Cô gái trẻ làm tình nguyện viên tại Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình đã 4 tháng nay. Những ngày nghỉ Tết dương lịch, cô tình nguyện không sum họp gia đình mà vẫn ở trong viện chăm sóc bệnh nhân Covid nặng.
Thư mất cha, bà nội, bà trẻ trong những ngày đại dịch đã qua. Không muốn ai mồ côi giống mình, khỏi Covid-19, Thư tình nguyện vào bệnh viện dã chiến chăm F0.
Ba mẹ ly hôn khi Thư còn nhỏ. Cô và em gái sống cùng mẹ ở quận Tân Phú, cách chung cư nơi ba ở một mình hơn một km. Covid-19 bùng phát mạnh, thành phố siết chặt giãn cách xã hội từ tháng 7, chị em Thư không sang được nhà ba. Bình thường ngày nào ba cha con cũng trò chuyện với nhau hàng giờ qua video call. Tối 7/8 ông ho nhiều, ngại nói chuyện, tắt điện thoại sớm. Đến 22h, sau hàng chục cuộc gọi không ai bắt máy, Thư và mẹ theo đường hẻm né chốt kiểm soát sang nhà ba, phát hiện khu chung cư đã bị phong tỏa, "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Hai mẹ con đứng ở dưới đường, gọi với lên hàng xóm nhờ phá cửa vào nhà, thấy ông đã bất tỉnh, hơi thở yếu ớt. Ông được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi, mất sáng 8/8. Thư sốc, không chấp nhận được sự thật vì ba cô mới 46 tuổi, vốn dĩ khỏe mạnh, không có bệnh nền. "Giá như lúc đó tôi lì lợm trèo cố lên xe cứu thương theo vào viện thì đã có thể ở bên ba lúc cuối đời. Tôi chưa từng làm được gì cho ba", Thư nói.
Rồi Thư cũng mắc Covid. Suốt mấy tuần tự điều trị tại nhà, nỗi hối tiếc liên tục dày vò cô sinh viên năm cuối ngành dược. Không may, cô vừa âm tính thì ông bà nội và bà trẻ (em gái ông nội) lại cùng nhiễm bệnh, chuyển vào Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình điều trị. Sự chia cắt vĩnh viễn đến đột ngột với ba khiến Thư bừng tỉnh, không muốn mất thêm người thân, cô xin vào viện chăm sóc ông bà.
Đúng lúc bệnh viện tuyển tình nguyện viên khỏi bệnh, Thư đăng ký ngay. Vài ngày sau hồ sơ của cô gái được duyệt. Vào trong viện, vừa nhìn thấy cháu gái, dù chỉ lộ đôi mắt sau lớp kính bảo hộ, ông nội và bà trẻ đã nhận ra ngay. Họ ôm nhau oà lên khóc, khi đó cô mới biết bà nội đã qua đời đúng ngày cô nộp hồ sơ, lúc bà mất ở khu bệnh nặng, cũng không có người thân bên cạnh.
Sau đó gần như 24/7, Thư túc trực bên ông bà không rời, đồng thời hỗ trợ chăm sóc cho các F0 khác cùng phòng bệnh. Song bà trẻ thể chất yếu, lớn tuổi, có bệnh nền Parkinson, bà trở nặng rồi mất sau 20 ngày chống chọi với bệnh tật. Chuyến đi viện định mệnh, nay chỉ có ông nội trở về. Vài tuần ngắn ngủi, gia đình Thư mất đi ba người. Chứng kiến hàng trăm bệnh nhân khác cũng gặp hoàn cảnh mất mát tương tự, Thư tự nhủ mình phải làm gì đó, làm ngay. Vậy là cô quyết định xin tình nguyện ở lại chăm sóc F0 không có gia đình, cho đến hết dịch.
Ban đầu mẹ Thư kiên quyết không đồng ý, bà sợ "mất" con. Thư nhiều lần thuyết phục "con không muốn bất kỳ ai mồ côi giống con; không muốn có thêm người bệnh nào cô đơn như ba và bà nội; không muốn ai phải đau khổ, bất lực như ông nội", người mẹ cuối cùng cũng chấp thuận.
Đến nay, Thư đã làm việc tại Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình tròn 4 tháng, gần bằng "tuổi" bệnh viện. Đã có hàng trăm bệnh nhân được cô hỗ trợ, chăm sóc. Công việc hàng ngày của Thư là đo SpO2 (nồng độ oxy máu mao mạch), đo huyết áp, nhịp tim, ghi nhận tình trạng người bệnh, báo ngay cho y bác sĩ khi họ có triệu chứng trở nặng. Như một điều dưỡng chuyên nghiệp kiêm người nhà, cô giúp những bệnh nhân sinh hoạt khó khăn, như bón cơm, gội đầu, xoa bóp, gãi ngứa, vỗ lưng, dìu đỡ họ đi vệ sinh, hoặc tắm khô, thay bỉm tã, lau người cho bệnh nhân nếu họ tiểu tiện, đại tiện tại giường... Mấy ngày đầu còn bỡ ngỡ, nhất là vệ sinh cho bệnh nhân nam, song chỉ vài ngày là cô quen việc. Có sẵn kiến thức về dược, đã thực hành tại một số nhà thuốc, Thư được bệnh viện giao quản lý, cấp phát thuốc kháng virus molnupiravir theo y lệnh của bác sĩ.
