Trả lời:
Khi còn là bào thai, cả hai tinh hoàn của bé trai đều nằm trong ổ bụng và sẽ dần di chuyển xuống bìu trong ba tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên vì một số nguyên nhân như sinh non, bất thường nội tiết, giải phẫu..., quá trình này không được hoàn tất tại một bên hoặc cả hai bên. Điều này dẫn tới tình trạng tinh hoàn không ở vị trí nơi nó vốn thuộc về, hay còn gọi là tinh hoàn lạc chỗ (cryptorchidism).
Tình trạng này thường gặp khi một tinh hoàn chưa xuống vị trí, thậm chí có khi cả hai tinh hoàn đều lạc chỗ. Tinh hoàn lạc chỗ có thể còn nằm lại trong bụng hoặc chưa xuống hẳn bìu.
Tinh hoàn lạc chỗ hai bên, người đàn ông có nguy cơ vô sinh cao gấp 6 lần so với trường hợp tinh hoàn lạc chỗ một bên. Người có tinh hoàn lạc chỗ hai bên ở vị trí ống bẹn thì số lượng và chất lượng tinh trùng bình thường hoặc chấp nhận được, vẫn có thể có con.
Người có tinh hoàn một bên nằm trong ổ bụng sẽ ít khả năng có con. Khi tinh hoàn lạc chỗ hai bên trong ổ bụng, người đàn ông sẽ không có tinh trùng, do đó không thể có con.
Trường hợp của bạn, vì chưa cung cấp nhiều thông tin nên rất khó có thể khẳng định điều gì. Bạn nên đi khám chuyên khoa để kiểm tra càng sớm càng tốt, vừa nắm được tình trạng sức khỏe sinh sản của mình vừa tầm soát những nguy cơ biến chứng khác, nhất là ung thư tinh hoàn.
Hiện, phẫu thuật là phương pháp điều trị chính để di chuyển tinh hoàn đến đúng vị trí của nó. Thời điểm tốt nhất để phẫu thuật hạ tinh hoàn là từ sáu tháng đến một năm tuổi. Cuộc phẫu thuật này giúp đưa tinh hoàn về vị trí giải phẫu, giảm nguy cơ các biến chứng có thể gặp phải.
Trẻ càng lớn thì phẫu thuật càng ít hiệu quả. Người trên 10 tuổi, có một tinh hoàn trong bìu và tinh hoàn này phát triển bình thường, sẽ được bác sĩ tư vấn cắt bỏ tinh hoàn ẩn trong bụng để đảm bảo sức khỏe sinh sản sau này.
Bác sĩ Lê Duy Thảo
Khoa Nam học, Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc