Sau khi đọc bài viết Phía sau bát phở giá 4 triệu, đĩa cơm tấm 500 nghìn đồng, tôi đồng ý quan điểm của tác giả là giá tiền phụ thuộc vào nguyên liệu và nơi bán, vỉa hè hay khách sạn 5 sao.
Hồi tháng rồi, tôi được một người bạn rủ đi ăn bún riêu cua tại một tiệm mới khai trương. Trước giờ, khi ăn bún riêu, tôi thích ăn riêu cua, cùng lắm là kêu thêm một chân giò heo để "gặm".
Sau khi người bạn gọi món, người phục vụ bưng ra hai tô bún riêu mà tôi cảm thấy choáng ngợp vì ngồn ngộn thịt, riêu cua, ốc có cả thịt bò tái và một hột vịt lộn trong tô, chưa kể còn tóp mỡ, hành phi, huyết heo...
Nhìn váng mỡ nổi trong tô, tôi chưa ăn mà đã cảm thấy ngán. Cố ăn xong lại sợ bị đầy bụng.
Bây giờ, hãy quay lại với món cơm tấm. Ở Sài Gòn, món cơm tấm được nhiều người cố định với cái tên nói láy: "Sà bì chưởng" tức là sườn bì chả. Rõ là món cơm tấm, người ta có thể ăn với một trong ba thức ăn đi kèm này, hoặc tối đa là cả ba, cùng lắm là cho thêm một trứng ốp la. Tôi không hiểu sao nhiều quán lại có "topping" như lạp xưởng, đùi gà, trứng vịt kho...
Biến tấu trong ẩm thực cũng là một nghệ thuật. Vì với một món ăn truyền thống, các vùng miền có những nguyên liệu khác nhau, nên việc thay thế nguyên liệu là điều không có gì phải bàn cãi.
Tuy nhiên, việc nhiều quán biến tấu với nhiều "topping" đi kèm, về lâu dài sẽ làm thay đổi hành vi ăn uống của khách. Họ bối rối: Đâu mới là món ăn chính gốc? Chưa kể, tình trạng "Full topping" khi biến tấu món ăn sẽ làm mất đi vị hương vị gốc, tạo sự nhầm lẫn cho du khách nếu họ không được giải thích một cách rõ ràng.
Anh Thi