Không quân Trung Quốc hôm 1/8 công bố nhiều hình ảnh mới, có độ nét cao về tiêm kích tàng hình J-20, nhân kỷ niệm ngày thành lập quân đội nước này. Tuy nhiên, các bức ảnh cũng để lộ một số chi tiết cho thấy Trung Quốc đã áp dụng nhiều tính năng của siêu tiêm kích F-35 Mỹ lên dòng J-20, theo Task and Purpose.
Trong ảnh, chiếc J-20 vừa hoàn tất bài bay thử nghiệm, hệ thống cánh nâng trước (canards) và bề mặt điều khiển được nâng lên để kiểm tra. Máy bay mới chỉ có lớp sơn lót nền màu vàng, chưa được phủ lớp sơn tàng hình màu xám hoàn chỉnh. Các chi tiết màu xám là vật liệu composite, còn biểu tượng đầu rồng ở cánh đuôi được thêm vào trên máy tính, không có trên máy bay thực tế.
Điểm đáng chú nhất chính là tổ hợp trinh sát dẫn bắn quang - điện tử (EOTS) nằm dưới mũi máy bay, được sử dụng phát hiện mục tiêu và dẫn dường cho vũ khí thông minh mà không cần tới radar. Giới chuyên gia nhận định hệ thống quang điện tử của J-20 có nhiều điểm tương đồng, có khả năng là bản sao chép từ cụm EOTS trên tiêm kích F-35.
Những chiếc J-20 trước đây chưa được trang bị cụm EOTS, chúng chỉ có lớp vỏ nhựa để mô phỏng lực cản của hệ thống hoàn chỉnh. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai tổ hợp EOTS trên tiêm kích J-20.
Hai hệ thống có hình dáng giống nhau, đều được lắp đặt dưới mũi tiêm kích, khác kiểu thiết kế EOTS nằm trên mũi, trước buồng lái của tiêm kích Nga và NATO. Dường như cụm cảm biến của J-20 được tối ưu cho nhiệm vụ không kích mặt đất và đánh chặn trên không. Tuy nhiên, nó được đánh giá là có góc quan sát và tầm hoạt động kém hơn thiết bị trên tiêm kích F-35.
Giới chuyên gia dự đoán J-20 vẫn sử dụng động cơ Saturn AL-31F được trang bị trên chiến đấu cơ Su-27 của Nga. Bắc Kinh từng lắp động cơ nội địa WS-10B lên J-20, trong khi chờ biến thể WS-15 hiện đại hơn được hoàn thiện. Thân máy bay J-20 ứng dụng nhiều giải pháp thiết kế của tiêm kích tàng hình F-22 Mỹ, nhưng phần cánh và cửa hút khí có sự khác biệt, gây ảnh hưởng đến khả năng tàng hình.
Trung Quốc đã đưa J-20 vào biên chế từ đầu năm nay, nhưng điều này được cho là nỗ lực vội vàng nhằm đưa ra giải pháp đối phó với bộ đôi F-22 và F-35 của Mỹ. Các chuyên gia quân sự cho rằng Trung Quốc sẽ còn mất nhiều thời gian để phát triển được vũ khí có thể đối đầu với các tiêm kích tàng hình Mỹ.
Năm 2007, tin tặc Trung Quốc từng đánh cắp tài liệu kỹ thuật của dòng F-35 từ tập đoàn Lockheed Martin. Các nhà thầu quốc phòng của Australia góp mặt trong dự án F-35 cũng trở thành mục tiêu của tin tặc Trung Quốc trong thời gian gần đây. Đây là những ví dụ cho thấy Trung Quốc đang tăng cường đánh cắp bí mật công nghệ của nước ngoài để áp dụng cho các chương trình vũ khí nội địa.
Lã Linh