Văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo và Khổng giáo. Chính vì vậy, lối suy nghĩ và nếp sống của giới trẻ ngày nay có sự giằng xé, vật lộn giữa cái cũ và cái mới, giữa những niềm tin, giá trị truyền thống với phong cách hiện đại du nhập từ nước ngoài.
Trong nền văn hóa Việt truyền thống, đàn ông và đàn bà tuân thủ nề nếp “nam nữ thụ thụ bất thân” của Đạo Khổng, tức là giới nam và giới nữ không được phép động chạm về mặt thể xác và hôn nhân của họ là do cha mẹ sắp đặt. Trinh tiết của phụ nữ được đánh giá rất cao, cho đến nay chúng ta vẫn thường nghe “chữ trinh đáng giá ngàn vàng” là bởi thế.
Đêm tân hôn, nhà trai có một kế hoạch tinh tế để đánh giá sự trinh tiết của người phụ nữ. Một mảnh vải trắng được trải trên giường cô dâu, nếu mảnh vải ấy có vết máu thì cuộc hôn nhân đó là tốt đẹp. Ngược lại, nếu mảnh vải không vương vết máu, cô gái sẽ bị đánh giá là đã mất trinh. Trong lễ lại mặt, chiếc thủ lợn mang sang nhà gái sẽ bị cắt đi một bên tai và nhà gái sẽ mãi mãi mang một vết nhơ với xóm làng.
Chính vì những lý do trên mà quan hệ tình dục trước hôn nhân là điều cấm kỵ và có thai ngoài hôn nhân là điều không được xã hội chấp nhận. Một cô gái không chồng mà có thai là vết nhơ của cả dòng họ và xóm làng. Cô ấy sẽ phải chịu hình phạt “gọt tóc thả trôi sông”...
Khi chính sách mở cửa được áp dụng, đất nước chuyển mình với những thay đổi mạnh mẽ và cuộc sống tình dục của nam nữ thanh niên cũng có những thay đổi đến ngỡ ngàng. Trước đây thanh niên thường sống cùng gia đình, nay họ có nhiều cơ hội học tập, làm việc ở thành phố và các khu công nghiệp. Trước đây phụ nữ phải tuân theo đạo “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” thì ngày nay họ khá tự do quyết định cuộc sống riêng của chính mình.
Với ảnh hưởng của những phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, radio, truyền hình và đặc biệt là Internet, lối sống của thanh niên Việt Nam ngày càng gần với lối sống của thanh niên thế giới. Tuổi kết hôn thay đổi rõ rệt. Ở thế hệ ông cha, phần lớn mọi người, đặc biệt là phụ nữ, thường kết hôn ở lứa tuổi dưới 20, trong khi đó, tổng điều tra dân số năm 2009 cho thấy tuổi kết hôn trung bình của nam là 26,2 và nữ là 22,8.
Kết hôn muộn hơn, nhiều khả năng sống xa gia đình hơn, đồng thời chịu ảnh hưởng của lối sống hiện đại, quan hệ tình dục trước hôn nhân ngày càng được giới trẻ chấp nhận. Kết quả một cuộc điều tra năm 2003 cho thấy có 11,1% nam thanh niên và 4% nữ thanh niên “đã quan hệ tình dục trước hôn nhân”, thì tại cuộc điều tra năm 2009, tỷ lệ này tăng lên là 13,6% ở nam và 5,2% ở nữ.
Tuổi thanh niên có quan hệ tình dục lần đầu cũng giảm dần theo thời gian: năm 2003 tuổi trung bình có sinh hoạt tình dục lần đầu của nam là 20 và nữ là 19,4 thì năm 2009 mốc này giảm xuống 18,2 ở nam và 18 ở nữ. Những con số này trong thực tế có thể thấp hơn bởi chỉ có nam nữ thanh niên sống cùng gia đình tham gia hai cuộc điều tra trên.
