Khi mẹ có dấu hiệu trở nặng, kết nối với y tế địa phương không được, anh Trần Văn Thành, 29 tuổi, ngụ phường 5, Bình Thạnh, lên mạng xã hội tìm số điện thoại bác sĩ trong một nhóm hỗ trợ người dân vùng dịch. Anh tìm được thông tin bác sĩ Trần Thanh Nhân, công tác tại Bệnh viện Bình Dân, khám online và cung cấp thuốc, oxy miễn phí, gọi ngay.
Nhận định người bệnh đứng trước nguy cơ suy hô hấp nặng, bác sĩ Nhân yêu cầu anh Thành tìm bệnh viện và phương tiện để đưa mẹ đi cấp cứu. Đồng thời, bác sĩ sẽ cho người mang bình oxy và thuốc đến ngay - đó là bình oxy cuối cùng mà bác sĩ đang có. Tuy nhiên anh Thành phải chờ để bơm thêm oxy cho đầy bình. Lúc chờ đợi, bác sĩ hướng dẫn anh Thành cho mẹ nằm sấp, vỗ lưng, tập hít thở sâu.
Khoảng hai tiếng sau, shipper mang theo bình oxy, mặt nạ thở, thuốc, máy đo nồng độ oxy máu mao mạch (SpO2) tới. Theo hướng dẫn của bác sĩ, anh Thành lắp đặt bình, cho mẹ thở oxy ngay. May mắn, hơn 30 phút thở oxy liều lượng cao, bà Tú hết khó thở, dần tỉnh táo hơn, SpO2 đạt trên 92%, có thể tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà. Đề phòng trường hợp bệnh nhân có thế khó thở trở lại, bác sĩ Nhân cho anh Thành mượn lại bình oxy và máy đo SpO2.
Cùng với đó, bệnh nhân được cho uống thuốc kháng viêm, chống đông máu, vitamin và bổ sung dinh dưỡng theo phác đồ của Sở Y tế. Anh Thành liên tục cập nhật tình trạng của mẹ, bác sĩ Nhân theo dõi từ xa. Thêm hai ngày thở oxy những lúc mệt, bà Tú ổn định sức khoẻ, các triệu chứng bệnh giảm dần. Hiện bà đã hồi phục, ăn uống và sinh hoạt bình thường.
"Bình oxy của bác Nhân là chiếc bình quý giá nhất đời tôi, nó đã cứu mẹ tôi từ cõi chết trở về", anh Thành nói. Hôm mẹ suýt chết ấy, anh Thành nhớ như in, là ngày 29/7.
Mẹ anh Thành là một trong số 50-70 bệnh nhân Covid-19 cách ly tại nhà bị suy hô hấp, cần thở oxy được bác sĩ Nhân hỗ trợ hàng ngày. Bác sĩ cho biết, giữa tháng 7 số lượng F0 tại cộng đồng tại TP HCM tăng cao với hàng nghìn ca mới mỗi ngày, anh bắt đầu tham gia các nhóm bác sĩ hỗ trợ F0 vùng dịch.
Ngày 19/7, người nhà của một F0 bị suy hô hấp gọi điện cầu cứu khi họ không gọi được xe cứu thương, bác sĩ Nhân cấp tốc mang theo bình oxy tới hỗ trợ, giúp người bệnh qua cơn nguy kịch, chờ được đến lúc đưa vào bệnh viện Covid-19 để điều trị chuyên khoa. Từ đó, trước nhu cầu thở oxy của F0 tại nhà càng nhiều, bác sĩ Nhân thành lập nhóm hỗ trợ oxy và thuốc miễn phí từ tiền túi, sau đó có sự tài trợ của các mạnh thường quân. Hiện anh có 40 bình oxy và 20 máy tạo oxy để hỗ trợ cho F0 tại nhà. Toàn bộ các chi phí khám từ xa, oxy, thuốc, vận chuyển... được anh miễn phí.
"Thở oxy chỉ là giải pháp tạm thời lúc nguy kịch, không nên lạm dụng, sử dụng oxy liều cao khác chỉ định của bác sĩ vì có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm. Bệnh nhân cần phải dùng thuốc để điều trị viêm phổi - căn nguyên của tình trạng thiếu oxy thì mới giải quyết được tận gốc vấn đề", bác sĩ Nhân khuyến cáo.
Với gia đình chị Lê Đình Kim Ngân, 26 tuổi, ngụ quận 6, rạng sáng 8/8 là thời điểm kinh hoàng nhất. Ba chị, một bệnh nhân Covid-19 49 tuổi, có bệnh nền tiểu đường, bị tụt SpO2 xuống còn 80%, thở rướn, nặng nhọc. Chị Ngân và người nhà chia nhau gọi đến hàng chục số điện thoại bán oxy và cung cấp oxy miễn phí nhưng họ không nghe máy hoặc báo không có sẵn oxy, hẹn trời sáng mới mang tới được. Gọn đến số hotline của nhóm thiện nguyện BDS (còn gọi là nhóm "chú Tám Sang"), thì có người bắt máy. Nghe báo tình hình người bệnh, họ hứa sẽ đến ngay.
