Kinh tế xuống dốc do đại dịch khiến các chính phủ phải tung ra những gói kích thích tài khóa khổng lồ để hỗ trợ hàng triệu người dân và doanh nghiệp. Đây là khoản chi tiêu cần thiết để hỗ trợ các nền kinh tế. Tuy nhiên, khối nợ sinh ra sau đó cũng đồng nghĩa một cuộc khủng hoảng sâu rộng hơn có thể diễn ra và nhiều nước sẽ gặp suy thoái kép.
Báo cáo gần đây của EIU dự báo "một cuộc khủng hoảng nợ có thể đang tiến gần". "Hiện tại, các chính phủ tăng chi tài khóa để chống lại đại dịch, duy trì cấu trúc kinh tế cơ bản và giữ lại việc làm cho người lao động. Hậu quả là thâm hụt tài khóa sẽ tăng đáng kể trong những năm tới", báo cáo cho biết.
Từ tháng 1, trước khi đại dịch tấn công các nước, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo rủi ro về một khủng hoảng nợ toàn cầu mới. Họ nhận định khối nợ tích lũy từ năm 2010 sẽ là "mức tăng diện rộng nhất, nhanh nhất và quy mô lớn nhất" kể từ thập niên 70.
Viện Tài chính Quốc tế (IIF) năm ngoái cho biết nửa đầu năm 2019, khối nợ toàn cầu tăng thêm 7,5 tỷ USD, lên kỷ lục hơn 250.000 tỷ USD. "Khi không có dấu hiệu suy giảm, chúng tôi dự báo khối nợ toàn cầu vượt 255.000 tỷ USD năm 2019, chủ yếu do Mỹ và Trung Quốc", IIF cho biết cuối năm ngoái, trước khi đại dịch diễn ra.
Còn hiện tại, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu năm nay "rất có khả năng chịu khủng hoảng tài chính tệ nhất kể từ Đại Suy thoái, khi chính phủ các nước gia hạn phong tỏa để ngăn Covid-19. IMF dự báo kinh tế toàn cầu năm nay co lại 3%. Hồi tháng 1, họ còn cho rằng GDP sẽ tăng 3,3%. Giám đốc IMF Kristalina Georgieva tuần trước cho biết nửa thế giới đã đề nghị IMF cứu trợ, cho thấy sự trầm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại.
Báo cáo của EIU thì cảnh báo với sức ép chưa từng có hiện tại, và không biết khủng hoảng sẽ còn kéo dài đến bao giờ, lựa chọn của các nước để thoát hố nợ sau khủng hoảng ngày càng trở nên mong manh. Trước đây, thắt lưng buộc bụng thường được sử dụng để kiềm chế thâm hụt tài khóa cao. Tuy nhiên, trong trường hợp hồi phục hậu khủng hoảng, cách này không thể dùng được.
Khi không có biện pháp mang tính thực tế nào để ngăn khủng hoảng nợ công, cú sốc này có thể tiếp tục giáng đòn lên các nền kinh tế, đặc biệt là những nước phát triển vốn đang nặng nợ, như Italy hay Tây Ban Nha. Việc này còn có thể gây tác động lan truyền đến nhiều thị trường khác, EIU cảnh báo. Tăng nguồn thu thông qua nâng thuế có thể khiến người dân và doanh nghiệp khó chịu, mà có thể cũng không đủ bù thâm hụt. Bên cạnh đó, sức hấp dẫn của trái phiếu chính phủ trong mắt nhà đầu tư cũng giảm sút.
"Trong ngắn hạn, nhiều nền kinh tế phát triển có thể bị đẩy đến bờ vực khủng hoảng nợ", Agathe Demarais – Giám đốc Dự báo Toàn cầu tại EIU nhận xét trong báo cáo, "Việc này diễn ra trong bối cảnh rất nhiều quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng từ đại dịch, như Tây Ban Nha và Italy, vốn có tài khóa yếu". Tây Ban Nha và Italy là hai nền kinh tế có nhiều ca mắc Covid-19 nhất trên thế giới chỉ sau Mỹ.
Phần lớn các nước Nam Âu vẫn đang gượng dậy sau nhiều năm thắt lưng buộc bụng, Demarais cho biết. Họ đang chịu sức ép từ nợ công cao, thâm hụt tài khóa lớn và dân số già. "Khủng hoảng nợ tại bất kỳ quốc gia nào ở đây cũng sẽ rất nhanh chóng lan ra các nước phát triển và mới nổi khác, đẩy toàn cầu vào một cuộc khủng hoảng sâu rộng hơn rất nhiều", báo cáo kết luận.
Hà Thu (theo CNBC)