Có một sự “giằng xé” trong nội tâm của nam nữ thanh niên có quan hệ tình dục trước hôn nhân: một bên là quan niệm cởi mở, phóng khoáng của văn hóa hiện đại, một bên là văn hóa truyền thống với những niềm tin và giá trị truyền từ đời này sang đời khác. Sự “giằng xé” này thể hiện trong nhiều hiện tượng xã hội. Trong khi thanh niên ngày càng trở nên “thoáng” hơn với quan hệ tình dục trước hôn nhân thì không ít nam giới vẫn coi “chữ trinh đáng giá ngàn vàng”, và dịch vụ “vá màng trinh” ra đời nhằm phục vụ cho những quý cô muốn khôi phục cái “ngàn vàng" bị rách.
Trong một cuộc tư vấn, cô gái chưa lập gia đình hỏi tôi “Em chẳng cảm thấy gì khi quan hệ với người yêu nên em rất lo lắng về hạnh phúc sau này”. Tôi đặt ra một loạt câu hỏi nhằm tìm hiểu xem cô gái đó có thực sự yêu cậu bạn trai không, có được thoải mái khi quan hệ tình dục không, có sợ có thai không... Và thực tế là, cô gái sinh ra trong một gia đình truyền thống, từ trong sâu thẳm, cô tin có quan hệ tình dục trước hôn nhân là không đúng với đạo lý nhưng cô làm điều đó để “chiều” người yêu. Chính sự “giằng xé” trong nội tâm đã khiến cô không có được cảm xúc tình dục bình thường.
Sự “giằng xé” này còn là chướng ngại vật cho việc thực hành tình dục an toàn. Một thực tế đáng buồn là trong khi tỷ lệ bạn trẻ có kiến thức về các biện pháp tránh thai khá cao và tỷ lệ này ngày càng tăng thì việc sử dụng các biện pháp tránh thai lại không hoàn toàn như thế.
Nữ thanh niên e ngại dùng biện pháp tránh thai vì sợ người yêu cho rằng mình không còn trong trắng, sợ người thân và bạn bè phát hiện mình đã có quan hệ tình dục. Ngoài sự e ngại tương tự, nam thanh niên còn sợ giảm cảm xúc tình dục khi sử dụng bao cao su. Hậu quả của những nỗi e ngại này là tình trạng có thai ngoài ý muốn của nữ thanh niên chưa lập gia đình. Tỷ lệ phá thai của phụ nữ chưa lập gia đình bao gồm cả vị thành niên chiếm 15-33% tổng số các ca phá thai hàng năm.
Một thực tế đáng buồn nữa là sự “giằng xé” này làm cho nữ thanh niên có thai ngoài ý muốn tiếp cận với dịch vụ phá thai rất muộn và đôi khi họ tìm đến những nơi cung cấp dịch vụ không an toàn chỉ vì mong muốn được kín đáo. Theo một nghiên cứu, 53% số trường hợp phá thai lớn là thuộc về những phụ nữ trẻ chưa có gia đình. Sự “giằng xé” nội tâm này cũng để lại những vết thương tâm lý sâu sắc cho một số phụ nữ trẻ sau khi phá thai.
Còn một hệ quả nữa của sự “giằng xé” mà chúng ta không thể không đau lòng, đó là tình trạng những bà mẹ chưa lập gia đình bỏ rơi đứa con mình rứt ruột sinh ra.
Để giảm đi áp lực của sự “giằng xé” này, để giúp cho giới trẻ có cuộc sống tình dục an toàn và hạnh phúc, còn có lựa chọn nào khác hơn là mỗi chúng ta có một cái nhìn nhân ái hơn, không phán xét hay lên án mà thấu hiểu, thân thiện và tận tình giúp đỡ giới trẻ?
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Bích Thủy
Thành viên Ban Chấp Hành ASAP - Diễn đàn nạo phá thai an toàn châu Á