Ngoài thời gian ở trường, tụi trẻ còn học thêm buổi tối, cuối tuần học tại trung tâm hoặc ở nhà cô thầy, rồi có khi bố mẹ còn thuê gia sư dạy kèm khi bé phải làm bài tập hoặc ôn thi. Những đứa trẻ mới ba, bốn tuổi đã bắt đầu đi học tiếng Anh ở trung tâm để giao tiếp với người nước ngoài.
Hồi bé, tôi dành hầu hết thời gian để chơi, phụ bố mẹ làm việc nhà. Tôi được sống hồn nhiên, vô tư khám phá cuộc sống, tìm hiểu và nhìn nhận thế giới xung quanh theo cách riêng của mình. Tất nhiên ngày ấy một phần bố mẹ vất vả nên không có điều kiện để ý quá nhiều và chăm lo việc học của tôi, tôi càng được tự do làm điều mình thích.
Tôi từng trải qua việc điểm số trên lớp không cao do không làm được những dạng bài mà bạn thân bảo "cô đã chữa tối qua ở lớp dạy thêm". Tôi cũng nhút nhát, rụt rè hơn người khác khi giao tiếp với cô giáo trên lớp. Làm gì có thời gian để cô quan tâm đến từng học sinh, chỉ các bạn học riêng với cô mới được cô quan tâm, khi lên lớp các bạn đó cũng tự do thoải mái và vô tư trước mặt cô.
>> Ba mẹ từ mặt vì tôi không sống theo cách họ muốn
Tôi cũng trải qua việc bản thân và đứa bạn ngồi cạnh là hai người duy nhất được điểm 10 trọn vẹn trong bài kiểm tra toán, thế nhưng mọi người lại nghĩ tôi nhìn bài bạn. Đơn giản vì bạn năng nổ phát biểu hơn tôi, trong mắt cô giáo bạn mới là người giỏi nhất. Người như tôi làm sao có thể giỏi hơn tất cả, cùng giải được bài toán khó mà lại không đi học thêm nhà cô như bạn. Điều oan ức đó làm tôi mất đi tình bạn đẹp với đứa bạn ngồi cạnh như thế đấy.
Khi thi vào cấp ba, dù được đánh giá không cao như những bạn năng nổ phát biểu trên lớp, bạn được cô giáo hay khen, bạn được cô kỳ vọng vào trường top sẽ mang vinh dự về cho trường... nhưng tôi lại thi đậu với điểm số khá cao. Sau này thi đại học, điểm của tôi cũng chẳng thua kém ai. Tôi vẫn nhớ đâu đó vài lời kêu than: con nhà nọ nhà kia học tài thi phận thế chứ, bình thường học giỏi mà cứ xui xẻo trong kỳ thi quan trọng.
Rồi tôi vẫn ra đời, tự học hỏi và trưởng thành, chấp nhận ngoài kia có bao nhiêu thứ thua thiệt. Có khi tôi chợt nhận ra thua thiệt đến từ khi mình bắt đầu rời vòng tay ba mẹ, bước vào ghế trường học, môi trường tưởng là đẹp đẽ ấy lại chính là nguyên nhân khiến tôi không bao giờ muốn làm giáo viên.
Con tôi giờ cũng trải qua những điều tương tự. Lắm lúc tôi muốn thay đổi, mang nhiều tiền và hoa quà tới cảm ơn cô giáo. Tôi cũng muốn đăng ký cho con học thêm khóa học tại nhà của thầy cô theo gợi ý. Nhưng rõ ràng, tôi thấy việc đó thật kinh khủng, lũ trẻ đang tuổi chơi, lẽ nào mình nỡ cướp mất tuổi thơ của chúng, ép chúng lao vào con đường học ngày học đêm. Tôi không làm được.
Nhớ rằng, có lần đến nhà bạn dự sinh nhật con của bạn, ở đó ai cũng khoe con đạt giấy khen nọ phần thưởng kia. Tôi chỉ im lặng, chuyển chủ đề khi họ hỏi kết quả học tập của con tôi. Rồi một người trong số họ giơ tấm ảnh bài viết chữ đẹp của con ra cho mọi người xem, bà mẹ ấy không quên nói: "Đấy, cháu nó tự luyện đó, không luyện viết ở trung tâm hay học thêm gì đâu". Tôi cười nhẹ, rõ ràng mấy lần chở con đi dạo phố đều gặp mẹ con nhà đó ở cổng trung tâm luyện chữ.
Thực ra, con tôi cũng được giấy khen động viên, chỉ là không phải giỏi hay xuất sắc như con nhà người ta. Tôi cũng không lấy làm muộn phiền lắm, có chăng chỉ hơi chạnh lòng xíu khi ai đó chê bai mà mình ngại không muốn giải thích, sợ mất lòng người ta do quan điểm mình hơi khác.
Gần đây tôi hơi lo lắng. Con tôi học cấp hai, tức là bé đã có những tư duy riêng của mình, con nói: "Mẹ ơi, điểm thi của con rất cao, trong top 10 của lớp, tại sao con không được cô khen như các bạn khác. Tại sao điểm tổng kết của con thấp hơn bạn X, dù điểm thi bạn thấp hơn con? Con cũng không được giấy khen giỏi". Tôi chỉ cố gắng giải thích chắc là do điểm phát biểu trên lớp, điểm kiểm tra miệng của con chưa bằng bạn nên điểm tổng kết bị kéo thấp xuống. Bạn điểm thi không cao nhưng biểu hiện thường ngày tốt nên lại kéo lên. Con bảo: "Không phải mẹ à, điểm trên lớp bạn cũng thua con cơ". Tôi cố gắng giải thích rồi hướng sang chủ đề khác, động viên và khen con đã giỏi trong mắt mẹ, với mẹ thành tích đó là tốt rồi. Một lần con lại nói: "Con biết rồi, bạn đó đi học thêm ở nhà cô đấy. Ngày tết, lễ, bạn ấy cũng cùng mẹ đến tặng cô phong bì mẹ ạ".
Khi tâm sự, hướng nghiệp cho con, tôi nghe con nói: "Sau này con sẽ không làm giáo viên đâu mẹ ạ". Có lẽ nào tôi đã sai khi không chạy đua cho con học thêm, không tranh thủ lấy lòng cô giáo, không tặng quà đắt tiền cho cô? Liệu việc lặp lại xu thế của tôi có khiến con thiệt thòi hay không?
Hoài
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc