* Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Vợ ba (The Third Wife) gây chú ý khi sắp ra mắt trong nước sau nhiều giải quốc tế. Phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Phương Anh (Ash Mayfair) lấy bối cảnh thế kỷ 19 khi chế độ đa thê vẫn còn. Câu chuyện bắt đầu khi bé Mây (Trà My thể hiện) về làm vợ ba của một người đàn ông giàu có (Lê Vũ Long đóng). Vợ cả tên Hà (Trần Nữ Yên Khê) đã sinh con trai, còn vợ hai Xuân (Maya) thì chưa.
Mây bắt đầu khép mình vào kiếp vợ lẽ, học hỏi các vấn đề nữ giới từ những người lớn hơn. Mang thai, cô ước ao sinh con trai để có địa vị cao hơn. Tuy nhiên, mọi chuyện phức tạp khi Mây bắt đầu rung động với Xuân. Dưới lớp vỏ yên ấm, gia đình chồng ẩn chứa những uẩn khúc và nỗi niềm riêng.
Vợ ba có nhịp kể chậm rãi, trình diễn những khung hình giàu chất thơ, có bố cục chặt chẽ. Ở cảnh đầu, Mây bước vào cuộc sống mới sau chuyến đi trên thuyền. Cô đối mặt các thành viên nhà chồng với tư thế đứng gây ngột ngạt do cách sắp đặt khung hình. Sau lưng Mây cũng là nhóm người hầu, tạo cảm giác đóng khung nhân vật. Không có thoại, trích đoạn tạo được không khí hơi u ám mở màn cho câu chuyện.
Khác với Đèn lồng đỏ treo cao - phim của đạo diễn Trung Quốc Trương Nghệ Mưu, cũng kể về chế độ đa thê, tập trung chuyện những bà vợ tranh đoạt, Vợ ba triển khai vấn đề nhẹ nhàng hơn. Sự cạnh tranh giữa những người vợ được hé lộ ở đầu nhưng không tiến triển thành cao trào hủy diệt nhau. Thay vào đó, tác phẩm nêu ẩn ý về vòng lặp hoàn cảnh của phụ nữ xưa. Toàn thể phim là hành trình đi tìm sự tự do của nữ giới, được dồn nén vào hai cảnh cuối - với cách phản kháng khác nhau.
Các vấn đề của lễ giáo, quan niệm cũ dần được khéo léo đan cài theo đường dây. Mây dần biết tầm quan trọng của việc sinh con trai, bổn phận làm vợ cũng như cái giá phải trả khi quan hệ ngoài hôn thú. Dù câu chuyện không nặng tính bi kịch, khán giả dễ cảm nhận được sức ép lên nữ giới. Mây chỉ trạc tuổi con gái lớn của Xuân, là một cô bé nhưng cũng là người vợ và sau đó là mẹ.
Trong phim, ba người vợ thường xuất hiện trong các cảnh chăm sóc con cái, làm việc. Còn người chồng luôn mang vẻ điềm nhiên, kiểm soát nhiều mặt của gia đình. Vai này được xây dựng thiên về tính hình tượng, thể hiện góc nhìn phổ quát của tác giả về sự thống trị của đàn ông thời xưa thay vì một nhân vật đa chiều tính cách.
Vợ ba cũng khai thác yếu tố tình dục từ điểm nhìn nữ giới. Sự khám phá bản năng giới tính được phát triển trên hành trình của Mây - theo cách ý nhị và có lớp lang. Bốn cảnh âu yếm dẫn người xem qua các sắc thái khác nhau. Trích đoạn tân hôn không phô bày nhiều da thịt nhưng lột tả được cảm xúc của cô gái mới lớn qua lối dựng và ánh mắt của diễn viên nữ. Một cảnh khác lại mang vẻ nóng bỏng, cuồng nhiệt, mở ra các tình tiết về sau của phim. Ở đoạn then chốt, nhà làm phim nhấn mạnh vào tâm lý - sự rụt rè giữa lằn ranh cấm kỵ và rung động bản năng.
Ở phim đầu tay, đạo diễn Phương Anh cho thấy nỗ lực xây dựng ngôn ngữ điện ảnh bên cạnh việc kể chuyện. Trên Women and Hollywood, đạo diễn cho biết muốn người xem chìm đắm vào cảnh vật bên cạnh cảm xúc nhân vật. "Trên hết, tôi muốn khán giả cảm nhận, nếm và ngửi thế giới, trải nghiệm lối sống xưa. Tôi hy vọng chạm đến khán giả theo những cách có thể phá vỡ rào cản văn hóa và ngôn ngữ", cô nói.
Vợ ba trình diễn nhiều khung hình giàu thẩm mỹ ở vùng quê Ninh Bình - nơi đoàn phim đóng hơn hai tháng để ghi hình. Ở một cảnh của Trần Nữ Yên Khê, máy quay chậm rãi quét ngang, thu trọn những ngọn đồi xung quanh, tạo vẻ nên thơ tương phản nhân vật nhiều tâm trạng. Dựng phim hay dùng cảnh thiên nhiên và những con tằm chen ngang câu chuyện - giống như một lời dẫn chuyện mơ hồ. Hình ảnh tằm lặp lại nhiều lần gợi ẩn ý đến vòng đời nữ giới. Phần nhạc phim của Tôn Thất An mang phong cách hiện đại và hỗ trợ cảm xúc ở các cảnh quan trọng.
Các diễn viên trong phim đều tròn vai. Trước khi ra phim trường, họ được yêu cầu sống chung với nhau và tìm hiểu nhân vật trong ba tháng. Ở vai chính đầu tay, Trà My ấn tượng nhờ lối diễn bằng ánh mắt, biến chuyển từ vẻ đau đớn pha bỡ ngỡ đêm tân hôn, ánh nhìn gợi cảm, có chút man dại với chồng đến cơn quặn đau ngày sinh nở. Maya có vẻ căng tràn sức sống hợp vai giàu xuân tình, còn Yên Khê mực thước, hơi bí ẩn khi hóa vợ cả. Dù xuất hiện ít, sao nhí Cát Vi ghi dấu ấn với người xem khi lột tả sự bướng bỉnh của con gái vợ hai. Hồi tháng 2, nhiều khán giả biết đến cô bé với vai con gái Hai Phượng trong phim cùng tên.
Với kịch bản hầu như triệt tiêu kịch tính, nút thắt được khép lại dễ dàng, cũng như nhịp phim chậm, dành nhiều thời gian cho loạt cảnh sinh hoạt thay vì thúc đẩy xung đột, Vợ ba không phải tác phẩm hướng đến đông đảo người xem. Ở một số tuyến, khán giả có thể khó cảm tâm lý nhân vật do tình tiết phát triển nhanh. Thay vào đó, phim tập trung thể hiện ngôn ngữ điện ảnh, đồng thời nêu các vấn đề gợi sự suy tư mang tầm xã hội về giới tính, sự bình đẳng nam nữ.
Ra mắt ở Liên hoan phim Toronto (Canada), Vợ ba thắng giải NETPAC. Sau đó, phim giành giải TVE-Another Look tại LHP San Sebastian (Tây Ban Nha) và "Phim quốc tế xuất sắc" ở LHP Kolkata International (Ấn Độ). Phim khởi chiếu ở Việt Nam từ ngày 17/5 với nhãn C18 (không dành cho khán giả dưới 18 tuổi).
* Xem thêm: Các phim ra rạp Việt trong tháng 5
Ân Nguyễn