Hôm qua là ngày lễ tình yêu (14/2), tôi thực hiện theo đúng kế hoạch đã định sẵn là làm một số việc chưa bao giờ làm để tận hưởng ngày Valentine theo cách của mình. Việc đầu tiên tôi muốn làm đó là đi ra một rạp chiếu phim ở Hà Đông ngay gần nhà để mua vé xem bộ phim "Mai" do đạo diễn Trấn Thành sản xuất.
Đã nhiều năm rồi tôi không theo dõi bộ phim Việt Nam nào. Mấy ngày nghỉ Tết có nhiều thời gian rảnh, đọc Facebook của cô bạn gái thân thời cấp II là giáo viên dạy Văn, có chia sẻ về việc mùng 3 Tết đi xem bộ phim "Mai" rất hay, là một phim đáng để xem và khiến cô ấy tự hào về phim Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng cô giáo dạy văn là người có tâm hồn rất nhạy cảm, cảm thụ văn học rất tốt, nếu cô ấy đã phải khen hay và chia sẻ cùng bạn bè trên Facebook thì nghĩa là bộ phim này phải rất hay và ý nghĩa. Điều này chính là lý do đầu tiên khiến tôi tò mò muốn đi xem phim. Lý do thứ hai, hôm nay là ngày Valentine.
Thay vì trông đợi ai đó mang niềm vui đến cho mình, tôi muốn mang niềm vui đến cho mình bằng cách làm những việc mà bình thường tôi không làm bao giờ.
Phim xoay quanh cuộc sống của nữ chính tên Mai. Cô không may sinh ra trong một gia đình bất hạnh với người mẹ bệnh tật và người cha nghiện cờ bạc. Ở tuổi đẹp nhất của người con gái, Mai đã phải trải qua một bi kịch không thể kinh khủng hơn. Điều này khiến những năm sau đó, Mai phải làm đủ mọi việc để kiếm tiền. Và rồi, số phận đưa đẩy khiến Mai trở thành một cô gái mát-xa.
Tất nhiên, khác với những người đồng nghiệp, Mai chỉ "bán nghệ không bán thân". Tuy nhiên, công việc này vẫn khiến cô chịu nhiều điều tiếng, bị người ta xem như gái bán hoa. Cuộc đời cô bất ngờ rẽ sang hướng khác khi gặp Dương, gã hàng xóm sống đối diện căn phòng trọ của Mai.
Trái ngược với Mai, Dương lại là chàng công tử sinh ra ở vạch đích, chuyển ra ngoài sống chỉ để tìm kiếm cảm hứng sáng tác. Anh ta sống cuộc đời phóng túng, là tay "sát gái" và quyết tâm chiếm lấy Mai vì một lời thách đố với tay bạn thân.
Lúc ban đầu, có lẽ Dương chỉ xem Mai là một mục tiêu chinh phục để anh tìm vui qua đường. Thế nhưng càng tiếp xúc nhiều với Mai, trái tim của Dương lại càng rung động nhiều hơn. Để rồi đến cuối cùng, anh trao đi tình yêu chân thành nhất, chỉ mong được gắn bó bên Mai cả đời.
Bộ phim mượn câu chuyện tình yêu "chị em" đầy thử thách này để dẫn dắt và truyền tải một cuộc đời toàn sự trắc trở của người phụ nữ tên Mai, như người xưa từng nói "hồng nhan bạc phận", và nó vận rõ đúng vào bộ phim này.
Mai là một người đàn bà đã 37 tuổi còn Dương mới 30, hoàn cảnh sống của hai người khiến Mai không tin họ sẽ có kết quả. Hơn hết, trong tim cô luôn tồn tại một nỗi sợ. Cô xem hạnh phúc giống như ngày mai, là thứ vĩnh viễn không bao giờ tới. Trái tim cô giờ đây đã quá nhiều vết xước, nó không thể chịu được tổn thương thêm nữa.
Suốt hơn hai tiếng xem phim, tôi đã khóc nhiều lần vì Mai, người phụ nữ đã trải qua quá nhiều nỗi bất hạnh trong cuộc đời, nhiều lúc cô yếu đuối, bất lực trước hiện thực cuộc sống nhưng vẫn luôn khao khát được yêu. Tôi ấn tượng nhất là phân cảnh Mai ôm Dương òa khóc, thổ lộ cảm giác thèm được yêu vì "sắp 40 tuổi rồi". Một người phụ nữ đã quá lứa lỡ thì, nhưng cô ấy luôn khao khát một lần được yêu thương đúng nghĩa.
