Lãnh đạo phụ trách đơn vị phê vào phiếu trình: Để đánh giá "hoàn thành xuất sắc" phải kèm thêm các yếu tố về sự nổi trội cũng như giá trị, hiệu quả xã hội mang lại. "Hoàn thành tốt" là phù hợp hơn trong trường hợp này.
"Lời phê" của ông khiến tôi phải xem lại các tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và trở nên cân nhắc hơn trong những lần đánh giá sau đó.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định mới, bổ sung nhiều đối tượng tinh giản biên chế, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức mà trong hai năm liên tiếp liền kề thời điểm tinh giản có một năm hoàn thành nhiệm vụ, một năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không bố trí được công việc khác.
Trong bối cảnh đó, thực trạng lương công chức không đủ sống đã được nghị trường nhiều lần đề cập. Hôm 31/5, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho biết tại một phiên họp: lương trung bình một công chức khoảng 10 triệu. Mức này cách khá xa so với các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan - tương đương 56,7 triệu đồng, Malaysia 29 triệu và Campuchia 17 triệu.
Tinh giản biên chế, nôm na là giảm bớt số người không đáp ứng yêu cầu của công việc, là một trong những giải pháp để tăng thu nhập cho những người ở lại. Giảm người để tăng lương. 10 đồng chia cho 10 người sẽ ít hơn chia cho 5 người.
Nhưng bài toán này không đơn giản là một phép chia số học. Dù chính phủ mở rộng đối tượng tinh giản, và việc này được thực hiện đúng kế hoạch được giao, thì "nghiệm" thực sự của bài toán trên phải là: tinh giản đúng công chức - viên chức yếu kém, thiếu trách nhiệm; giữ lại người giỏi, để đảm bảo tăng hiệu quả phục vụ của bộ máy hành chính.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, từ tháng 10/2018 đến 12/2022, các bộ, ngành, địa phương tinh giản được gần 80.000 người. Trong đó, tỷ lệ tinh giản do đánh giá hàng năm không hoàn thành nhiệm vụ (hơn 52%); chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo (15%); dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, đơn vị hành chính (15%) và sức khỏe không đảm bảo (3%).
Các con số về tỷ lệ tinh giản trong báo cáo tạo cảm giác yên tâm rằng, bài toán dường như đã được giải đúng cách, tức phần lớn số bị loại là những người "không hoàn thành nhiệm vụ". Nhưng tôi vẫn không hết băn khoăn trước thực tế rằng, chủ trương tinh giản vẫn chú trọng vào số lượng hơn là chất lượng. Biểu hiện khá rõ là tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức - một căn cứ quan trọng của quá trình tinh giản - không có nhiều thay đổi.
Nghị định 90/2020 đưa ra 5 nhóm tiêu chí để đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, gồm: Chính trị tư tưởng; Đạo đức, lối sống; Tác phong, lề lối làm việc; Ý thức tổ chức kỷ luật; Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Mỗi nhóm tiêu chí lại có những yêu cầu cụ thể, chi tiết hơn.
Tuyển dụng và sàng lọc được một đội ngũ "vừa hồng vừa chuyên" là tham vọng của mọi tổ chức, doanh nghiệp. Nhưng hiểu một cách giản dị, công chức - viên chức là những người lao động; và hệ thống hành chính công là bộ máy cần đề cao hiệu quả công việc. Thực tế tuyển và sử dụng nhân sự cho tôi thấy, số lượng đáp ứng tốt cả năm nhóm tiêu chí trên chiếm tỷ lệ rất ít. Đấy là chưa kể, với chế độ đãi ngộ hiện nay, chúng ta đang gặp nhiều khó khăn nếu muốn giữ chân những người ưu tú như vậy.
Ngoài ra, có những nhóm tiêu chí rất khó lượng hóa, chủ yếu phụ thuộc vào cảm tính, gây khó khăn cho người đánh giá đồng thời trở thành cơ hội cho các quan hệ cá nhân xen vào và chi phối.
Bộ Nội vụ từng thừa nhận kết quả tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 đạt về chỉ tiêu số lượng nhưng chưa thực sự gắn với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ. Trả lời VnExpress vào năm 2020, ông Nguyễn Tư Long - Phó vụ trưởng Công chức, Viên chức (Bộ Nội vụ) thừa nhận, việc đánh giá cán bộ vẫn được nhìn nhận là không đi vào thực chất, còn nể nang, né tránh.
Do tiêu chí đánh giá chưa rõ ràng, thực trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám thực thi công vụ không diễn ra đơn lẻ mà phổ biến ở nhiều địa phương, kể cả ở cấp trung ương. Cuối năm, không ít trong số họ vẫn hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí "hoàn thành tốt", "hoàn thành xuất sắc"...
Thủ trưởng Bộ nơi tôi làm việc vừa yêu cầu trưởng các đơn vị đưa ra mục tiêu, xác định rõ các nhiệm vụ cốt lõi cần thực hiện trong lĩnh vực do mình quản lý từ nay đến năm 2025. Những nhiệm vụ này được định lượng rõ ràng chứ không mô tả bằng tính từ cảm tính, ông yêu cầu. Đây sẽ là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng vị trí lãnh đạo.
Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ đang nghiên cứu thay đổi quy định về đánh giá cán bộ theo hướng xem xét kết quả thực hiện nhiệm vụ cụ thể được giao.
Tinh giản biên chế theo tôi cần đi kèm với đổi mới, tinh giản tiêu chí đánh giá công chức - viên chức theo hướng tập trung vào những giá trị cốt lõi và nhấn mạnh hiệu quả công việc. Ôm đồm nhiều nhóm tiêu chí có thể khiến hiệu suất công việc của một người bị lu mờ trước những yếu tố khác.
Khi mục tiêu quan trọng nhất của tinh giản biên chế không đạt, chất lượng đội ngũ cán bộ không được nâng cao, bộ máy hành chính sẽ vẫn trì trệ.
Vòng lặp đó sẽ tiếp tục nếu không thay đổi cách "đánh giá cán bộ".
Trần Anh Tú