Joe Biden vừa tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, trước sự chứng kiến của Chánh án Tòa Tối cao John Roberts tại mặt tây tòa nhà quốc hội Mỹ.
Tay phải giơ lên, tay trái đặt trên cuốn kinh thánh của gia đình, Biden tuyên thệ: "Tôi trịnh trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ đảm đương vị trí tổng thống Mỹ một cách trung thành và sẽ làm hết khả năng để giữ gìn, duy trì và bảo vệ Hiến pháp Mỹ. Vì vậy xin Chúa hãy giúp tôi!"
Biden đã tuyên thệ nhiều lần trước đây, bao gồm 7 lần với tư cách là thượng nghị sĩ và hai lần với tư cách phó tổng thống dưới thời Obama, nhưng đây là lần đầu tiên ông tuyên thệ với tư cách Tổng thống.
Thẩm phán Tòa Tối cao Sonia Sotomayor là người đã chủ trì lễ tuyên thệ của Biden khi ông trở thành phó tổng thống năm 2013 và lần này, ngay trước khi ông tuyên thệ Tổng thống, bà Sotomayor chủ trì nghi thức tuyên thệ cho cấp phó của ông là Kamala Harris.
Lời tuyên thệ của Biden được trích trong Hiến pháp Mỹ, quy định một tổng thống sắp nhậm chức phải tuyên thệ "trước khi bắt đầu nhiệm vụ của mình". Các tổng thống từ George Washington tới Donald Trump đều tuyên thệ nhậm chức giống như trên.
Đa số các tổng thống, bao gồm Trump, đều nói thêm "Vì vậy, xin Chúa hãy giúp tôi" khi kết thúc lời tuyên thệ, dù hiến pháp không quy định phải nói câu này. Các quan chức liên bang khác cũng phải tuyên thệ, dù quốc hội, chứ không phải Hiến pháp, quy định nội dung tuyên thệ của họ.
Tuyên thệ khi nhậm chức không phải sản phẩm của người Mỹ. Các thành viên quốc hội Anh đều cam kết "trung thành với Nữ hoàng Elizabeth, với những người kế vị bà, theo luật pháp Anh". Tại Trung Quốc, công chức phải cam kết trung thành với Hiến pháp và "với tổ quốc, với nhân dân, thể hiện sự tôn trọng tối cao với nhiệm vụ, luôn chính trực, nhận sự giám sát của nhân dân và làm việc vì một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, tiên tiến, hài hòa và đẹp đẽ". Còn tại Ai Cập, tổng thống sẽ thề với "Thánh Allah vĩ đại" sẽ "bảo vệ nền cộng hòa... và làm việc vì lợi ích nhân dân".
Việc quy định lời tuyên thệ trong Hiến pháp cho thấy những người sáng lập nước Mỹ chú trọng vào cam kết "giữ gìn, bảo vệ và bênh vực Hiến pháp". Những từ này không có trong bản tuyên thệ đầu tiên (bản tháng 7/1787 chỉ có dòng "thực thi một cách trung thực", không nhắc tới hiến pháp).
Năm 1837, Martin Van Buren, tổng thống Mỹ thứ 8, đã nói: "Nguyên tắc sẽ chỉ đạo tôi trong nhiệm vụ cao cả mà đất nước giao phó là tuân thủ nghiêm ngặt tinh thần và nội dung của Hiến pháp". Gần một thế kỷ sau, Franklin Delano Roosevelt, tổng thống Mỹ thứ 32, tuyên bố "hệ thống Hiến pháp... là cơ chế chính trị trường tồn tuyệt vời nhất mà thế giới hiện đại tạo ra".
Biden tuyên thệ vào một thời điểm quan trọng trong lịch sử nước Mỹ. Đồi Capitol, nơi diễn ra lễ nhậm chức thứ 59, từng chứng kiến một cuộc bạo loạn trước đó hai tuần. Do lo ngại về an ninh và khả năng xảy ra bạo lực, cũng như nguy cơ lây nhiễm Covid-19, lễ nhậm chức có ít người tham gia trực tiếp hơn bình thường.
Đánh giá về lời tuyên thệ nhậm chức, một số học giả cho rằng nó nhấn mạnh vai trò bình đẳng của tổng thống trong việc giải thích Hiến pháp và cung cấp cho họ công cụ để bảo vệ đặc quyền tổng thống khỏi sự can thiệp của quốc hội. Những người khác thì cho rằng lời tuyên thệ của tổng thống được tạo ra nhằm kiểm soát quyền lực của tổng thống.
"Giá trị thực sự của lời tuyên thệ nằm ở cách nó có thể định hình hành vi của tổng thống", David Strauss, giáo sư luật Đại học Chicago, nhận xét. "4 năm qua, sau hai lần Trump bị xem xét bãi nhiệm, cũng như việc ông từ chối thừa nhận kết quả bầu cử cho tới vắng mặt trong quá trình chuyển giao quyền lực, là lời nhắc nhở rõ ràng rằng lời tuyên thệ của tổng thống không có nghĩa là trao cho người đứng đầu đất nước quyền tự thi hành luật lệ".
Hồng Hạnh (Theo Economist)