thay, hoa và quà được trao nhận đã làm "mờ mắt" cả hai giới. Một bên tin rằng mình đã "cho" đủ, bên còn lại tin rằng mình đã "nhận" đủ, và quên mất thực trạng bất bình đẳng giới trong gia đình.
Trong khi đó, đã nhiều năm nay, một người mà tôi quen biết thường xuyên đăng bài vào dịp 8/3 và 20/10 với nội dung đại ý là các hoạt động chúc mừng rầm rộ nhân hai ngày này vô tình củng cố thêm các niềm tin sai lệch về vai trò của phụ nữ trong xã hội, và định kiến về sự yếu thế của phụ nữ.
Đây chính là nguyên nhân của bất bình đẳng giới. Anh khẳng định chừng nào còn kỷ niệm, chúc mừng theo cách như những năm qua thì chừng đó tình trạng bất bình đẳng với nữ giới còn tồn tại.
Vậy nên, tốt nhất là nên dừng những hành động có tính chất hình thức và phong trào đó lại. Thay vào đó, mỗi cá nhân nên có những hành động thiết thực hơn ở trong mọi hoàn cảnh và mọi thời điểm để cùng góp phần thúc đẩy bình đẳng giới. Nhưng, như nhiều người đã biết, bất bình đẳng giới cũng đồng thời gây ra những áp lực và gánh nặng cho nam giới.
Đó là việc phải làm chủ - trụ cột gia đình, phải mạnh mẽ, phải ga lăng, phải trả tiền... Không thiếu những câu chuyện liên quan đến áp lực mà nam giới phải đối mặt liên quan đến vai trò giới (do xã hội gán cho) của họ mà chúng ta có thể tìm kiểm trên mạng internet và nghe đâu đó xung quanh.
Có cả những chuyện tế nhị và ít nói ra hơn trong dịp 8/3 và 20/10 ở những công sở ít nam nhiều nữ. Ở một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, nam giới nghèo và có ngoại hình kém bắt mắt thậm chí còn không thể lấy vợ.
Nhiều nam giới những nước này phải tìm vợ ở các quốc gia Đông Nam Á thông qua các dịch vụ môi giới với hệ quả là nhiều cuộc nhôn nhân cưỡng ép, hôn nhân không dựa trên tình yêu, bạo lực gia đình và là một trong những nguyên nhân của nạn buôn bán phụ nữ.
Là một nam giới tôi không mong chờ một ngày kỷ niệm riêng cho giới của mình như ngày Quốc tế Đàn ông 19/11. Dẫu vậy tôi cũng mừng vì điều đó cho thấy cả hai giới đều đáng được đối xử bình đẳng và được tôn trọng như nhau.
Tuy vậy, lý tưởng hơn cả là chúng ta không nên có ngày cho riêng giới nào. Thay vào đó là ngày bình đẳng giới - bình quyền chung cho cả hai giới. Đó sẽ không phải là dịp chỉ để tặng hoa - tặng quà (mà có lẽ không cần) mà là dịp để chúng ta cùng nhắc nhớ nhau rằng xóa bỏ các niềm tin sai lệch - định kiến về giới dành cho nam và nữ sẽ giúp xóa bỏ các gông xiềng vô hình mà chúng ta phải đeo hàng ngày.
Chỉ khi đó chúng ta mới thực sự bình đẳng, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau.
Nguyễn Minh Hoàng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.