Chiếc điện thoại thông minh của Thư trở thành cầu nối cho nhiều bệnh nhân trò chuyện với người thân, tăng sức mạnh tinh thần, để họ thêm động lực chiến thắng bệnh tật. Cô cũng thường xuyên kể chuyện vui, giải tỏa tâm lý cho người bệnh. Như một cụ ông hơn 70 tuổi, muốn từ bỏ điều trị vì liên tiếp nhận tin vợ và em trai qua đời trong hai ngày, được Thư và các y bác sĩ động viên, đã dần ổn định tinh thần, đến nay ông đã hồi phục và xuất viện.
Anh Trần Quốc Dũng (30 tuổi) cũng là một tình nguyện viên F0 kỳ cựu tại đây, làm công việc thu gom rác hơn bốn tháng nay. Sau khi đưa mẹ từ Gia Lai xuống TP HCM phẫu thuật thay xương đùi, anh bị kẹt lại vì dịch. Cuối tháng 7, anh mắc Covid-19 từ khu nhà trọ, phải đi cách ly tập trung. Lúc này, cha anh ở quê bị đột quỵ, di chứng tai biến nhẹ. Hai con gái tuổi mẫu giáo cần người trông nom sát sao. Sợ ông bà lo lắng, anh Dũng giấu việc mình nhiễm bệnh, chỉ chia sẻ với anh chị em ruột để nhờ họ hỗ trợ chăm sóc cha mẹ.
14 ngày trong khu cách ly, nhiều lần chứng kiến đồng bệnh đau đớn giây phút cuối đời, thậm chí tử vong ngay trước mắt dù nhân viên y tế cố gắng hết sức cứu chữa, anh Dũng nói mình "vừa sợ hãi, vừa thương người bệnh, vừa xót xa y bác sĩ". Thấy lực lượng y tế mỏng nhưng công việc quá nhiều, anh chủ động đi thu dọn rác khu cách ly. Những ngày sắp kết thúc cách ly, anh được giới thiệu đến Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình làm tình nguyện viên.
Anh tham gia đội PPE - thu gom rác thải toàn khu (bao gồm thức ăn, rác thải sinh hoạt, bỉm tã bẩn, đồ bảo hộ...) công việc kén người vì vất vả, tốn nhiều sức lực, cần sự chịu đựng và lòng kiên trì. Lúc đó, đội PPE chỉ có hai thành viên, phục vụ 1.000 bệnh nhân, chưa kể hàng trăm nhân viên y tế với hàng tấn kg chất thải lây nhiễm mỗi ngày.
Lần đầu mặc đồ bảo hộ cấp 4, đeo khẩu trang N95, kéo hai tay hai xe rác nặng trịch đi dưới trời nắng 38 độ C, anh Dũng suýt ngất vì sốc nhiệt và khó thở. Anh nhớ lại, đã ba lần hỏi anh Minh (tình nguyện viên cùng đội PPE), xin bỏ khẩu trang, kính chắn giọt bắn ra để dễ thở, dễ làm việc hơn nhưng bị cản. Anh Minh giải thích quy định bắt buộc của bệnh viện là đeo khẩu trang 24/24h, không thể làm khác được nên đề nghị Dũng ra ngoài nghỉ, ổn rồi vào lại.
Tự thấy xấu hổ trước người bạn vóc dáng nhỏ bé mà dẻo dai, Dũng bám lấy thùng rác để trụ đứng vững, ráng giữ bình tĩnh, hít thật sâu điều hòa hơi thở. Theo kinh nghiệm của đồng nghiệp, anh mua tông đơ tự húi cua tóc, lúc vào ca chỉ mặc quần cộc, áo phông bên trong đồ bảo hộ, đi ủng cao su để tiện di chuyển... "Cuối cùng mọi việc cũng dần ổn", anh nhớ lại.
Hiện, đội PPE có 6 người, chia thành 4 ca nên đỡ vất vả hơn. Trung bình mỗi ngày anh làm 2-3 ca. Ngoài thu dọn gọn rác thải trước khi xe xác chuyên dụng tới chuyển đi, anh còn có nhiệm vụ phun xịt khử khuẩn bệnh viện. Thỉnh thoảng anh hỗ trợ nhóm mai táng làm nhiệm vụ đặc biệt, là vệ sinh, khử khuẩn khu vực nhà xác. Với tâm lý "nghĩa tử là nghĩa tận", anh luôn dành một phút mặc niệm người đã mất, và cẩn trọng từng chi tiết. "Công việc hiện nay cực hơn làm nương rẫy nhưng chưa bao giờ tôi có suy nghĩ bỏ cuộc. Chỉ có điều nhớ con vì xa nhà lâu quá", anh Dũng nói.
Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình là bệnh viện đầu tiên thu dung cả bệnh nhân nhẹ, trung bình và nặng tại TP HCM, quy mô 1.000 giường, chính thức hoạt động ngày 18/8. Đến nay, hơn 6.000 bệnh nhân đã xuất viện. Gần 400 F0 đang điều trị, với sự chăm sóc của hơn 260 nhân viên y tế và 170 tình nguyện viên F0 khỏi bệnh và tình nguyện viên tôn giáo.
"Sự hỗ trợ nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ của các anh chị tình nguyện viên đã gánh bớt áp lực cho nhân viên y tế chúng tôi rất nhiều", bác sĩ Hồ Hữu Đức, Phó giám đốc bệnh viện nói.
Trong khi đó, Thư và anh Dũng đều cùng quan điểm là sự đóng góp của họ không đáng kể so với sự cực nhọc của y bác sĩ, không thấm tháp gì so với sự đau đớn của người bệnh. Vì thế, dù có tạm xa nhà một thời gian, phải gác lại chuyện riêng tư họ cũng cảm thấy xứng đáng. "Tôi tin rằng ba sẽ tự hào khi thấy tôi đã trưởng thành, đã biết giúp đỡ người khác", Thư nói.
Thư Anh