Gia đình tôi đã quen với việc tham gia giải cứu nông sản, năm nào cũng mua mua bán bán, có khi ớt đầy tủ lạnh, lúc thì dưa hấu xếp một góc bếp. Nhưng trên đường Hà Nội tuần này, thỉnh thoảng thấy những dòng chữ "nông sản Hải Dương", cà rốt 5.000 đồng mỗi ký, su hào 2.000 đồng một củ, súp lơ 3.500 đồng một cái, tôi chợt thấy buồn.
Đại diện Sở Công thương Hải Dương cho biết, còn hàng nghìn hecta hành, cà rốt, cải bắp, su hào, súp lơ, rau lá, cá, gà, trứng... chưa tiêu thụ được vì "phụ thuộc vào các địa phương giáp ranh". "Chúng tôi chỉ có cách gọi điện nhờ giám đốc các sở công thương tham mưu lại cho tỉnh", Giám đốc sở Công thương Hải Dương Phạm Thanh Hải cho biết.
Khi đi lại hay mua sắm, tôi thấy những người buôn bán nhỏ hay lái xe tặc lưỡi "cầu cho Covid hết thật nhanh". Khi chưa ráo không khí Giao thừa, nhiều gia đình Hải Dương phải vừa chịu phong tỏa, vừa chịu cảnh nông sản ứ đọng do tỉnh bạn từ chối hoặc làm khó việc vận chuyển. Hàng trăm tấn rau, củ, quả không bán được, mà kể cả xuất đi được thì xe vẫn không được vào địa bàn của đất cảng để đưa ra cảng. Bởi nhiều chốt chặn ở Hải Phòng đã không cho xe chở hàng của Hải Dương đi qua.
Tôi thấy buồn bởi cái gọi là khó ấy có thực sự là khó khăn? Nhiều người lao động đã ăn cái Tết vội vàng để rồi quay lại đương đầu với miếng cơm manh áo. Nhưng bị khó khăn bởi chính đồng bào mình.
Tôi nhớ tiếng thở dài của ba mẹ tôi nhiều năm trước.
Có một cái Tết khi tôi còn nhỏ, gia đình 12 người gần như mất Tết bởi vụ bể hụi của bà Năm Ánh Sáng ở chợ Bình Dương. Tiền mẹ tôi buôn bán chắt bóp đóng hụi hàng tháng để cuối năm sắm Tết cho cả nhà hôm ấy trôi theo những lời gào khóc vỡ hụi của bà Năm. Mẹ tôi chỉ ngồi im, thở dài.
Nhà tôi có hơn 10 anh em nên số tiền hốt hụi của mẹ, nếu có, mua thêm được cho mỗi đứa một bộ quần áo mới hay một ít thức ăn, làm nồi thịt kho thêm đầy đặn. "Coi như mất Tết!", tôi vẫn nhớ câu nói của ba khi ông lắc đầu.
Và từ đó, nhiều năm thời niên thiếu, khi thấy gia đình hàng xóm có người thân qua đời hay vỡ nợ, khó khăn, ba tôi lặng lẽ mang ít gì cho nhà "bị mất Tết". Có khi là các túi nước đá để tiếp khách đến nhà viếng, hay ít đường, bột ngọt, thức ăn của mẹ tôi. Tôi không hỏi và ba cũng chưa bao giờ giải thích. Thế nhưng tôi hiểu và đến giờ vẫn nghĩ mình chọn lĩnh vực phát triển làm nghề nghiệp vì ảnh hưởng phần nào bởi việc làm lặng lẽ của ba.
Phải chăng một số doanh nghiệp và người ở Hải Phòng vì quá lo lắng đã quên đi sự hào sảng của con người đất cảng, sẵn lòng giúp đỡ người khác trong cơn hoạn nạn? Chắc hẳn việc ngăn trở giao thương rồi sẽ yên thôi, nhưng tình đồng bào sẽ có gì đó kém vui.
Giá mà chúng ta đừng vì chống dịch mà chống cả sinh kế của đồng bào mình. Dân tỉnh bạn thì nhu cầu có khác dân tỉnh mình không, hay các cơ quan, chính quyền tiên liệu được những kịch bản "ngăn sông cấm chợ" có thể xảy tới để đưa ra hướng dẫn cụ thể về di chuyển, cách ly, vận chuyển hàng hóa...
