Độc giả gửi câu hỏi tại đây
Chương trình có sự tham gia của Thầy thuốc nhân dân, Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội; Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên, Cố vấn Phẫu thuật tim, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Tuần Tư vấn về bệnh tim mạch (1/4-7/4) trên VnExpress ghi nhận hơn 1.000 câu hỏi của độc giả gửi về và được 22 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này giải đáp. Theo các chuyên gia, trong các bệnh tim mạch, bệnh mạch vành có tỷ lệ tử vong cao hàng đầu thế giới và tại Việt Nam. Bệnh diễn tiến âm thầm nên khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn nặng. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, dư thừa cholesterol máu, thừa cân, béo phì...
Tuy nhiên, Phó giáo sư Nguyễn Thị Bạch Yến khẳng định, 80% bệnh lý tim mạch có thể phòng ngừa, nếu mỗi người quan tâm sức khỏe của mình hơn.
Tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tim mạch
Phó giáo sư Bạch Yến chia sẻ, bên cạnh chế độ dinh dưỡng cân đối, lối sống lành mạnh, vận động phù hợp, việc trang bị kiến thức chăm sóc sức khỏe là cách để giữ trái tim khỏe mạnh. Mỗi người nên khám sức khỏe định kỳ mỗi sáu tháng nhằm sàng lọc các yếu tố nguy cơ cao của bệnh tim mạch, nhất là những người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì...
Đau thắt ngực, nhịp tim nhanh, hồi hộp, mệt mỏi, khó thở... là những dấu hiệu thường gặp của bệnh mạch vành nói riêng và các bệnh lý tim mạch nói chung. Tuy nhiên, ở giai đoạn sớm, những dấu hiệu này có thể chỉ xuất hiện thoáng qua nên nhiều người không để ý hoặc khó nhận biết. Việc thăm khám sớm, chẩn đoán bệnh chính xác là yếu tố quan trọng, quyết định hướng điều trị ở các giai đoạn tiếp theo.
Theo Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh, hiện nay, Việt Nam đã có đầy đủ các phương tiện hiện đại cũng như ứng dụng những kỹ thuật mới nhất trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch. Ở Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Tâm Anh trang bị máy chụp CT 768 lát cắt ứng dụng trí tuệ nhân tạo có khả năng chụp cắt lớp vi tính toàn thân chỉ từ 3 đến 4 giây, khảo sát mạch vành không phụ thuộc vào nhịp tim. Máy chụp MRI công nghệ tiên tiến khảo sát tim không cần nín thở. Máy siêu âm tim, siêu âm mạch máu (động mạch cảnh, mạch máu ngoại biên...) thế hệ mới có khả năng dựng hình ảnh 4D giúp hỗ trợ phẫu thuật tim, thông tim trong điều trị bệnh van tim, khảo sát thể tích và chức năng tim 4D. Máy chụp X-quang kỹ thuật số treo trần thế hệ mới cho hình ảnh chẩn đoán xác thực, tối ưu gấp 3 lần máy thông thường. Máy điện tâm đồ và máy ghi điện tim liên tục 24 giờ đến 14 ngày giúp phát hiện các rối loạn nhịp bất thường. Máy theo dõi huyết áp trong 24h phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp...
Những tiến bộ trong kỹ thuật can thiệp như chụp động mạch vành cản quang chọn lọc qua da, đo phân suất dự trữ lưu lượng mạch vành, siêu âm trong lòng mạch vành, thông tim can thiệp... cho phép khảo sát chuyên sâu các bệnh lý hẹp mạch vành, bệnh van tim, dị tật tim bẩm sinh...
Tiến bộ trong điều trị bệnh tim mạch
Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh cho biết, Việt Nam đã làm chủ nhiều kỹ thuật phức tạp để điều trị bệnh mạch vành nói riêng và các bệnh lý tim mạch nói chung, cứu sống bệnh nhân. Chẳng hạn như nong đặt stent mạch vành, đặc biệt là đặt stent thân chung động mạch vành trái, thay van động mạch chủ qua da, sửa van hai lá bằng ống thông (MitraClip), nong van tim bằng bóng qua da; đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn, máy phá rung cấy được (ICD); can thiệp bệnh tim bẩm sinh như bít thông liên nhĩ, thông liên thất, ống động mạch bằng dụng cụ qua thông tim, đặt stent ống động mạch...
