Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc cùng chiến hạm hộ tống tiến vào Biển Đông hôm 10/4, sau khi Mỹ triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và nhóm tác chiến tàu đổ bộ USS Makin Island đến Biển Đông. Hôm 16/4, Liêu Ninh đi xuống phía nam đảo Hải Nam, vài ngày sau khi tàu sân bay Mỹ rời khu vực.
Trao đổi với VnExpress, Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales của Australia, cho rằng động thái của Trung Quốc gửi đi ba thông điệp. Thứ nhất, Trung Quốc phản ứng trước mọi hoạt động triển khai của Mỹ để chứng tỏ họ không bị Mỹ đe dọa. Thứ hai, Trung Quốc đang chứng tỏ với các quốc gia trong khu vực rằng họ là một cường quốc hải quân cần được coi trọng. Trung Quốc gần đây đã cảnh báo Ấn Độ tránh xa Biển Đông. Thứ ba, Trung Quốc đang gửi thông điệp tới người dân trong nước rằng chính quyền Tập Cận Bình đang bảo vệ cái họ gọi là "chủ quyền của Trung Quốc".
"Các cuộc tuần tra của Trung Quốc, bao gồm tàu Liêu Ninh, nhằm răn đe các bên tuyên bố chủ quyền chồng lấn và các quốc gia bên ngoài như Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ", Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao của tổ chức tư vấn chính sách Mỹ RAND, đánh giá. "Việc để tàu Liêu Ninh tiến vào Biển Đông cho thấy Trung Quốc muốn bảo vệ các yêu sách chủ quyền của mình trong khu vực".
Trung Quốc đơn phương vạch ra "đường lưỡi bò", yêu sách phi lý đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp phản đối quốc tế. Bắc Kinh đã bồi đắp phi pháp 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành đảo nhân tạo và quân sự hóa thành tiền đồn trên biển.
Grossman còn chỉ ra rằng hải quân Trung Quốc đang huấn luyện với tàu Liêu Ninh và các khí tài khác để đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng cho chiến đấu thực tế. "Huấn luyện trong cái gọi là 'điều kiện chiến đấu thực tế' là ưu tiên hàng đầu của hải quân Trung Quốc. Biển Đông là khu vực có thể xảy ra xung đột, khiến nó trở thành khu vực huấn luyện lý tưởng cho Liêu Ninh và các khí tài khác", Grossman đánh giá.
Hải quân Mỹ ngày 11/4 công bố bức ảnh được chụp hồi đầu tháng 4 tại biển Hoa Đông, cho thấy khu trục hạm tên lửa USS Mustin đi song song với tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Trên boong tàu Mustin, hạm trưởng Robert Briggs và phó hạm trưởng Richard Slye quan sát chiến hạm Trung Quốc di chuyển cách tàu khu trục Mỹ vài nghìn mét.
Giới chuyên gia nhận định bức ảnh này được hải quân Mỹ công bố nhằm gửi thông điệp "xem thường" tàu sân bay Trung Quốc. "Bức ảnh này là một dạng 'chiến tranh nhận thức', cho thấy Mỹ không coi quân đội Trung Quốc là mối đe dọa tức thời", Lã Lễ Thi, cựu giảng viên học viện phòng vệ trên biển Đài Loan ở Cao Hùng, cho biết.
"Trong ảnh, hạm trưởng Briggs trông rất thoải mái khi ngồi gác chân nhìn chiến hạm Liêu Ninh chỉ cách đó vài nghìn mét, trong khi cấp phó của ông ngồi cạnh. Điều này cho thấy họ xem thường hải quân Trung Quốc".
Theo Thayer, kể từ khi lên nắm quyền, chính quyền Biden đã đưa ra một chiến lược quyết đoán hơn ở Ấn Độ - Thái Bình Dương để chống lại Trung Quốc và khiến họ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. "Rất có thể chúng ta sẽ thấy căng thẳng gia tăng khi chu trình 'một nước có hành động và nước kia phản ứng' gia tăng. Nói cách khác, Trung Quốc và Mỹ đều sẽ đáp trả các đợt triển khai của đối phương bằng cách phô diễn lực lượng", Thayer nói.
"Mỹ và Trung Quốc đều đang thể hiện sức mạnh và quyết tâm cho nhau xem. Việc cả hai nước cùng điều động tàu sân bay trong khu vực sẽ trở nên phổ biến hơn khi các tàu sân bay của Trung Quốc có năng lực hơn và bước ra khỏi giai đoạn chạy thử", Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, nhận xét.
Khi các diễn biến tại Biển Đông đang tăng nhiệt, China Daily tuần trước đưa tin Trung Quốc sắp phóng 4 vệ tinh vào cuối năm nay từ đảo Hải Nam, nhằm xây dựng mạng lưới có thể giám sát tàu thuyền trên toàn Biển Đông.
Yang Tianliang, kiến trúc sư trưởng Hệ thống Mạng vệ tinh Quan sát Trái Đất Hải Nam, cho biết 4 vệ tinh giám sát Hainan 1 đã được lắp ráp và lên kế hoạch đưa vào quỹ đạo trong chuyến bay thứ hai của tên lửa đẩy Trường Chinh 8, phóng từ Trung tâm Vũ trụ Văn Xương, tỉnh Hải Nam.
Vệ tinh Hainan 1-01 mang một camera góc rộng, có nhiệm vụ xác định và giám sát những vật thể di chuyển trên biển, đặc biệt là tàu. Trong khi đó, vệ tinh Hainan 1-02 được trang bị một camera độ nét cao, nhằm quan sát các cảng, đảo và tàu. Hainan 1-03 và Hainan 1-04 đều sử dụng camera góc rộng để lập bản đồ những khu vực được chỉ định.
Trong 2-3 năm tới, thêm hai vệ tinh Hainan 1, hai vệ tinh viễn thám đa quang phổ Sanya 1 và hai vệ tinh radar khẩu độ tổng hợp Sansha 1 dự kiến được phóng vào không gian để hoàn thiện Hệ thống Mạng vệ tinh Quan sát Trái Đất Hải Nam.
Theo Poling, Trung Quốc đã phóng một mạng lưới lớn các vệ tinh quỹ đạo Trái đất nhằm giám sát các đại dương trong vài năm qua. Chúng bao gồm các vệ tinh hình ảnh, radar, hệ thống thu AIS (hệ thống thông tin liên lạc trợ giúp hàng hải), hệ thống định vị Bắc Đẩu. "Chúng càng củng cố thêm lợi thế vốn đã đáng kể của Trung Quốc trong việc giám sát và liên lạc trên Biển Đông", ông nói.
Grossman đánh giá đây lại là một bước nữa chứng tỏ Trung Quốc có kế hoạch thúc đẩy yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Bằng cách duy trì khả năng theo dõi diễn biến hàng hải, Trung Quốc có thể hành động chống lại các bên tuyên bố chủ quyền chồng lấn cũng như những quốc gia bên ngoài như Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ. "Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc đang đầu tư vào những khả năng này", Grossman nhận xét.
Phương Vũ