Độc giả gửi câu hỏi tại đây
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tỷ lệ sinh mổ tại Việt Nam tăng nhanh chóng trong những năm qua. Năm 2002, mức sinh mổ tại Việt Nam vào khoảng 10%. Đến năm 2020, tại một số thành phố, tỷ lệ này gần 60%. So với tỷ lệ sinh mổ được WHO khuyến cáo là 10-15%, con số này tại Việt Nam đang khá cao.
Bác sĩ Nhi nhấn mạnh, so với trẻ sinh thường, trẻ sinh mổ có thể chịu nhiều "thiệt thòi" hơn về sức khỏe. Một số nghiên cứu cho thấy trẻ sinh mổ thường bị mất căn bằng hệ vi sinh đường ruột do không được tiếp cận những vi khuẩn khi đi qua ống sinh sản của mẹ như trẻ sinh thường. Điều này khiến đường ruột của trẻ sinh mổ cần nhiều thời gian hơn để hoàn thiện hệ vi sinh.
Khi mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, trẻ sinh mổ có thể mắc phải các bệnh về nhiễm trùng, tiêu hóa, hô hấp hoặc các bệnh lý dị ứng như hen suyễn, chàm sữa hay có nguy cơ bị các bệnh lý đái tháo đường tuýp 1 và béo phì lâu dài.
70-80% tế bào miễn dịch nằm ở đường ruột. Do đó, mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ miễn dịch của trẻ sinh mổ. Trung bình, các trẻ sinh thường mất khoảng 10 ngày để hệ miễn dịch hoạt động tốt. Với trẻ sinh mổ, thời gian này có thể cần đến 6 tháng.
Tuy vậy, trong một số trường hợp thai phụ được chỉ định sinh mổ như khi khung chậu bất thường, đường ra của thai bị cản trở, thai suy dinh dưỡng, chậm tăng trưởng trong tử cung nặng, thai bị bất đồng nhóm máu với mẹ... Sản phụ mắc các căn bệnh mạn tính hay khung chậu bất thường, tử cung dị dạng... cũng phải bắt buộc sinh mổ. Trong quá trình sinh thường, bác sĩ cũng có thể chỉ định can thiệp khi quá trình chuyển dạ kéo dài, cổ tử cung mở hết nhưng thai vẫn chưa ra được, sa dây rốn khi thai còn sống.
Với trẻ sinh mổ, để tăng cường sức đề kháng và giúp hệ miễn dịch sớm hoàn thiện, mẹ cần đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ. Bắt đầu từ việc nuôi con bằng sữa mẹ, bổ sung dinh dưỡng cho mẹ, tránh kiêng khem các thực phẩm, trẻ được hưởng trọn vẹn nguồn lợi khuẩn trong sữa mẹ giai đoạn 6 tháng đầu đời. Giai đoạn ăn dặm, mẹ nên cho trẻ làm quen với đa dạng thực phẩm, xây dựng thực đơn cân đối các nhóm chất.
Theo bác sĩ Đào Thị Yến Thuỷ, Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, trẻ sinh mổ có thể tăng cường sức đề kháng khi được bổ sung probiotics (những vi khuẩn có lợi cho đường ruột) và prebiotic (chất xơ thức ăn cho lợi khuẩn trong đường ruột). Gần đây, Viện nghiên cứu Danone Nutricia Research (Hà Lan) đã nghiên cứu và phát minh công thức Synbiotic, kết hợp probiotic và prebiotic nhằm hỗ trợ đường ruột và hệ miễn dịch ở trẻ. Cụ thể, sau khi được bổ sung Synbiotic, tỷ vệ vi khuẩn có lợi trong hệ vi sinh đường ruột của trẻ sinh mổ phát triển nhanh. Ngoài ra, trẻ còn có thể giảm triệu chứng bệnh tiêu hóa, tỷ lệ viêm da cơ địa và nguy cơ chàm sữa.
Nhằm giúp độc giả có thêm kiến thức về dinh dưỡng và cách nâng cao đề kháng cho trẻ sinh mổ, báo VnExpress tổ chức buổi tọa đàm "Dinh dưỡng cho trẻ sinh mổ" vào 15h ngày 16/4. Chương trình có sự tham gia của bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh; bác sĩ Đào Thị Yến Thuỷ, Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Buổi tọa đàm còn có thêm những chia sẻ thực tế của chị Đoàn Thanh Thảo, vợ ca sĩ Hoàng Bách với kinh nghiệm nuôi dưỡng ba con, trong đó có bé Meo Meo chào đời bằng phương pháp sinh mổ.
Minh Tú