Đánh giá của Đại biểu Quốc hội, cho rằng 'tìm một học sinh yếu kém khó như mò kim đáy bể' đang nhận được nhiều phản hồi trái chiều trên VnExpress. Nhiều ý kiến nhận định căn bệnh thành tích đã và đang dẫn đến tình trạng đánh giá học sinh không đúng thực chất diễn ra vô tội vạ:
Ngày xưa lớp phổ thông của tôi khá đặc biệt so với các lớp khác trong trường. Cả lớp 42 người không có học sinh giỏi, nhưng có đến 18 bạn đạt loại khá và không ai xếp loại yếu. Các lớp khác thường có 1-2 bạn giỏi, 5-7 bạn khá. Tôi rất khâm phục "sức học" của các bạn trẻ hiện nay thật. Học gì mà học nhiều thế? Giỏi gì mà giỏi nhiều thế?
Tôi đi họp cho con mà thấy vui tột độ. Cháu được học sinh giỏi suất sắc. Ngày tôi còn đi học, cả trường mới có một vài bạn hoc sinh giỏi, cả khối mới có 2 bạn có thành tích như vậy. Đi thi học sinh giỏi cấp huyện cũng chỉ đạt top 20 bạn có thành tích. Vậy mà lớp con tôi có 43 học sinh đã có 36 em hoc sinh giỏi suất sắc, điểm thi toàn 9,5 đến 10. Còn lại, 7 em điểm 8, 9. Không có học sinh trung bình nữa. Thế mới biết ngày xưa mình học dốt quá.
Con gái tôi năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, những tôi không thấy hãnh diện chút nào. Lớp 30 em thì có 20 bạn đạt thành tích như vậy. Trước mình đi học, cả lớp, thậm trí cả trường mới được mấy bạn xếp học lực xuất sắc, còn bây giờ thì... cả trường xuất sắc!
Lớp 42/43 học sinh giỏi, đến cuối tháng 5 là người người, nhà nhà chụp hình khoe Facebook con mình học sinh xuất sắc, cả xã hội toàn ảo tưởng sức học. Đây là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến có vụ chạy điểm.
Nhờ ngày trước học toán tôi viết thừa đúng một dòng trong bài tính, thầy giáo cho 3 điểm, những bạn khác 9, 10 điểm. Thầy bảo: "Bài của em như một nồi cơm ngon, tự nhiên có thêm hạt sạn". Gần 20 năm rồi mà tôi còn nhớ mãi. Sau này, làm cái gì cũng gọn gàng, ngăn nắp. Còn thấy mấy đứa cháu bây giờ đi học toàn 9, 10 tổng kết toàn 8 - 9 phẩy.
Ngày xưa tôi đi học, mỗi lớp vài đứa được giấy khen, điểm 9, điểm 10 rất hiếm hoi. Giờ con tôi học lớp 1 mà tôi nhìn bảng điểm thi tới 70% điểm 9 và 10 (đây là nông thôn và là trường bình thường). Giấy khen thì hầu như được hết. Bệnh thành tích vậy làm sao tốt lên được?
Nói đến giáo dục tôi thật sự buồn. Tôi học chương trình giáo dục cũ, thế hệ 8x chúng tôi cũng mơ đc giỏi như các em mà không được. Vậy mà từ ngữ chúng tôi không bị lủng củng, chúng tôi có tư duy phát triển. Em của tôi học theo chương trình cải cách, thế là đọc viết không được, tính toán thì sai mà lại được lên đến tận lớp 9 luôn. Đến khi tôi nhận ra thì đã muộn.
Hôm rồi có nhỏ bạn khoe giấy khen con học lớp 6, điểm trung bình 9,2 khiến tôi giật mình. Thời của mình đạt 7,5 đã là có giỏi lắm rồi. Chưa hết, bằng khen ghi nguyên văn thế này: Đã đạt thành tích "học sinh giỏi hạng 5". Học sinh giỏi hạng 5 có phải là trong lớp có 40 em giỏi, rồi chia 40 em giỏi này ra 5 hạng giỏi từ 1 đến 5 (thậm chí còn có giỏi hạng 6, 7, 8 nữa)? Tôi quay sang nói vui với mấy đứa bạn học: "Hồi đó tôi mà được 9,2 là đi thi học sinh giỏi quốc gia rồi chứ không phải giỏi hạng 5 như giờ đâu".
Tôi là một học sinh giỏi văn trong những năm cấp 2 (1976 - 1979) mà điểm trung bình môn này của tôi khi đó chưa bao giờ đạt 7,0. Cao nhất mới là 6,9. Thời đó điểm 9, 10 là hiếm hoi lắm và chỉ có ở các môn tự nhiên như toán, lý.
Thời kinh tế thị trường, xã hội trở nên thực dụng nên trường học, bệnh viện cũng bị thương mại hóa. Người dân coi giáo dục, y tế cũng là ngành kinh doanh nên bệnh nhân, học trò trở thành khách hàng. Mà khách hàng là "thượng đế" nên phải chiều. Họ cho con vào trường, đóng học phí và coi đó là tiền mua chữ, mua kiến thức và mua... điểm. Nhà trường, thầy cô giáo phải có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ những thứ đó mà không cần biết "người mua" có đủ năng lực để "mua" hay không. Và để làm hài lòng "thượng đế", nhà trường, thầy cô giáo không dám la mắng học trò, cho điểm thật cao, mặc kệ chúng nó học được cái gì, biết cái gì, ngoan ngoãn hay hư, có ích cho xã hội hay không.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Thành Lê tổng hợp