Gita Gopinath, kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá, kể cả đến cuối năm 2021, kinh tế toàn cầu có thể không phục hồi hoàn toàn được. Tổ chức này cũng vừa hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay xuống -3%, còn năm 2021 sẽ tăng 5,8%.
"Mức tăng trưởng đạt 5,8% trong năm 2021 nếu có chỉ là sự phục hồi một phần tác động của dịch bệnh", Gita nói trong chương trình "Squawk Box Asia" của CNBC. "Vì vậy, ngay cả vào cuối năm sau, quy mô kinh tế vẫn thấp hơn giai đoạn trước đại dịch".
Trước đó, trong "Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới năm 2020", IMF dự báo sự bùng phát của Covid-19 sẽ đạt đỉnh ở hầu hết quốc gia trong quý II và giảm dần trong nửa cuối năm. Nếu đại dịch kéo dài sang quý III, kinh tế thế giới có thể giảm thêm 3% cho năm 2020 và khả năng phục hồi vào năm 2021 cũng chậm hơn, do ảnh hưởng từ phá sản và thất nghiệp kéo dài.
Trường hợp có một đợt bùng phát thứ hai vào năm 2021, kinh tế toàn cầu có thể giảm 5-8% trong dự báo cơ sở, khiến thế giới suy thoái trong năm thứ hai liên tiếp.
"Rất có khả năng năm nay nền kinh tế toàn cầu sẽ trải qua thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái, vượt qua những gì đã thấy trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một thập kỷ trước", IMF nhận định trong báo cáo, "Cuộc 'Đại phong tỏa', dự kiến kéo giảm đáng kể tăng trưởng toàn cầu".
Diễn biến của Covid-19 đã trở nên phức tạp, với hơn 2 triệu người trên toàn cầu nhiễm bệnh, khiến các nền kinh tế phải thực hiện cách ly xã hội, đóng cửa các trường học và doanh nghiệp nhằm hạn chế sự lây lan. Điều này cũng khiến nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ.
Nhằm giảm bớt sự ảnh hưởng, Chính phủ và các ngân hàng trung ương các nước đã công bố hàng loạt gói cứu trợ để giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình sống sót qua cuộc khủng hoảng. Các phản ứng này đại diện IMF đánh giá là quyết liệt và dứt khoát.
"Nếu bạn so sánh với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, phản ứng hiện nay nhanh hơn rất nhiều và quy mô cũng lớn hơn", Gita nói và cho biết quy mô các gói hỗ trợ trên toàn cầu đã vượt trên 8.000 tỷ USD.
Tuy nhiên, kinh tế trưởng của IMF cho rằng, sự hỗ trợ là không phân bổ đồng đều giữa các nền kinh tế, với khoảng 7.000 tỷ USD từ các nước G-20. "Một mối quan tâm hiện nay là các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi có ít không gian tài khóa để hỗ trợ kinh tế và tôi nghĩ rằng họ đang ở vị thế khó khăn hơn", Gita nhận xét.
Minh Sơn (theo CNBC)