Lên lớp 11, Phương (Thanh Hóa) bước vào mối tình đầu với anh chàng tên Long khóa trên. Yêu nhau được 3 tháng, sau nhiều lần đi chơi chung với bạn bè, cuối cùng hai đứa có một buổi hẹn riêng tại nhà Long. Hôm ấy bố mẹ người yêu đi công tác xa, lại đúng lúc tivi chiếu bộ phim nhạy cảm, nên hai đứa quyết định… bắt chước. "Đây là lần đầu tiên của cả hai nên lóng ngóng lắm. Em cũng không nghĩ được điều gì to tát, chỉ thấy tò mò và muốn thử cho biết...", Phương kể.
Sau hôm đó, hai người không có nhiều cơ hội riêng tư. Tình yêu đẹp tiếp diễn bình thường đến mức Phương không hề biết mình mang thai. Đến tháng thứ 5, mẹ Phương thấy con béo lên từng ngày, nhưng vì trời mùa đông, mặc nhiều quần áo nên bà chỉ nghĩ "chắc con mình đang tuổi ăn tuổi lớn". Nhưng rồi bà cũng buột miệng hỏi xem có phải Phương đang mang bầu.
Phương trả lời không và tỏ vẻ khó chịu với câu hỏi kỳ quặc của mẹ. Song, đến gần một tháng sau thì cái thai lộ rõ, cũng là lúc Phương sốc khi biết đang mang trong người một đứa con. Hết cách, gia đình hai bên quyết định tổ chức đám cưới cho hai đứa trẻ mà không có hôn thú vì chưa đủ tuổi.
Được hỏi tại sao quan hệ mà không nghĩ đến chuyện dính bầu, Phương trả lời hồn nhiên: “Mình có biết gì đâu, cứ nghĩ một lần thì sao có chuyện gì được". Sau đám cưới, Phương nghỉ học ở nhà chuẩn bị sinh nở, ông bố trẻ tên Long đi học cố được vài tháng, tốt nghiệp cấp 3 xong cũng nghỉ luôn.
Nhưng chỉ cưới được chưa đầy nửa năm, nhà nội đã đòi trả con dâu vì chê Phương lười, không biết làm gì, rồi lại bảo không biết đấy có phải cháu ruột mình không... Một năm sau, Phương và Long ai về nhà đấy. Đứa con nhỏ mỗi nhà đón về chăm vài tháng, rồi lại đưa cho nhà kia...
Cũng năm ngoái, tại trường trung học phổ thông B Kim Bảng, Hà Nam, bốn học sinh lớp 10 có bầu, phải nghỉ học về nhà lấy chồng và chuẩn bị sinh em bé. Thảo, lớp 12 cùng trường cho biết, trong bốn người trên, có trường hợp phải năn nỉ nhà trai mãi mới cho cưới, thậm chí có người con trai còn trốn biệt tích, mãi sau mới quay về...
Không can đảm giữ thai lại như các trường hợp trên, Hiền (17 tuổi, Ba Vì, Hà Nội) đã được gia đình đưa đi nạo thai, nghỉ ở nhà dưỡng sức một thời gian rồi tiếp tục đến trường. Tuổi còn nhỏ, tuy chưa ý thức hết những gì mình đang làm, nhưng Hiền đã phải chịu sự bàn tán của bạn bè khắp trường và bà con chòm xóm. “Nhiều lúc em tưởng không thể vượt qua được chuỗi ngày đen tối này. Bạn trai sau khi biết chuyện đã chia tay, có gặp thì cũng xem như người dưng”, Hiền kể.
Theo báo cáo tình trạng dân số thế giới năm 2013 do Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) công bố ngày 4/11, các bạn trẻ ngày càng cởi mở với quan hệ tình dục trước hôn nhân. Nếu như năm 2003, chỉ có 23% bạn gái và 48% bạn nam đồng tình với vấn đề này thì đến năm 2008, con số đã tăng lên 30% ở nữ và 58% ở nam. Độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu cũng giảm từ 19,6 vào 2003 xuống còn 18,1 vào năm 2008.
Đặc biệt, theo báo cáo về sức khỏe bà mẹ trẻ em nghiên cứu trên 63 tỉnh thành Việt Nam, tỷ lệ vị thành niên có thai tăng từ 2,9% năm 2010 lên 3,2% năm 2012.
Ông Arthur Erken, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết, mang thai ở tuổi vị thành niên không những khiến các em gặp phải chấn thương tâm lý như trầm cảm, dễ bị cô lập, kỳ thị của mọi người, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe như thiếu dinh dưỡng, thiếu máu, biến chứng sau khi nạo phá thai không an toàn, nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục…
Ông nhấn mạnh, nói tới việc mang thai ở tuổi vị thành niên, hầu hết xã hội chỉ biết đổ lỗi cho các em gái khi mang thai. Tuy nhiên, bản thân các em gái không thể tự có thai được. Vì vậy thanh thiếu niên cần được trang bị kiến thức giới tính phù hợp và toàn diện để trau dồi kiến thức và kỹ năng cần thiết bảo vệ sức khỏe suốt cuộc đời. Trang thiết bị dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng cần chất lượng và thân thiện với thanh thiếu niên để các em có được cuộc sống khỏe mạnh. Cần đảm bảo rằng phụ nữ Việt Nam được mang thai an toàn, tất cả trẻ em sinh ra đều khỏe mạnh.
Nguyễn Phượng