Sau bài viết Tang lễ 'gọn nhẹ', nhiều độc giả chia sẻ về các vấn nạn tại đám tang.
Độc giả Mai Quan Hoang kể: "Ngày xưa, gần nhà tôi có đám ma, cứ có đoàn đến viếng là họ kéo kèn. Con tôi sợ mấy năm không dám xem múa Lân Sư Rồng vì ám ảnh.
Đám tang tôi sợ nhất là bật loa to, tôi không hiểu để làm gì. Nghe rất kinh và rất phiền nhà xung quanh. Quê Hà Tây cũ nhà tôi, đám làm hôm trước, hôm sau phải đưa. Vào trong Nam đám ma cả tuần. Ai cũng mệt. Lúc đầu, thì có nhà kêu chờ con cháu ở nước ngoài về nhìn mặt lần cuối".
Độc giả Phạm Hồng Quang nêu có nạn tổ chức cờ bạc trong những đám tang ở các vùng quê: "Việc tang gia ít ai muốn nói đến nhung ai cũng phải đối diện trong tương lai. Ở Sài Gòn, đám tang kéo dài nhiều ngày. Còn ở quê tôi không quá hai ngày... Trong khi ở Trảng Bom (Đồng Nai), không ít đám tang có cờ bạc sát phạt như chợ, có người cảnh giới ở các đầu mối giao thông.
Các đám tang có ban tổ chức lo việc nghi thức, bật những bài về tình cha nghĩa mẹ, gia chủ không phải lo chi phí gì cho việc này. Vì thế, nhiều nhà cũng để ban tổ chức muốn làm gì thì làm. Vì cũng là việc tang gia bối rối nên cơ quan chức chức năng cũng bỏ qua. Và mỗi đám tang là một chiếu bạc lớn".
Độc giả dmn123: "Rất đồng tình với bài viết đó là thể hiện nét văn minh cuộc sống hiện đại. Khi còn sống mỗi người nên tích lũy một ít tiền để khi chết đi lo hậu sự, bỏ thủ tục tiền phúng viếng, vay trả. Có nhiều đám ma mà như khai thác kinh tế từ người chết thấy không được hay lắm.
Ngày xưa nghèo khổ thì con người cần giúp nhau trong khó khăn đúng ý nghĩa của nó. Ngày nay kinh tế phát triển có những đám tang lợi dụng sự ảnh hưởng của người sống để khai thác triệt để những lợi thế có được gây biến tướng trong cuộc sống".
Trong khi đó, độc giả có nickname haphuongthangphong cho rằng văn hóa, phong tục là rào cản cho những người ủng hộ tổ chức tang lễ kiểu "gọn nhẹ":
Việc tổ chức đám tang thế nào ồn ào hay lặng lẽ, phô trương hay đơn giản phụ thuộc phần lớn vào ý thức của con người. Mà ý thức này ảnh hưởng bởi truyền thống văn hóa lẫn cả tôn giáo.
Khi mẹ tôi mất tôi cũng muốn có một cái đám tang đơn giản không bày cỗ bàn, không mời bạn bè nhiều, không kèn trống tỉ tê chỉ càng làm thêm đau thương. Tôi cũng không muốn có những bài hát ồn ào nhằm giấu đi cái nỗi sợ hãi tức thời của việc mất đi người thân...
Bạn có thể mong muốn là vậy nhưng liệu các thành viên trong gia đình bạn có muốn hay có cùng quan điểm như thế?
Rất khó để thay đổi thói quen trong một xã hội dần dần cạnh tranh so sánh ngay cả với việc tổ chức đám tang cho người chết. Càng nhiều vòng hoa của đoàn thể này đoàn thể nọ càng tốt, càng chứng tỏ gia đình được nhiều người tôn trọng.
Rồi ngay cả có cả một ban tang lễ, kèn trống, sư thầy càng nhiều...càng tốt. Chưa nối đến việc dư luận bàn tán sau đám tang đó diễn ra, ồn ào hay lặng lẽ thì họ cũng đủ cớ nói chẳng giống ai, rồi con cháu thế này thế nọ. Cho nên cái gì đúng cái gì sai ở xã hội hiện nay thật khó bàn.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.