Ngày xửa ngày xưa, khi tôi còn nhỏ, tiệc vui Tết trung thu thường được cơ quan nơi mẹ tôi công tác tổ chức. Mỗi đứa trẻ là con em công nhân viên của cơ quan được phát cho nửa cái bánh trung thu, vài cái bánh ngọt, mấy trái chôm chôm, và mấy cây đèn cầy. Chúng tôi cùng nhau hát bài "Tết trung thu rước đèn đi chơi", rồi ăn bánh, đốt nến cắm vào lồng đèn.
Lúc đấy ai cũng còn nghèo. Nhà tôi cũng vậy nên ba mẹ tôi không có bánh trung thu. Nếu các con ăn còn dư thì cha mẹ tôi ăn ké góc bánh còn lại. Ba tôi sẽ uống trà rồi dẫn con cầm lồng đèn đi chơi.
Tôi dần lớn lên và Tết trung thu cũng "lớn" lên theo. Ba mẹ tôi mở một quán cà phê, vì vậy mỗi đợt trung thu tới, các "đối tác", tức là những người bỏ mối cà phê, nước đá, sẽ đem tặng bánh trung thu cho ba mẹ tôi. Bánh trung thu bắt đầu có hình dáng tròn, xếp theo mấy tầng, với nhân thịt quay, nhân thịt gà, rồi thêm những hạt lạ lùng gì gì đấy.
Bánh trung thu đạt tới tầm cao mới khi ba mẹ tôi cũng mua và đem biếu tặng, còn chúng tôi "chới với" khi gắng ăn đống bánh chất chồng.
Thời nay, sự phức tạp của bánh trung thu ở Việt Nam đã được nâng lên một tầm mới so với hồi tôi còn nhỏ. Tôi bối rối với các loại nhân bào ngư, vi cá, yến sào, rồi giờ lại thêm rau câu hoa quả. Liệu người ta có bỏ thịt cừu thịt bò vào chưa, và điều gì sẽ xảy ra nếu chà là và chocolate cùng "nhảy" vào bánh trung thu?
Với những tầm cao này thì không có gì lạ lùng khi giá lên cao như vậy. Nhưng khi nghe tới các hộp bánh tiền triệu thì tôi lại phải ngẫm nghĩ lại thêm một lần nữa.
Hộp bánh giá một triệu đồng tức tương đương 40 đôla Mỹ, mà có những hộp tới mấy triệu đồng cơ. Ra chợ ở Mỹ, một hộp bánh giá từ 28 đôla tới 36 đôla. Tất nhiên là bánh làm bằng nguyên liệu Mỹ, nhân công Mỹ, mặt bằng giá Mỹ, trả tiền thuế kiểu Mỹ, nhưng nó vẫn chưa trở thành bánh tiền triệu, vì sao vậy nhỉ?
Một lần trên giảng đường đại học, tôi có được nghe giảng rằng, hàng hóa thông thường thì giá càng cao nhu cầu càng giảm, còn hàng khoe mẽ thì giá càng cao nhu cầu càng cao. Người ta mua hàng hóa thông thường để tiêu thụ, còn mua hàng hóa khoe mẽ thì để khoe mẽ.
Bánh trung thu với nhiều người đã đạt đỉnh cao của món hàng khoe mẽ. Những thứ này thật ra cũng là một thú vui, kiểu như fan Apple xếp hàng nguyên đêm để mua iPhone. Ít ra thì cũng là do họ lựa chọn, chứ những ai phải ôm một đống bánh trung thu hảo hạng đắt tiền vì "bị" người ta biếu thì họ cũng chẳng có mấy lựa chọn.
Bây giờ tôi đã định cư ở Mỹ. Một hộp bánh 4 cái cỡ vừa giá 28 đôla. Tôi mua về và chia cho em tôi, mỗi gia đình nhỏ được hai cái bánh. Đêm trung thu phá cỗ chia ra xong thì mỗi người, dù là người lớn hay trẻ con, đều được một nửa cái bánh. Ăn xong nửa cái bánh trung thu là đã ngán, tôi phải uống thêm trà để dùng vị đắng xua cái ngọt nồng nàn ra khỏi cổ.
Vậy là bánh trung thu đã trở lại như trong tuổi thơ của tôi. Qua tới bên kia trái đất, nơi bánh trung thu được dùng để ăn thì nhu cầu thật của người tiêu dùng cũng chỉ có thế thôi, đó là nửa cái bánh. Còn nhu cầu khoe mẽ thì cũng có, chỉ là bánh trung thu không trở thành món hàng khoe mẽ mà thôi.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.