Hai chiếc J-20 được cho là sử dụng động cơ AL-31FM2 của Nga khi ra mắt năm 2016.
Không quân Trung Quốc hồi giữa tháng 1 lần đầu tiên xác nhận các tiêm kích tàng hình J-20 đã góp mặt trong hàng loạt cuộc diễn tập không chiến với chiến đấu cơ J-10C và J-16. Tuy nhiên, giới quan sát quân sự cho rằng những chiếc J20 tham gia diễn tập chiến đấu này vẫn đang sử dụng động cơ WS-10B đời cũ mà chưa thể trang bị biến thể WS-15 tiên tiến được thiết kế riêng, theo Express.
Động cơ WS-15, thành phần được ví như "trái tim" của tiêm kích tàng hình J-20 và được Trung Quốc tự phát triển từ năm 2006, vẫn liên tục gặp sự cố. Những chiếc J-20 ra mắt hồi cuối năm 2016 sử dụng động cơ AL-31FM2 do Nga sản xuất, trong khi phi đội J-20 hiện nay lại sử dụng mẫu WS-10B vốn được trang bị cho tiêm kích J-16 đời cũ.
WS-15 là động cơ được thiết kế dựa trên dòng Soyuz R-79V-300 của Liên Xô. Trung Quốc mua được tài liệu kỹ thuật và bản vẽ của động cơ này vào năm 1992, thậm chí còn nắm trong tay thiết kế của mẫu R179-300, phiên bản nâng cấp sâu của R-79V-300.
Mẫu động cơ WS-15 có rất nhiều cải tiến để nâng cao độ tin cậy và hiệu năng hoạt động so với mẫu tiền nhiệm WS-10. Lực đẩy lớn của WS-15 có thể giúp tiêm kích J-20 đạt khả năng siêu hành trình, bay với tốc độ siêu âm mà không cần chế độ tăng lực tiêu tốn nhiên liệu và làm ảnh hưởng tới khả năng tàng hình của máy bay.
Qua hơn 10 năm phát triển động cơ WS-15 cho tiêm kích thế hệ 5, một trong những vấn đề lớn nhất mà Trung Quốc gặp phải là chế tạo lá cánh turbine dạng đơn tinh thể, giúp tăng khả năng chịu nhiệt và áp lực khi tiêm kích hoạt động. Đây là công nghệ tối mật của Nga và phương Tây mà Trung Quốc chưa làm chủ được.
Trung Quốc được cho là từng có ý định mổ xẻ động cơ AL-41F1S hiện đại gắn trên lô tiêm kích Su-35S mua từ Nga để cải thiện độ tin cậy cho WS-15. Tuy nhiên, Moscow đã trang bị công nghệ chống sao chép đặc biệt, gây rất nhiều khó khăn cho chuyên gia Trung Quốc trong quá trình nghiên cứu.
Các động cơ gắn trên Su-35S đều được phủ một lớp vật liệu chặn tia X-quang và các phương pháp soi chiếu khác. Hệ thống động cơ cũng được "hàn chết", khiến động cơ có thể bị phá hủy hoàn toàn khi các kỹ sư tìm cách tiếp cận phần lõi bên trong.
Chính giới quân sự Trung Quốc cũng thể hiện sự nghi ngờ về tính khả thi của việc trang bị động cơ WS-15 trên tiêm kích J-20. "Một động cơ WS-15 đã nổ tung trong quá trình thử nghiệm trên mặt đất. Sự cố cho thấy WS-15 kém tin cậy và Trung Quốc tới nay chưa có giải pháp nào để xử lý vấn đề đó. Đây là lý do những chiếc J-20 phải dùng động cơ WS-10B", SCMP dẫn nguồn tin giấu tên trong quân đội Trung Quốc.
Các nhà phân tích quân sự quốc tế cho rằng khi Trung Quốc chưa đủ khả năng chế tạo động cơ phản lực có độ ổn định và độ bền lớn, vụ nổ động cơ WS-15 này được coi là đòn giáng trong nỗ lực trở thành siêu cường quân sự của Bắc Kinh.
Một số nguồn tin trong chương trình J-20 thừa nhận tiêm kích tàng hình Trung Quốc chưa thể đuổi kịp các máy bay thế hệ 5 của Mỹ. Chúng được vội vàng đưa vào biên chế không quân để ứng phó với căng thẳng leo thang tại khu vực Đông Á, trong khi "trái tim" của chúng là hệ thống động cơ chưa được hoàn thiện.
Thực tế này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng chiến đấu của phi đội J-20 Trung Quốc trong những xung đột tiềm tàng với đối thủ được trang bị tiêm kích tàng hình của Nga và Mỹ trong tương lai, giới phân tích quân sự nhận định.
Tử Quỳnh