Chưa đầy 10 phút sau, lúc 4h30, có hai người mặc đồ bảo hộ, vác theo bình oxy nặng hàng chục kg, đi bộ 500 mét từ ngõ vào nhà chị Ngân. Ba chị được cho thở oxy, hướng dẫn tập thở, xông đường thở. Đợi bệnh nhân ổn định hơn, SpO2 đạt trên 93%, nhóm thiện nguyện mới ra về. Cứ mỗi hai ngày, họ tới đổi bình mới đầy ắp oxy, để người bệnh sử dụng. Gần hết hai bình oxy, ba chị Ngân khỏe lại, kết quả xét nghiệm đã âm tính với nCoV.
"Họ đã tặng hơi thở cho ba tôi đúng lúc ông cần nhất. Chúng tôi hết sức biết ơn", chị Ngân chia sẻ.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), ngày 4/9, thành phố có 111.395 người F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà. Trong đó có 83.861 trường hợp thực hiện cách ly tại nhà ngay khi phát hiện và 27.534 trường hợp cách ly sau xuất viện. Số F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 24.140 người.
Toàn thành phố có hơn 410 trạm y tế lưu động để chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho nhóm F0 này. Ngoài ra, thành phố đã triển khai ứng dụng hỗ trợ tìm giường oxy cho F0 cộng đồng trở nặng, cần cấp cứu tại bệnh viện. Song, thực tế nhiều gia đình có F0 như anh Thành, chị Ngân vẫn cần đến sự hỗ trợ của các nhóm hỗ trợ oxy tư nhân.
Anh Huỳnh Quang Nhật Long (hay Long ve chai), 45 tuổi, ngụ quận Tân Phú, là một trong số những người tự thành lập và vận hành các trạm oxy miễn phí cho F0 cộng đồng tại TP HCM. Anh chia sẻ, ban đầu anh mua rau củ, thực phẩm về tặng cho bà con khó khăn. Về sau, tình hình dịch ngày càng phức tạp, anh mua oxy rồi chở khắp 22 quận, huyện và TP Thủ Đức hỗ trợ F0, tặng kèm mỗi bệnh nhân một chiếc máy đo SpO2. Cứ thế đến nay trạm oxy không tên của anh đang có hơn 1.000 bình oxy được mua bằng tiền túi và tiền ủng hộ của gia đình, bạn bè.
Anh Long cho hay, nhu cầu hỗ trợ oxy của bệnh nhân nhiều nhất vào khoảng 18h hàng ngày đến 6h sáng hôm sau. Do đó, anh và các tình nguyện viên thường làm việc xuyên đêm để phục vụ trung bình 50 ca thở oxy mỗi ngày. Cũng giống như nhóm của bác sĩ Nhân, mọi người luôn trong tình trạng quá tải, thiếu ngủ, mất nước. Mặc dù vậy, ai cũng cố gắng hết sức để cứu được nhiều bệnh nhân nhất có thể. Bên cạnh đó, anh còn kết nối với các bệnh viện dã chiến, trạm y tế lưu động và các nhóm thiện nguyện oxy khác, nhằm bổ sung oxy kịp thời, cũng như phân chia khu vực để có thể tiếp cận người bệnh sớm nhất.
Bác sĩ Nhân và anh Long cùng cho biết, hầu hết các trạm oxy đều chủ động để bình oxy lại cho bệnh nhân sử dụng, tiếp thêm oxy cho đến khi họ thực sự ổn định, hoặc đã được đưa đến bệnh viện an toàn. Việc mượn bình không có đặt cọc hay bất kỳ chi phí nào. Tuy nhiên, nhiều người dân dùng xong không trả lại, vì có thể bệnh nhân đã qua đời, hoặc phải đi cách ly, bình để trong nhà khóa cửa, hoặc cố tình. Trong khi đó các nhóm từ thiện quá bận rộn, không nhớ hết để đi đòi. Như nhóm bác sĩ Nhân bị mất 5 bình, bị "giam" 20 bình, nhóm anh Long mất gần 500 bình.
Bên cạnh đó, do thiếu nguồn cung, giá bình oxy bị đội lên nhiều. Trước dịch, mỗi bình giá khoảng 1,2 triệu đồng, nay có thể lên tới 4,5 triệu đồng. Các thiết bị đi kèm bình như van điều chỉnh lưu lượng, đồng hồ đo áp suất... cũng bị nâng giá cao gấp 2-5 lần, khiến việc muốn mua thêm số lượng lớn bình oxy gặp khó. Việc giao oxy ban đêm cũng gặp nhiều khó khăn khi thành phố siết chặt giãn cách xã hội, có trường hợp tình nguyện viên thiếu giấy đi đường bị kẹt ở các chốt giao thông.
Anh Long tâm sự, những khó khăn trên không là gì, anh có thể tìm cách khắc phục dần. Nhưng những lúc không giao kịp oxy, bệnh nhân qua đời khiến anh "vô cùng ân hận". Vài tuần trước, mỗi ngày anh Long chứng kiến 4-5 bệnh nhân qua đời, nhóm của bác sĩ Nhân cũng gặp 3-4 ca. Thậm chí có trường hợp bệnh nhân ngừng thở chỉ khoảng 10 phút trước khi oxy được mang đến. Anh Long đã tự trách bản thân vì nếu nhanh hơn một chút đã có thể tiếp thêm hơi thở cho một sinh mệnh.
"Chúng tôi sẽ làm công việc thiện nguyện này cho đến khi không còn ai hốt hoảng gọi xin oxy. Tôi chẳng mong ước gì nhiều, chỉ cần Sài Gòn chóng khỏe và mọi người đều bình an", anh Long nói.
Thư Anh