"Tôi phải lùi ngày mở hàng" - chủ quán cà phê quen nhắn cho tôi vào lúc 10 giờ đêm mồng 4 Tết.
Hai tiếng sau đó, lệnh cấm hàng quán mở cửa của Hà Nội hiệu lực, nghĩa là những phở, bún, xôi, cà phê đường phố, trà đá sẽ không có. Như nhiều công chức khác, sáng mồng 6 tôi ăn mỳ tôm hoặc miến trước khi đi làm.
Năm thứ hai liên tiếp, học sinh sinh viên có kỳ nghỉ Tết kéo dài. Bọn trẻ có vẻ thích thú, nhưng với người lớn, hôm nay lại tiếp tục một chu kỳ khó khăn. "Năm Covid thứ hai" có thể còn khó hơn năm vừa qua.
Việc Hà Nội cho học sinh nghỉ học dài, rồi đóng cửa các tụ điểm công cộng, di tích, quán ăn đường phố, quán cà phê cho đến trà đá vỉa hè, về bản chất rất gần với phong tỏa lần hai. Bởi với một đô thị hơn 8 triệu dân như Hà Nội, nếu không có các hoạt động dịch vụ, nhịp sống coi như giảm về mức duy trì.
Không có thống kê đầy đủ về các hộ, cá thể kinh doanh dịch vụ ở Hà Nội. Bởi ở đây, chỉ cần kê cái bàn ra đầu ngõ là bán hàng được, nhưng chắc chắn đó không phải con số nhỏ. Hãy nhìn con phố chỉ trăm mét, có bao nhiêu quán trà đá, mấy hàng cà phê, bao nhiêu nồi nước dùng bún phở? Không chỉ vậy, kinh doanh vỉa hè ở Hà Nội là một hệ thống cộng sinh lâu năm và hợp lý.
Lấy ví dụ một hàng phở. Phở chỉ bán sáng hoặc tối, thời gian còn lại có thể là một quán bún chả hoặc cơm. Trước cửa quán thường là hàng trà đá. Hai bên cạnh hai quán cà phê. Hàng bánh nướng bánh dẻo rất nổi tiếng ở phố Hàng Đường, ngay vỉa hè trước cửa có chị bán cốm quanh năm là một ví dụ điển hình. Và còn phải nói đến mạng lưới cung ứng thực phẩm, những nông dân bán hành bán thịt cho hàng phở, bán rau củ thịt cá cho hàng cơm, rồi lại thu gom nước vo về nuôi lợn.
Hệ sinh thái hàng quán vỉa hè của Hà Nội nuôi sống rất nhiều thị dân và cả nông dân. Bạn sẽ không nhận ra mối liên kết ấy nếu không đi chợ cóc, không vào những quán cơm bình dân ăn đĩa cơm hai, ba chục nghìn mà khách cùng bàn mặc áo xe ôm công nghệ, đội nón lá, và ngoài cửa chất đầy quang gánh. Đóng cửa quán xá, công chức có thể chỉ không được ăn phở, uống cà phê, nhưng mối liên hệ thành thị - nông thôn đột ngột đứt.
Những chủ quán, không phải lúc nào cũng giàu có và chỉ việc ngồi một chỗ đếm tiền. Nói thẳng, vuốt phẳng những tờ tiền lẻ ở quán trà đá không phải là một đức kiên nhẫn lao động mà ai trong chúng ta cũng có được.
Theo báo cáo thường niên của Ngân hàng Thế giới, năm 2020 có thêm 88 đến 115 triệu người sống với 1,9 USD mỗi ngày, chưa đủ mua một cốc cà phê tại các nước tiên tiến. Trong số đó, ngày càng nhiều cư dân thành thị. Số người sống trong nghèo đói cùng cực dự báo sẽ tiếp tục tăng lên tới 150 triệu trong năm 2021. Cứ 10 người nghèo mới sẽ có 8 người ở các nước thu nhập trung bình.
Ở Văn Miếu, sáng mồng 5 Tết - sáng đầu tiên của lệnh cấm hàng quán lần thứ hai - một bà cụ vẫn cố mở hàng trà đá cho khách đến thăm Văn Miếu "vì cuộc sống nên vẫn phải bán". Những người nghèo, họ thậm chí không tư duy rằng lệnh cấm này nhằm mục đích giãn cách xã hội, giảm giao tiếp dẫn đến lây nhiễm, và cũng vì an toàn sức khỏe tính mạng của chính họ. Không, cái lý của mưu sinh đơn giản là phải có cái ăn trước đã.
Năm ngoái, nhiều trạm cứu trợ gạo đã mở cho người nghèo ở thành phố. Ở thời buổi này mà xếp hàng để nhận đôi ba cân gạo thì phải thực sự khó khăn lắm. Làm sao quên được hình ảnh những túi đồ ăn, có vài cây xúc xích, quả trứng, gói mỳ tôm, nửa cân gạo xếp sẵn trên bàn kèm tấm biển: "nếu bạn khó khăn xin hãy lấy một túi".
Sống ở thành phố mà nói là nghèo, thậm chí là đói, ai tin? Nhưng nếu nhìn cụ thể vào con số thu nhập tính theo mức đóng thuế, Hà Nội không hề ít người nghèo.
Theo tiêu chí xác định hộ nghèo ở thành thị: thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng từ 900 nghìn đồng trở xuống; hoặc hơn 900 nghìn đến 1,3 triệu đồng nhưng thiếu hụt từ ba trong số các chỉ số tiếp cận dịch vụ xã hội như y tế, bảo hiểm y tế, chất lượng nhà ở, nguồn nước sinh hoạt... Còn ở nông thôn là có thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng từ 700 nghìn đồng trở xuống, hoặc hơn 700 nghìn đồng đến một triệu đồng và thiếu hụt từ ba trong số các chỉ số tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.
Như vậy, chênh lệch thu nhập giữa thị dân và nông dân nghèo chỉ là 200 nghìn đồng. Thế nhưng trên thực tế, người nghèo đô thị đối mặt nhiều khó khăn hơn, bởi mức sống ở thành phố cao hơn nông thôn.
Việc đóng cửa hàng quán dịch vụ có thể là động thái cần thiết để ngăn chặn bùng phát dịch. Nhưng để thuyết phục được về chính sách vĩ mô, phải kèm giải pháp thiết thực ngay trước mắt, bởi nếu không tất yếu dẫn đến sự đối phó. Câu hỏi của không ít người nghèo đơn giản thôi: lấy gì ăn?
Khái niệm "bình thường mới" không thể không tính đến sự xáo trộn về sinh kế của nhân dân, trong đó có không nhỏ người lao động phi chính thức ở các đô thị. Người dân cần giải pháp kéo họ vào chuỗi cung ứng, chứ không đơn giản là cần cứu trợ.
Ở quê, người ta có thể nuôi cá và trồng rau. Còn những người đã sống dựa vào vỉa hè thành phố, khi không thể bày cái gì ra bán, họ làm gì?
Gia Hiền