Phái đoàn Nga và Ukraine dự kiến tổ chức vòng đàm phán thứ ba vào cuối tuần này, sau hai cuộc hội đàm đầu tiên ở Belarus không tạo được kết quả đột phá về một giải pháp ngừng bắn, chấm dứt xung đột.
"Tôi không lạc quan mấy về tiến trình đàm phán chính trị vì các điều kiện và đề xuất từ cả hai phía đang mâu thuẫn nhau quá lớn. Tìm kiếm giải pháp chính trị cho chiến sự ở Ukraine là bài toán rất hóc búa, đặc biệt đối với tình hình hiện nay", Andrey Buzarov, nhà phân tích chính trị và an ninh người Ukraine, trả lời VnExpress từ thủ đô Kiev.
Buzarov là chuyên gia trong nhóm phân tích KievStratPro và từng làm cố vấn cho Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) và Bộ Ngoại giao nước này. Ông cũng từng viết bài phân tích về các vấn đề chính trị tại Ukraine cho tổ chức nghiên cứu Trung tâm Wilson của Mỹ.
Trong hai vòng đàm phán trước, Ukraine yêu cầu một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, một hiệp định đình chiến và hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường, cũng như Nga phải rút hết lực lượng khỏi nước này. Trong khi đó, phía Nga vẫn kiên trì với yêu cầu "phi quân sự hóa, phi phát xít hóa" chính quyền Kiev, cũng như điều khoản Ukraine áp dụng "trạng thái trung lập" và đồng ý từ bỏ tham vọng gia nhập NATO.
Theo Buzarov, trong vòng đàm phán thứ ba, phái đoàn Nga và Ukraine sẽ tiếp tục khó tìm thấy tiếng nói chung trong những nội dung quan trọng nhất như lệnh ngừng bắn hay khởi động hòa đàm, vì chiến sự thực chất vẫn diễn ra khi các bên ngồi vào bàn hội đàm.
Ông tin rằng sau nhiều ngày giao tranh căng thẳng, các bên về cơ bản chưa sẵn sàng đàm phán về các vấn đề chính trị. "Tôi kỳ vọng nhiều hơn vào nỗ lực đàm phán nhân đạo, điển hình là thỏa thuận lập hành lang nhân đạo sơ tán người tị nạn, trẻ em và người nước ngoài khỏi vùng chiến sự", ông chia sẻ.
Bộ Quốc phòng Nga hôm nay thông báo ngừng bắn ở hai thành phố Mariupol và Volnovakha của Ukraine để mở hành lang sơ tán dân thường theo thỏa thuận đạt được trong cuộc đàm phán ngày 3/3. Thành phố Mariupol ở phía đông nam Ukraine, còn Volnovakha nằm ở tỉnh Donetsk, miền đông nước này.
Chuyên gia này lưu ý giải quyết bài toán khủng hoảng nhân đạo tại Ukraine không chỉ gồm sơ tán dân thường ở những khu vực đô thị lẫn nông thôn, mà còn cần tính đến số tù binh các bên đang giam giữ cũng như giải quyết tử sĩ trên chiến trường.
Các bên đàm phán cần tìm giải pháp cho vấn đề chôn cất quân nhân thiệt mạng, vận chuyển thi thể, đàm phán trao trả tù binh, song song với thỏa thuận cải thiện tình hình cuộc sống cho dân thường và ngăn chặn thảm kịch nhân đạo xảy ra ở các thành phố lớn.
Buzarov lưu ý thời gian qua đã xuất hiện nhiều thông tin dân thường ở Ukraine phải chật vật tìm thực phẩm, thuốc men và không thể tiếp cận những nhu yếu phẩm căn bản nhất cho cuộc sống.
Chia sẻ thêm về tình hình tại thủ đô Ukraine, Buzarov cho biết thành phố đang trong tình trạng đáng lo ngại khi quân đội Nga khép vòng vây. Những người cần rời khỏi thành phố, đặc biệt là trẻ em và người già, đang gặp rất nhiều khó khăn.
"Hiện thành phố chỉ còn một hoặc hai đường cao tốc có thể xem là an toàn, nằm ở phía bắc và tây bắc Kiev", ông nói.
Bởi vậy, Buzarov cho rằng để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay, một hành lang đặc biệt dành cho sơ tán dân thường cần được thiết lập càng sớm càng tốt.
Ông đánh giá chiến sự ở Ukraine đã bước vào giai đoạn giằng co, trong bối cảnh các lực lượng vũ trang Ukraine chứng tỏ được năng lực kháng cự bền bỉ trước đà tiến công của quân đội Nga. Tổng thống Volodymyr Zelensky vẫn quyết tâm bám trụ ở thủ đô Kiev, trở thành biểu tượng khích lệ người dân ở lại cùng quân đội chiến đấu.
"Trong những năm qua, đặc biệt từ khi Tổng thống Zelesnky bắt đầu nhiệm kỳ, người Ukraine đã nhận thức rằng chúng tôi chỉ có thể dựa vào chính mình. Chúng tôi chỉ có thể dựa vào sức mạnh nội tại khi đối mặt mọi mối đe dọa", Buzarov nói.
Khi tình hình chiến sự kéo dài, nhân đạo sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu trong các cuộc đàm phán và có thể là chìa khóa để hai bên đi đến một điểm chung, khi các vấn đề khác đều lâm vào bế tắc. Điều này đòi hỏi cả Nga và Ukraine thể hiện quyết tâm chính trị để phê duyệt thỏa thuận, đồng thời thiết lập phái bộ thực thi.
Tuy nhiên, khi hai bên đi đến thỏa thuận thiết lập hành lang nhân đạo, cần có một bên thứ ba, có thể là tổ chức hoặc quốc gia trung lập, đứng ra giám sát để đảm bảo các bên tham chiến thực thi cam kết sơ tán dân thường của mình, Buzarov nhận định. Bởi vậy, sáng kiến thiết lập hành lang nhân đạo đòi hỏi sự ủng hộ đặc biệt từ Liên Hợp Quốc, hoặc được thể hiện thông qua một thỏa thuận sơ bộ giữa các bên.
Mô hình này đồng nghĩa Nga và Ukraine phải nhất trí thiết lập một "khu vực phi quân sự hóa tạm thời", được thiết kế trên cơ sở đảm bảo vận chuyển an toàn hàng viện trợ nhân đạo vào vùng chiến sự và đưa dân thường rời khỏi điểm nóng. Hành lang nhân đạo cũng có khả năng liên quan đến một thỏa thuận về vùng cấm bay hoặc cấm lực lượng quân sự di chuyển trong khu vực nhất định.
Trong bối cảnh hiện nay, "khía cạnh nhân đạo là điểm sáng duy nhất trong triển vọng đàm phán", Buzarov nhận định. "Hai bên cần tạo một khung phối hợp hoặc những nhóm ủy nhiệm giải quyết các vấn đề nhân đạo".
Thanh Danh