Tốt nghiệp THPT và chọn nghề học, thi đỗ vào một trường đại học mình mơ ước, là mục tiêu của hầu hết học sinh lớp 12 cũng như các bậc cha mẹ. Nhiều học sinh phải chịu áp lực từ cha mẹ trong việc chọn ngành, chọn trường.
Nhiều học sinh trước ngưỡng cửa chọn nghề, chọn ngành, chọn trường cảm thây rất khó xử khi một bên là sở thích bản thân và một bên là định hướng của cha mẹ.
Thế hệ 8X như tôi trở về trước, đa phần con chọn ngành học theo ý muốn của cha mẹ. Cha mẹ thời xưa thì hầu như ai cũng có suy nghĩ đỗ đại học để sĩ diện với bạn bè, họ hàng, hàng xóm.
Nhưng đến thế hệ con gái tôi thì đã có nhiều thay đổi hơn trước, bọn trẻ đã có chính kiến hơn, dám theo đuổi ước mơ của mình hơn. Ngay từ khi thi đỗ vào lớp 10, con tôi đã xác định sẽ theo đuổi ngành Tâm lý học ở bậc đại học.
Khi đó, tôi không phản ứng gì vì nghĩ rằng con còn nhỏ chỉ là ý thích tạm thời, sau 3 năm nữa con sẽ chán thôi. Điều tôi không ngờ rằng, đến thời điểm này con chuẩn bị học lớp 12, năm học 2023-2024 sẽ thi đại học mà con tôi vẫn chỉ thích ngành học đã chọn từ khi tốt nghiệp cấp 2.
Gia đình tôi đa phần mọi người không thích con chọn học ngành đó. Vì Tâm lý học không phải là ngành "hot" như các ngành y, dược, kinh tế, tài chính... Hơn nữa, ngành này chưa thực sự phát triển ở Việt Nam, cơ hội kiếm tiền sau khi ra trường là ít hơn.
Tôi không thích ngành con chọn nhưng tôi không phản đối mà phân tích ưu nhược điểm khi chọn học ngành đó, cơ hội tìm việc làm sau khi tốt nghiệp để con cân nhắc thêm lựa chọn của mình có phải là tốt nhất hay chưa. Nếu đã phân tích hết nhẽ mà con vẫn quyết tâm lựa chọn ngành học đó thì tôi ủng hộ con.
Suy nghĩ của tôi là không áp đặt ước mơ của mình lên vai con. Dù thực lòng tôi thích con đi học ngành y, dược hay kinh tế nhưng con lại không thích thì cũng không ép con thi. Khi con không chọn ngành theo ý muốn của tôi, tôi bắt đầu nghiên cứu sang ngành học con thích để lý giải vì sao con thích học đến thế.
Và tôi đã hiểu được rằng Tâm lý học là ngành khoa học nghiên cứu tâm trí và hành vi, cụ thể ở đây là ý chí, cảm xúc, nhận thức và hành động của mỗi con người. Ngoài ra, tâm lý học cũng chú tâm đến sự ảnh hưởng của hoạt động thể chất, trạng thái tâm lý, và các yếu tố bên ngoài lên hành vi và tinh thần của con người.
Trong đời sống xã hội hiện đại, con người phải đặt mình trong rất nhiều mối quan hệ khác nhau, điều này vô tình làm nảy sinh nhiều vấn đề trong cuộc sống, ảnh hưởng đến cảm xúc, tâm trạng và tác động tiêu cực lên hành vi của con người. Có thể nhận thấy rằng, xã hội càng phát triển, các vấn đề liên quan đến tâm lý của con người ngày càng trở nên phức tạp.
Tâm lý học do đó ngày càng đóng vai trò quan trong trong việc kết nối, xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, khám phá bản thân, xoa dịu và chữa lành những thương tổn do các vấn đề tâm lý mang lại.
Những lợi ích của việc học ngành Tâm lý học đó là: giúp người học hiểu rõ bản thân, trị liệu cho chính mình; Giỏi giao tiếp, có kỹ năng xây dựng các mối quan hệ; Phát triển đa dạng các loại kỹ năng; Triển vọng nghề nghiệp tuyệt vời. Sau khi tự tìm hiểu về ngành học mà con yêu thích, tôi không còn lăn tăn gì thêm, chỉ cầu mong năm 2024 con thi đỗ đúng ngành, đúng trường con ước mơ.