Nhưng hành trình tin yêu của cô đã bị xã hội bóp méo, gia đình vùi dập, đến khi gặp được Dương, một người tưởng chừng sẽ mang lại sự yêu thương chân thật cho cô. Thì không, cuộc đời của Mai khiến tôi cảm thấy bất hạnh, khốn khổ, ê chề, bế tắc, không có lối thoát luôn bủa vây cuộc sống của cô. Người đàn ông đã từng khóc sướt mướt như trẻ con, thề non hẹn biển, hứa sống hứa chết sẽ yêu cô, hẹn cô chờ anh ta hai năm thì sau bốn năm cô chuyển đến nơi khác làm, cô vô tình gặp lại cả gia đình anh khi anh đã lấy vợ, vợ đang có bầu. Còn cô vẫn lẻ bóng.
Tuy cô có thể tìm một việc làm tốt hơn quá khứ, không còn phải làm nhân viên mát-xa, đã trở thành người quản lý trong khách sạn nhưng cô vẫn không thể tìm thấy tình yêu của mình. Cô phải nói dối người yêu cũ rằng mình cũng đã có người yêu mới, cô chỉ lái xe của mình và bảo đó là người yêu đến đón cô để cho người yêu cũ yên tâm sống hạnh phúc bên vợ con.
Nhiều người cho rằng cái kết của phim không thoả mãn và gây nhiều tiếc nuối nhưng tôi lại cảm thấy vô cùng chân thật và rất "đời". Người xưa cứ nói rằng: "Ở hiền gặp lành" nhưng tôi thấy thực tế cuộc sống không phải như vậy. Người hiền lành, thật thà toàn thua thiệt, bất hạnh, đau khổ. Muốn người khác không làm mình tổn thương thì phải biết cách phản kháng, chiến đấu lại giống như Mai đã dám dũng cảm đánh nhau, chửi mắng những người hại cô. Khi cô dám vùng lên thì tất cả những kẻ gây khó dễ cho cô đều phải chùn bước.
Những điều mà tôi rút ra được sau khi xem bộ phim này đó là: ở hiền nhưng không có nghĩa sẽ gặp lành; lương thiện, tốt bụng, nhẫn nhịn thường thua thiệt; cuộc sống không phải là màu hồng. Không có chàng hoàng tử nào yêu cô gái lọ lem ở xã hội này, gió tầng nào sẽ gặp mây tầng đó. Làm mẹ đơn thân nuôi con một mình, xuất thân trong gia đình nghèo khó, địa vị thấp kèm, bản thân lại nghèo thì không có chuyện sẽ có công tử con nhà giàu, chưa từng kết hôn lấy làm vợ.
Họ có thể yêu sống yêu chết nhưng rồi họ cũng sẽ lựa chọn người môn đăng hộ đối theo sự sắp xếp của bố mẹ chứ không làm theo sự mách bảo của trái tim; không nên tin vào lời hứa của đàn ông, chỉ nên tin vào chính bản thân mình.
Không có ai giúp được mình, làm chỗ dựa cho mình tốt hơn ngoài chính bản thân mình. Nếu chọn tin tưởng đàn ông thì mình sẽ chỉ nhận được cái kết đắng ê chề mà thôi; phụ nữ không có đàn ông vẫn sống rất tốt. Điều đáng sợ nhất không phải là không có chồng mà là không có tiền để nuôi con khôn lớn, trưởng thành.
Khi phụ nữ có ý chí, chăm chỉ làm việc, tự kiếm tiền nuôi bản thân và nuôi con tốt thì không cần dựa dẫm vào đàn ông, không ai có thể làm cô ấy tổn thương; dù cuộc sống có tàn nhẫn với chúng ta đến đâu thì chúng ta vẫn phải mạnh mẽ sống tiếp, giẫm đạp lên chông gai để mà sống. Hạnh phúc vẫn sẽ đang chờ bạn ở cuối con đường.
Điều ấn tượng nhất sau khi xem phim không phải là câu chuyện về thân phận người phụ nữ, cách họ bị đánh giá gắn nhãn bởi xã hội mà là cách họ mạnh mẽ sống như thế nào. Tôi đánh giá cao sức sống, ý chí, nghị lực bền bỉ của nhân vật Mai. Cho dù xã hội có cả trăm lý do khiến cô phải khóc thì cô vẫn cố gắng có cả nghìn lý do để cười.
Dù 41 tuổi, có công việc tốt, có điều kiện kinh tế, Mai vẫn sống cô đơn nhưng tôi tin trong chặng đường sau này, cô sẽ tìm được một người chồng thực sự yêu thương và làm chỗ dựa vững chắc của mẹ con cô. Cô sẽ được sống hạnh phúc trong tình yêu mà không cần che giấu khát khao đó.
Từ trước tới giờ tôi chưa bao giờ là người hâm mộ Trấn Thành, hơn 10 năm nay chưa xem phim Việt Nam nhưng từ giờ tôi sẽ thay đổi suy nghĩ. Tôi sẽ có nhiều bộ phim Việt chân thực với cuộc sống như vậy để khán giả được thỏa lòng.
Vũ Thị Minh Huyền
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.