Anh Hoàng từng đi học thạc sĩ tại Australia từ nguồn ngân sách với điều kiện phải làm việc cho cơ quan nhà nước tối thiểu 5 năm sau khi tốt nghiệp. Sau hai năm học, anh đỗ kỳ thi tuyển công chức và trở thành chuyên viên một sở tại thành phố với lương khởi điểm khoảng ba triệu đồng, chưa trừ các khoản bảo hiểm.
"Mức lương của tôi đã cao hơn các bạn tốt nghiệp đại học vào cùng đợt", anh Hoàng nói. Lương cơ sở thời điểm đó là 1,15 triệu đồng, có bằng thạc sĩ nên hệ số lương khởi đầu của anh đạt 2,67, so với đại học là 2,34. Để có thêm thu nhập, anh nhận thêm công việc bên ngoài. Thế nhưng sau ba năm anh phải từ bỏ để tập trung việc cơ quan bởi "làm hai việc cùng lúc chắc chắn sẽ ưu tiên cái mang lại nhiều tiền hơn".
Đến năm 2021, hệ số lương của anh tăng lên 3,33, tức mỗi tháng nhận hơn 5,5 triệu đồng và được thêm phụ cấp lãnh đạo phòng. Nếu tính cả thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 của thành phố và các khoản thưởng cuối năm, phụ cấp khác, tổng thu nhập năm của anh được 120-130 triệu đồng.
Mọi thứ khó khăn hơn khi gia đình anh có thêm con nhỏ. Chỉ tính riêng các khoản chi cho con đã lên tới 7 triệu đồng, nhiều hơn cả lương tháng của anh. Nghĩ tới gánh nặng gia đình, anh quyết định nộp đơn thôi việc. Ban giám đốc sở thuyết phục ở lại vì đang có đà phát triển rất tốt, nhưng anh từ chối.
Anh Hoàng là một trong số những cán bộ của thành phố nghỉ việc nhà nước vào năm 2021. Theo số liệu thống kê của Sở Nội vụ TP HCM, số cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ) thôi việc tăng cao từ hơn 1.200 (năm 2015) lên gần 2.000 (năm 2016), tăng cao nhất gần 2.700 (năm 2017)... Số người nghỉ việc nhà nước giai đoạn này được xem tăng đột biến khi trước đó chỉ ở mức vài trăm trường hợp mỗi năm.
Cán bộ, công chức, viên chức được quy định trong Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và một số nghị định. Song, có thể hiểu đây là những người làm việc trong cơ quan Nhà nước, mang tính chất ổn định, lâu dài, có chế độ lương, phụ cấp đến khi nghỉ hưu. Ba nguyên nhân phổ biến khiến cán bộ, công chức TP HCM nghỉ việc là: Chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ chưa tương xứng; áp lực công việc cao; cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc chưa đủ sức hấp dẫn.
Cũng lựa chọn rời môi trường nhà nước, anh Ngô Trường Giang, 35 tuổi, vốn là viên chức thuộc sở ở TP HCM, nói nếu chỉ nhận lương nhà nước thì "sống độc thân còn không đủ". Phòng làm việc của anh gồm 4 người có nhiệm vụ công bố thông tin các dự án được phê duyệt ra công chúng. Với trình độ đại học, lương khởi điểm mỗi tháng của anh khoảng ba triệu đồng. Ngoài công việc chính, lãnh đạo còn tìm dự án khảo sát, đo đạc để nhân viên làm thêm. Tuy nhiên thu nhập cũng phập phồng, quyết toán lâu, có khi đợi cả năm.
"Công việc quá ít so với số người của phòng. Tôi chỉ cần một tuần để làm xong các nhiệm vụ được giao", anh Giang nói và cho rằng mức lương được trả hàng tháng hơn ba triệu đồng thấp so với thị trường, nhưng so với khối lượng công việc phải làm là "tương xứng".
Sau 4 năm gắn bó với công sở, anh Giang nộp đơn nghỉ việc. Hơn 2/3 số người trúng tuyển cùng đợt với anh cũng rời bỏ công việc nhà nước, vốn là niềm mơ ước của bản thân và gia đình nhiều năm trước đó. "Nếu ở lại tôi sẽ ù lì, không phát triển bản thân và chắc chắn khó có thể nuôi được vợ con", anh Giang nói.
Chứng kiến cán bộ cơ sở rời bỏ môi trường nhà nước, nhiều cơ quan muốn giữ người nhưng "lực bất tòng tâm". Bà Đặng Thị Kim Hoa, Trưởng phòng Nội vụ quận 11, cho biết chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, UBND quận 11 giải quyết cho 38 cán bộ không chuyên trách xin thôi việc (trong đó 19 trường hợp trúng tuyển công chức).
Theo bà Hoa, nhân sự cấp cơ sở như cán bộ không chuyên trách là lực lượng rất quan trọng, nhưng đang có thu nhập khá thấp. Thành phố đã xoay xở nhiều giải pháp nâng thu nhập cho nhóm này như thêm phụ cấp theo trình độ, trách nhiệm, thu nhập tăng thêm, phụ cấp khuyến khích bằng đại học, nhưng bình quân mỗi tháng cũng chỉ được 5-6 triệu đồng. Cơ quan muốn thuyết phục cán bộ gắn bó cũng gian nan vì yếu tố thiết yếu nhất là thu nhập lại khó thay đổi.
Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Huỳnh Thanh Nhân nêu thực tế hiện nay khu vực công gặp thách thức rất lớn trong thu hút, giữ chân nguồn nhân lực trình độ cao, người có năng lực, kinh nghiệm.
Thách thức đầu tiên đến từ sự cạnh tranh chế độ đãi ngộ giữa khu vực công với tư. Mức thu nhập khối nhà nước rất thấp, trong khi đó các đơn vị tư nhân đưa ra những mức lương, thưởng và các chế độ ưu đãi hấp dẫn, khiến nhiều cán bộ, nhất là người giỏi chấp nhận ra khỏi biên chế.
Bên cạnh đó, môi trường làm việc trong khu vực công đòi hỏi kỷ luật cao và tuân thủ nhiều quy định, quy chế đặc thù mỗi ngành, lĩnh vực. Mặt khác thời gian qua nhiều cá nhân, tổ chức sai phạm liên quan thực thi công vụ, bị xử lý làm cho cán bộ, nhân viên e ngại, sợ mắc sai lầm.
Theo ông Nhân, năng suất phục vụ của cán bộ TP HCM gấp 1,5 lần cả nước, nhưng thu nhập tương đương 62 tỉnh, thành khác. Chưa kể, mức lương bình quân của cán bộ, công chức, viên chức thành phố hiện thấp hơn khá nhiều so với người lao động trong khu vực sản xuất, không đủ trang trải chi phí cuộc sống tăng cao tại đô thị lớn.
Chính vì vậy khu vực nhà nước khó thu hút, giữ chân được người giỏi. Số nhân sự không đủ đáp ứng yêu cầu sẽ làm suy giảm hiệu quả hoạt động công vụ, ảnh hưởng người dân và doanh nghiệp. Năm 2018, thành phố đưa quy định về chính sách chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thành phố vào Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TP HCM chính là biện pháp ngắn hạn để giải bài toán này.
Giám đốc Sở Nội vụ cho biết trong chính sách mới thay thế Nghị quyết 54, TP HCM tiếp tục theo đuổi đề xuất chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, song đây vẫn là giải pháp trước mắt. Thời gian tới, nhà nước cần sớm cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 để chi trả thu nhập xứng đáng với năng suất người lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc...
Chưa đầy hai tháng sau khi rời cơ quan nhà nước, anh Trần Công Hoàng đã tìm được công việc mới ở một tập đoàn lớn, với mức lương gấp ba lần trước đây. Có tháng được hưởng thêm lương theo hiệu quả công việc và lợi nhuận, thu nhập của anh hơn 30 triệu đồng. "Lựa chọn rời đi là quyết định đúng đắn", anh nói.
* Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu.
Thu Hằng – Lê Tuyết