Đọc bài Chính quyền của tác giả Hồng Phúc mà tôi không khỏi cảm thông cho tác giả xen lẫn buồn phiền cho bản thân. Nếu như tác giả gặp sự quan liêu từ một cơ quan công quyền của nhà nước thì trường hợp tôi còn đáng buồn hơn khi xảy ra ở một trường đại học dân lập, một nơi được cho là cần có dịch vụ tốt để thu hút sinh viên, cạnh tranh với các trường đại học khác.
Bất cứ ai ý định đi du học hay định cư ở nước ngoài đều không lạ với việc đánh giá bằng cấp bởi một tổ chức độc lập có uy tín như WES, CES, ICAS... Việc đánh giá này giúp các tổ chức hiểu giá trị thành tích học tập của người có bằng, tiện cho việc học tiếp theo hay làm việc của người đó sau này ở một quốc gia khác.
Gia đình tôi cũng không là ngoại lệ. Cách đây ba năm, tôi đã từng đến Phòng Đào tạo của trường đại học này để xin cấp bản sao cho bằng Cao đẳng mà chồng tôi đã làm thất lạc và mọi thứ đều ổn. Giờ đây khi cần công chứng văn bằng, tôi mới biết bản sao không công chứng được nên đành phải đến trường để làm thủ tục xin bản sao.
Để hợp cả tình và lý cũng như với hy vọng đủ hồ sơ thì mọi việc sẽ thuận lợi hơn, tôi cẩn thận đem theo cả bản gốc của bản sao trước đây cũng như bản gốc của bằng Đại học và hai bảng điểm Cao đẳng và Đại học của chồng mình tất cả đều cùng của trường cấp, do chồng tôi học Cao đẳng và sau đó hoàn chỉnh lên Đại học tại cùng trường.
Sau khi chờ cho các em sinh viên xong thủ tục xin giấy được vào thi (vì còn nợ học phí) thì cũng đến lượt mình. Nghe tôi nói thì chị nhân viên đưa tôi vào gặp cô trưởng Phòng Đào tạo để trình bày.
Tôi giải thích rằng do đặc thù công việc phải đi sớm và về trễ tận hơn 10h đêm nên chồng tôi không thể đến trực tiếp hay ra phòng công chứng làm thủ tục xin Giấy ủy quyền. Tôi có đem theo những bản chính bằng cấp và bản điểm của trường đã cấp cho chồng tôi cùng với đăng ký kết hôn có mộc đỏ để thay chồng đi làm thủ tục xin cấp bản sao cũng như xin xác nhận gửi cơ quan đánh giá bằng cấp WES.
Cô từ chối vì cho rằng có thể có những hậu quả không lường nếu cấp bản sao bằng Cao đẳng bị thất lạc cho tôi dù tôi có là vợ hợp pháp. Tôi cố thuyết phục rằng đã từng làm một lần trước đây ở trường cũng như việc này hoàn toàn không liên quan gì đến giá trị tài sản nhưng vẫn không được.
Tôi quyết định đến gặp ông hiệu trưởng, với hy vọng có thể hiểu và dễ cảm thông hơn khi nghe giải thích sự việc. Không may ông cũng trả lời rằng mọi thứ cần phải làm theo đúng quy trình và ông khăng khăng chỉ có thể giúp kể cả việc sẽ yêu cầu nhân viên ở lại trực dù là 11h đêm chỉ cần chồng tôi phải đến trường trực tiếp để lấy và ký nhận hồ sơ cho đúng thủ tục.
Tôi đến trường lần hai để xin xác nhận bằng và chấp nhận cách ít phiền phức hơn. Nhưng tôi phải cầm bản sao đi phiên dịch để có dấu Phòng công chứng mặc dù bản sao bằng đã có cả tiếng Anh và tiếng Việt.
Tôi đành chịu cách này để có thể xin xác nhận hồ sơ sớm và gửi đi cho WES trước khi công ty dịch vụ nghỉ Tết Nguyên đán. Chị nhân viên nhận hồ sơ và hẹn ngày đến nhận kết quả.
Tuy nhiên, hai ngày sau, chị nhân viên hỏi số điện thoại để liên lạc chồng tôi nhằm xác minh. Tôi cho số điện thoại và sau đó có đề nghị làm bản sao, vì trước đây có nói chỉ cần xác nhận thì không cần thông tin liên lạc với chồng tôi. Sau khi hỏi cấp trên thì chị bảo việc xác nhận khác với xin bản sao và tôi cần đến trường để làm thủ tục xin cấp bản sao.
Tôi cũng hỏi chồng tôi về sự xác nhận của bên trường thì chồng tôi trả lời có người điện chỉ hỏi có phải là anh S không và do chữ ký có sự khác nhau nên cần điện để xác minh.
Tôi lại đến trường lần ba để nhận lại giấy xác nhận và làm thủ tục xin cấp bản sao cho bằng Cao đẳng bị thất lạc. Anh nhân viên nhận hồ sơ cấp bản sao lưu ý tôi lần tới đi nhận phải là chồng tôi hoặc phải có giấy ủy quyền mới được nhận. Tôi có nhắc lại lời cô trưởng phòng hôm trước cũng như ông hiệu trưởng đã hứa hẹn thì họ nói sẽ hỏi lại sau.
Ngày 2/2, đến ngày hẹn nhận hồ sơ và đến trường lần tư, dường như không khí hối hả Tết cộng với cái lo âu của Covid-19 bùng phát lại và các học sinh, sinh viên phải nghỉ Tết sớm vẫn chưa đủ tất bật, tôi nhận được cuộc gọi từ trường thông báo cần đến đúng hẹn vì trường sắp nghỉ Tết và phải đúng thủ tục, là chồng tôi đến trực tiếp hoặc có giấy ủy quyền mới được nhận.
Thất vọng vô cùng về sự phiền phức này nhưng tôi vẫn đến trường để niêm phong phong bì và gửi cho kịp trước khi công ty dịch vụ ở Việt Nam nghỉ Tết Nguyên đán. Tôi còn chán nản hơn khi cô nhân viên phòng hành chính quản trị quay ra hỏi chị nhân viên phòng Đào tạo dẫn tôi đi cùng để đóng dấu niêm phong phong bì rằng, hồ sơ không phải của trường thì có đóng dấu không.
Tôi ngạc nhiên khi hồ sơ chỉ ba tờ trong đó một tờ đóng dấu của trường, hai tờ nội dung bằng cấp, bảng điểm của trường có đóng dấu của Phòng công chứng mà sao lại hỏi như vậy thì cô ra dấu rằng không có hỏi tôi nên tôi không cần trả lời. Cuối cùng rồi cũng đóng dấu xong. Nhận hồ sơ ra về, nhớ lại hàng chữ lớn hai bên nêu khẩu hiệu ở phía sân trước của trường mà tôi thấy thật mỉa mai và cay đắng.
Vũ Thị Xuân Lan
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.