Thay vì mỗi tỉnh một chính sách, tại sao các bộ ngành, các cấp chính quyền lại chưa thể cùng nhau đồng bộ về cách thức cách ly, chống dịch, thông thương để doanh nghiệp, người dân không cảm thấy hoang mang hay bị kỳ thị.
Năm 2021 có thể không khó khăn với tất cả mọi người, nhưng vẫn sẽ là một năm rất thách thức với những người lao động, đặc biệt là nông dân, bởi dịch Covid đã phần nào bào mòn tích lũy của hầu hết gia đình có thu nhập thấp và trung bình, cả cơ hội làm ăn của họ. Năm Covid thứ hai này, các biện pháp kích cầu của chính phủ hay các gói cứu trợ chắc chắn cũng cần được khảo sát lại, thiết kế lại để đến đúng người đúng việc hơn.
Cụm từ "ngăn sông cấm chợ" được một số người nói ra làm tôi nhớ lại không khí ngột ngạt thời bao cấp. Dù nông sản và nông dân sẽ được cứu phần nào, nhưng tư duy ấy nếu tồn tại trong trong kinh doanh, trong chống dịch sẽ luôn là rào cản cho kinh tế và con người phục hồi.
Một trong những nguyên nhân của câu chuyện, theo tôi là do các địa phương, bộ ngành đã bị động về các kịch bản chống dịch. Các kịch bản từ tốt đến xấu nhất đã không gắn với kịch bản duy trì sinh kế và phục hồi kinh tế.
Chúng ta đã duy trì thói quen: khi có sự việc, cơ sở báo cáo lên tỉnh và các tỉnh ra quyết định riêng rẽ, với ý chí đầu tiên để tỉnh mình "cố thủ" được an toàn nhất. Ông Phạm Thanh Hải giải thích, nông sản Hải Dương khó được giải thoát là vì "vướng mắc với chính sách của các sở ban khác (của tỉnh bạn), ví dụ như sở giao thông".
Còn nếu làm theo cách khác: các tỉnh gửi công văn cho nhau đề nghị hỗ trợ trong phương án chống dịch, duy trì giao thương (cách ly, phong tỏa, thậm chí cả phương án tiêu thụ hàng hóa) của doanh nghiệp và dân chúng; hoặc nếu cần thì báo cáo các bộ, ngành để có hướng dẫn chỉ đạo chung. Quá trình này hiển nhiên mất thời gian và công sức của các chính quyền địa phương hơn.
Nhưng, cái tiện cho chính quyền, trong nhiều trường hợp, là bất tiện và bất lợi cho dân, doanh nghiệp. Duy trì cái tiện cho cơ quan chức năng, thì dân chúng sẽ đặt dấu hỏi về tính hiệu quả của bộ máy.
Ở đây, tôi có hai ý tưởng.
Thứ nhất, tình huống ở Hải Dương bây giờ là cơ hội để các địa phương và chính quyền trung ương xây dựng phương án tổng thể nếu nó tái hiện ở một nơi khác trong tương lai. Các giải pháp ứng phó của khu vực, sự liên kết giữa các tỉnh trong tình thế không mong muốn với sự điều phối của trung ương sẽ còn cần thiết trong nhiều năm tới.
Thứ hai, khi chúng tôi cùng với các nhóm nông dân bàn giải pháp để hỗ trợ các hợp tác xã ứng phó với Covid, nhiều người đề xuất rằng: họ có thể không cần mua giúp ít su hào, bắp cải vụ này, mà cần hơn các giải pháp để nâng cao chuỗi giá trị nông phẩm, thúc đẩy quảng bá, tiếp thị online. Đó là cách giúp nông dân số hóa kênh bán nông phẩm, không chỉ tiếp cận được khách hàng trong nước mà ra toàn cầu.
Các nền tảng công nghệ giúp nông dân bán hàng, kinh doanh trực tuyến không khó. Chỉ cần có một cơ quan chủ trì và thậm chí chỉ cần làm như những gì Thái Lan đã làm, chúng ta cũng đã nói.
Tháo gỡ cho từng chuyến xe đầu tiên ở việc tháo dỡ tư duy "ngăn sông cấm chợ" cả trên bộ và trên mạng. Đó là giải pháp chính quyền có thể "giải thoát" không chỉ nông sản Hải Dương mà cả nền nông sản hậu Covid.
Trần Ban Hùng