Tôi nghĩ, các em học sinh lớp 12 trong năm học 2023 cần dũng cảm lựa chọn ngành học theo sở thích và ước mơ của bản thân mình, vì đó là ngành học sẽ theo mình suốt cuộc đời.
Nếu không yêu, không đam mê, không có khả năng thì làm sao gắn bó lâu dài được? Nếu cha mẹ không ủng hộ, không đồng ý cho thi thì cần phải có đủ lý lẽ và thực tế để phân tích cho cha mẹ thấy việc chọn ngành phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có sở thích và năng lực đồng thời chứng minh lựa chọn của mình là đúng đắn.
Các em cần thể hiện cho gia đình thấy sự nghiêm túc, tìm hiểu kỹ lưỡng về ngành nghề này trước khi quyết định lựa chọn theo đuổi. Hãy cho cha mẹ thấy được khao khát và niềm đam mê thì họ chắc chắn sẽ lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các em.
Tôi không phủ nhận vai trò của cha mẹ trong việc tác động đến nhận thức của con cái trong việc xây dựng định hướng nghề nghiệp phù hợp. Tuy nhiên, cha mẹ chỉ nên đóng vai trò là người đồng hành, hỗ trợ con trong việc xây dựng thái độ sống tích cực để khám phá phát triển bản thân chứ không nên quyết định thay ước mơ của chúng.
Đặc biệt, cha mẹ nên định hướng và khơi dậy những sở thích, tiềm năng để con có thể phát triển năng khiếu của mình nhưng phải tôn trọng những mơ, quyết định cuối cùng của con.
Có thể con bạn vì nghe lời cha mẹ nên chọn ngành học để cho cha mẹ vui lòng. Nếu sau này con thành công thì không sao. Nhưng nếu con không thành công, không yêu thích công việc con đã chọn thì con bạn sẽ quay lại trách cha mẹ hoặc trách bản thân mình không làm được điều mà cha mẹ mong muốn.
Chính vì trách cứ bản thân mình nên dẫn đến mất động lực phấn đấu trong cuộc sống. Việc cha mẹ ép con học ngành nghề theo ý muốn của mình còn dẫn đến một hệ lụy, đó là con bạn bỏ ngang việc học giữa chừng, làm mất thời gian, công sức và tiền bạc hoặc học xong cũng không làm được việc theo đúng ngành đã được đào tạo.
Trong thực tế, tôi gặp không ít trường hợp chọn ngành học theo ý muốn của cha mẹ, đến khi ra trường lại quay sang làm trái ngành vì không thích ngành đã học. Lại mất thời gian đi học thêm bằng đại học, thạc sĩ ngành khác. Lại bắt đầu khởi nghiệp với nghề mới khi đã 35-40 tuổi.
Trong khi đó, những bạn học cùng tuổi chọn đúng ngành học yêu thích, ra trường làm đúng công việc phù hợp với năng lực và đam mê thì đến tầm 35-40 tuổi đã đạt được những thành công nhất định, có vị trí công tác, có kinh tế chắc chắn. Còn các bạn chán ngành đã học lại phải theo đuổi lại từ đầu một ngành học mới khi tuổi đã không còn trẻ, vất vả vô cùng.
Để cả cha mẹ và con cái không phải hối hận sau này, cha mẹ hãy tạo điều kiện thuận lợi nhất để con mình tự tìm hiểu thông tin về nghề nghiệp. Cha mẹ chỉ nên đóng vai trò trợ giúp, cùng con tìm hiểu, bàn luận... trong việc chọn ngành học của chúng, để con toàn quyền quyết định việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai của mình, chứ đừng nên lạm dụng quyền làm cha làm mẹ để bắt ép con phải theo ý mình.
Điều quan trọng nhất là học cách lắng nghe con một cách chân thành, tôn trọng ý kiến cá nhân, không quyết định theo kiểu áp đặt, gây ức chế và làm tổn thương đến con.
Vũ Thị Minh Huyền
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.