"Tôi từng chứng kiến một câu chuyện tình giữa trưởng phòng và nhân viên trong một tập đoàn lớn.
Về tình cảm thì đó là hai người trẻ độc thân yêu nhau - rất đáng mừng, nhưng về công việc thì là một tai họa đầy rẫy các tình huống thiên vị người yêu, bắt chẹt cộng sự khác.
Đáng buồn ở chỗ các quản lý cấp cao hơn không có biện pháp điều tiết tốt, chờ đến khi hai người đã kết hôn thì mới mạnh mẽ yêu cầu một người nghỉ việc. Khi đó thì mối quan hệ đồng nghiệp trong phòng đã tan nát và chắc chắn công ty đã có thiệt hại uy tín.
Mỗi tổ chức có một tầm nhìn, từ đó tạo nên một nếp văn hóa. Rất nhiều ngành nghề hiện nay cần có sự nghiêm cẩn mà tập đoàn của tác giả đang áp dụng, hy vọng các nhà quản lý sẽ học tập được từ những chia sẻ trên.
Tôi cũng làm ở tổ chức đa quốc gia nhưng tính phân nhóm cao, ít có xung đột lợi ích hơn nên chỉ hạn chế ở 'không yêu người trong cùng reporting line' (nếu bạn là một nhân viên và bạn phải báo cáo công việc của mình cho một quản lý trực tiếp, thì bạn và người quản lý đó nằm trong cùng một 'reporting line')".
Độc giả nickname Zkarl chia sẻ về một trường hợp "sếp và nhân viên yêu nhau", sau đó đi đến hôn nhân và gặp phải vấn đề oái ăm như trên.Mỗi tổ chức có một tầm nhìn, từ đó tạo nên một nếp văn hóa đặc trưng.
Bình luận được chia sẻ sau bài viết Công ty tôi không chấp nhận nhân viên có tình cảm với sếp. Trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, việc quản lý các mối quan hệ tình cảm giữa các nhân viên là một vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Mỗi tổ chức đều có tầm nhìn và nếp văn hóa riêng, ảnh hưởng đến cách họ xử lý các tình huống này. Nhiều độc giả đã quan tâm thảo luận.
Độc giả Kevin cho rằng nhân viên có quan hệ riêng tư với cấp trên cần bị cấm vì nó tạo ra nhiều xung đột lợi ích: "Nhân viên có quan hệ riêng tư với cấp trên là việc cần phải được cấm tuyệt đối vì nó tạo ra xung đột rất nhiều.
Đã là quan hệ tình cảm thì sẽ luôn luôn có thiên vị cho nhau và chèn ép người khác. Sếp sẽ giúp người yêu đạt thưởng cao, thậm chí cướp công của người khác.
Và để làm được những việc đó thì phải đạp một ai khác đó xuống. Nếu là đồng nghiệp ngang cấp, nhất là ở khác phòng thì tôi thấy quen nhau không thành vấn đề".
Trong khi đó, độc giả Lối cũ cho rằng quan điểm quản lý như vậy là hà khắc và không nhân văn:
"Quan điểm quản lý như vậy là hơi hà khắc, không nhân văn. Tuy nhiên làm ở đâu theo lệ ở đó. Biết trước thấy không phù hợp đạo đức của mình thì không xin vào.
Đây thuộc phạm trù đạo đức, họ có thể không cho yêu nhau là xấu nhưng họ cấm, hạn chế yêu nhau trong công ty của họ, ở nơi mà họ cho là xung đột lợi ích có thể xảy ra. Họ quản lý cái xác chứ không quản lý được cái hồn của con người. Một trong những vẻ đẹp và quyền thiêng liêng của con người bị công khai hạn chế.
Một thanh niên trẻ muốn cống hiến cho công ty suốt thời gian có lẽ ế vợ ế chồng vì không còn thời gian tìm hiểu bên ngoài, ngược lại họ chỉ làm việc như cái máy. Kể cả trong một gia đình chẳng ai muốn người trong gia đình lười biếng, ngược lại họ muốn người yêu mình giỏi lên tăng giá trị".
Chia sẻ giải pháp hài hòa hơn, độc giả trongduongle90 nói rằng việc khai báo mối quan hệ tình cảm, gia đình trong tổ chức là bắt buộc ở nhiều tổ chức:
"Việc khai báo mối quan hệ tình cảm, gia đình trong tổ chức cho nhân sự là bắt buộc ở nhiều tổ chức, ví dụ như tổ chức của chúng tôi. Cái này nằm trong chính sách của công ty.
Việc khai báo trung thực để tránh trường hợp người quản lý đang có quan hệ tình cảm với cấp dưới sử dụng quyền lực để đạt được quyền lợi trong công việc cho họ là đúng đắn. Nhưng việc các vị trí ở vị trí cao không được có mối quan hệ tình cảm trong tổ chức là chưa hợp lý.
Việc khai báo rõ ràng từ đầu thì việc sử dụng quyền hạn để điều phối đến tuyển dụng, thăng tiến, việc hàng ngày... là hoàn toàn tránh được. Ví dụ, tổ chức có thể không bố trí vị quản lý đó nằm trong ban tuyển dụng và chắc chắn là không thể là quản lý trực tiếp. Như vậy thì sẽ hài hòa hơn".
*Quan điểm của bạn thế nào?
Hữu Nghị tổng hợp