"Nếu thẳng thắn nhìn nhận về tình trạng giảm sinh ở nước ta hiện nay, tôi tự hỏi: liệu có cần hỗ trợ cho các cặp vợ chồng sinh con, nuôi dạy con cái, góp phần cung cấp nguồn lao động trẻ cho đất nước sau này không? Nhất là khi gánh nặng chi phí dành cho việc sinh đẻ và nuôi dạy con cái thực sự là một bài toán khó tìm lời giải.
Trong khi đó, những người chọn cuộc sống độc thân, có thể thoải mái tận hưởng các thú vui cá nhân mà ít phải lo lắng đến áp lực kinh tế. Cũng vì lẽ đó mà ngày càng có nhiều người trẻ thờ ở với việc kết hôn, sinh con, thậm chí xem lựa chọn độc thân tư duy thời thượng, lựa chọn sáng suốt.
Tôi cho rằng, đã đến lúc những nhà quản lý vấn đề dân số và bản thân mỗi chúng ta nên ngồi lại và nhìn nhận nghiêm túc vấn đề này. Ở đây, tôi không bàn đến việc lối sống nào là đúng, là sai bởi kết hôn hay không, sinh con hay không là lựa chọn của mỗi người, không ai có thể áp đặt suy nghĩ lên người khác được.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, những cặp vợ chồng chấp nhận vất vả khi lập gia đình, sẵn sàng sinh con, cần được nhà nước hỗ trợ bằng các chính sách thiết thực hơn nữa như nhiều nước trên thế giới đã và đang làm. Tôi lấy ví dụ, gia đình nào có một con cần được hỗ trợ thêm chi phí giáo dục, y tế; gia đình sinh hai con càng phải được hỗ trợ nhiều hơn nữa... Tóm lại, chúng ta cần có chính sách để giúp đỡ họ nuôi dạy con cái, giúp họ an tâm làm việc, ổn định cuộc sống.
>> 'Sinh con đi, ông bà nuôi cho'
Thử hỏi, nếu người trẻ ai cũng chọn lựa cuộc sống độc thân cho nhẹ đầu, thì theo lý thuyết, chỉ khoảng 30 năm nữa thôi, chúng ta sẽ có rất nhiều ngôi nhà bỏ hoang, rất nhiều công việc không có người làm và rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng hơn nữa đi kèm.
Bản thân tôi cũng đã lập gia đình. Hai vợ chồng tôi cố gắng sinh con trước 30 tuổi theo khuyến cáo của Bộ Y tế, dù chúng tôi cũng không phải quá dư dả về mặt tài chính, vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong việc nuôi dạy con cái. Thú thực, nhiều lúc tôi thấy rất cần chính sách, chế độ nào hỗ trợ cho những gia đình như chúng tôi".
Đó là chia sẻ của độc giả Cơm Nguội trước thực trạng "Chậm cưới - lười sinh" ở nước ta hiện nay. Những năm qua, độ tuổi kết hôn của TP HCM luôn cao nhất cả nước, trung bình 30,4 tuổi, vượt xa nhiều tỉnh thành khác. Trong khi đó, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của cả nước cũng tăng dần thời gian qua, hiện ở mức 27,2. Xu hướng kết hôn muộn hoặc sống độc thân đang gia tăng với tốc độ nhanh, đẩy mạnh tốc độ già hóa dân số, gây thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, lực lượng và năng suất lao động giảm sút, khiến gánh nặng an sinh xã hội ngày càng lớn.
Bạn có sẵn sàng chấp nhận những gánh nặng kinh tế, an sinh để kết hôn, sinh con? Chia sẻ bài viết tại đây.
- 'Đẻ đi rồi tính'
- 'Lương dưới 15 triệu khó đẻ thêm con'
- Sống không con cái vì sợ phải chịu gánh nặng
- Tôi không cố sinh con chỉ vì sợ bị xem là ích kỷ
- Nỗi vất vả gồng gánh cha mẹ già vì tôi là con một
- Đánh đổi 5 năm sự nghiệp để sinh con