Với trường hợp loạn nhịp tim, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân cắt đốt ổ loạn nhịp bằng sóng cao tần (gọi là cắt đốt điện sinh lý). Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh chỉ ra, tại Việt Nam, cắt đốt điện sinh lý (triệt đốt các rối loạn nhịp sử dụng năng lượng sóng cao tần) có tỷ lệ thành công cao, gần 90%, ít biến chứng, tái phát thấp. Bệnh nhân thường không có cảm giác khó chịu sau khi làm thủ thuật do được gây mê nhẹ, gây tê tại chỗ, có thể đi lại và xuất viện sau vài ngày.
Trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tim mạch, điều trị bằng phương pháp phù hợp rất cần thiết, không nên trì hoãn. Tùy vào từng loại bệnh cụ thể, mức độ..., bác sĩ yêu cầu bệnh nhân dùng thuốc, hoặc tiến hành kỹ thuật can thiệp tim mạch khi cần thiết. Bệnh nhân hẹp động mạch vành nặng, ngoài điều trị thuốc có thể cần can thiệp nong và đặt stent giúp cải thiện triệu chứng và kéo dài đời sống, đặc biệt đặt stent ở thân chung mà trước đây phải mổ bắc cầu. Tiến bộ trong tim mạch học can thiệp còn giải quyết nhiều vấn đề tim mạch khác như thay van động mạch chủ, sửa van hai lá qua đường ống thông... mà không phải phẫu thuật như trước đây.
Trong điều trị bệnh nhân hẹp van hai lá, nong van hai lá được bác sĩ lựa chọn hàng đầu. Ngoài ra, thay van động mạch chủ qua da là kỹ thuật mới, nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy biện pháp này không thua kém phẫu thuật, tương lai có thể thay thế phẫu thuật thay van, nhất ở bệnh nhân cao tuổi, bệnh nặng không thể chịu đựng được cuộc mổ lớn. Tương tự, sửa van hai lá qua ống thông cũng cho nhiều kết quả khích lệ, áp dụng cho bệnh nhân nặng không thể phẫu thuật được.
Việt Nam mỗi năm có hơn 8.000 ca phẫu thuật tim thực hiện. Nhiều kỹ thuật phẫu thuật tim chuyên sâu như bắc cầu động mạch vành, thay van tim nhân tạo, sửa chữa dị tật tim bẩm sinh, phẫu thuật bệnh lý mạch máu, ghép tim... giúp xử trí những ca bệnh phức tạp an toàn, hiệu quả hơn.
Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh nhận định, hiện nay chỉ một số bệnh viện có thể sàng lọc bệnh tim bẩm sinh bằng cách đo độ bão hòa oxy cho tất cả trẻ sơ sinh trước xuất viện. Với sự phát triển của kỹ thuật siêu âm tim thai nhi, hầu hết dị tật tim bẩm sinh có thể phát hiện được từ tuần 18 của thai kỳ để chuẩn bị hướng can thiệp sớm ngay khi trẻ chào đời.
Việc chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh trước khi chào đời, có thể tạo điều kiện cho các bác sĩ chuẩn bị tốt cho ca phẫu thuật sau sinh, đặc biệt là sự phối hợp của các bác sĩ sản, nhi sơ sinh, tim mạch nhi để cấp cứu, đảm bảo nồng độ oxy máu cho bé ngay sau sinh. Với sự phát triển của kỹ thuật gây mê trong phẫu thuật, nếu bệnh được chẩn đoán và điều trị sớm, theo bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên, tỷ lệ thành công có thể lên tới 90-95%. Sau phẫu thuật, nếu diễn biến tốt, bé gần như hồi phục hoàn toàn và cuộc sống sau này bình thường như những trẻ đồng trang lứa.
Các kỹ thuật can thiệp tim mạch như kỹ thuật Hybrid (can thiệp và phẫu thuật đồng thời); can thiệp động mạch chi; đặt màng lọc tĩnh mạch chủ dưới...; can thiệp van tim (nong van, thay van qua da)... mang lại cơ hội sống khỏe cho hàng triệu người.
Nhằm giải đáp thắc mắc của độc giả về dấu hiệu nhận biết và các phương pháp hiện đại trong tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh mạch vành, bệnh van tim, bệnh cơ tim, bệnh tim bẩm sinh và các bệnh tim mạch khác, VnExpress phối hợp cùng Hệ thống bệnh viện đa khoa Tâm Anh tổ chức tọa đàm tư vấn "Bệnh mạch vành và bệnh tim mạch" phát trực tiếp trên VnExpress lúc 14h hôm nay, ngày 7/4. Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh, Phó giáo sư Nguyễn Thị Bạch Yến và bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên sẽ giải đáp chi tiết các thắc mắc của độc giả xoay quanh chủ đề này.
Ngọc An (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)