Mấy tuần nay, cô chủ của tiệm cơm tấm gần cơ quan tôi phải nghỉ để chăm mẹ bệnh, tôi thấy như mất đi một thứ gì đó. Về quán cơm tấm và ẩm thực bình dân, tôi đã giới thiệu trong bài Mãnh lực của đĩa cơm tấm Sài Gòn 30.000 đồng.
Ẩm thực Việt Nam từ lâu đã nổi tiếng với những món ăn bình dân, mang hương vị truyền thống và giá cả hợp lý, phù hợp với mọi người. Bỗng một ngày, nhiều người bất ngờ, thảng thốt, tranh cãi với nhau về những tô phở giá 4 triệu, đĩa cơm tấm 500 nghìn đồng.
Điều đầu tiên phải đồng ý với nhau: Không gian ăn những món này là nơi sang trọng, dùng nguyên liệu đắt tiền như thịt bò Nhật, heo Tây Ban Nha... Vậy nên giá tiền những món ăn kể trên không phải là thứ bàn luận trong phạm vi bài viết này.
Phở, cơm tấm là những món ăn phổ thông, chưa bao giờ được định vị là một món ăn sang. Chúng quen thuộc và phổ biến vì người bình dân ăn cốt yếu để no bụng hoặc thưởng thức để gợi nhớ về một kỷ niệm nào đó (ví dụ ăn phở Nam Định, Hà Nội để nhớ về quê hương...).
Chính việc "sang hóa" những món ăn bình dân cũng cho thấy, thực ra chúng ta có rất ít món ăn "đỉnh cao" đúng nghĩa. Khi Lọ Lem khoác chiếc áo dạ hội lộng lẫy, thì cô vẫn là nàng lọ lem. Nhưng một món ăn bình dân được biến tấu cho sang, rất có thể, nó không còn là món ăn ấy nữa.
Việc "sang hóa", biến tấu những món ăn bình dân với những nguyên liệu đắt tiền rốt cuộc có thể thu hút vài du khách nước ngoài hoặc người trong nước thử vì tò mò cho biết.
Còn nhiệm vụ giữ gìn phong vị ẩm thực Việt, có lẽ phải cậy nhờ vào những chị cơm tấm, cô bán phở, hủ tíu lề đường, nằm hút sâu trong một con hẻm nào đó nữa thành phố. Còn việc quảng bá nằm ở những người ăn sành điệu, sẵn sàng bỏ thời gian tìm kiếm quán ngon.
Khánh Đông