Chờ làm thủ thuật ở một cơ sở y tế. Ảnh minh họa: Nam Phương. |
Ngồi chờ trước cửa phòng thủ thuật, khoa Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, TP HCM, chị Hương liên tục thở dài và lôi khăn giấy ra chấm nước mắt. Mải mê hết chuyến công tác này đến chuyến công tác khác, vợ chồng chị để mặc hai đứa con cho ông bà trông nom và người giúp việc chăm sóc. Tuần trước, cô con gái đầu lòng 16 tuổi nôn ọe sau khi ăn nem chua, chị tưởng con bị ngộ độc đưa vào bệnh viện mới biết Quỳnh đang mang thai được 14 tuần. Chị gặng hỏi thì con gái cũng không nhớ ai là tác giả của cái thai trong bụng mình, chỉ đoán là kết quả của buổi đi sinh nhật cô bạn học cùng ở trung tâm tiếng Anh. Bữa tiệc hôm đó có chỉ có 5 đứa con trai và 5 đứa con gái, nhưng cả lũ đã uống rượu say rồi ôm nhau ngủ.
Chị ngay lập tức đưa con đi giải quyết hậu quả trước khi ba cháu biết chuyện. “Tội nghiệp con bé, hôm nó đi sinh nhật đứa bạn cũng xin phép ông bà và gọi điện hỏi xin phép mẹ. Mình nghĩ cũng nên cho con gặp gỡ giao tiếp bạn bè, với lại sinh nhật tổ chức vào trưa chủ nhật thì đâu có gì lo, ai ngờ gặp phải hội bạn xấu”, chị Hương than thở. Quỳnh đã thay váy để chờ làm thủ thuật cứ chạy ra chạy vào nhờ mẹ đưa lúc thì chai nước suối, lúc thì khăn ướt, rồi thì thảo hỏi mẹ: “Có đau không mẹ ơi? Bác sĩ nói chiều con được về nhà luôn à?”…
Trong khi mấy chị em có chồng và đã làm mẹ lầm rầm trò chuyện về lý do đi giải quyết cái bụng bầu do vòng tránh thai bị tuột hay lỡ uống thuốc kháng sinh trong tam cá nguyệt thứ nhất thì Lam (học sinh một trường cấp 3) ngồi im lặng lấy điện thoại ra chơi game như một cách trốn tránh nỗi đau đang chờ đợi phía trước. Khi anh chàng người yêu hỏi: "Không biết có phải chờ lâu không?", Lam gắt lên: "Đã làm đâu mà biết". Anh chàng ngồi thêm mấy phút rồi nhẹ nhàng: "Thôi anh ra ngoài chờ nhé, để chỗ cho các chị em ngồi"… Lam gật đầu nhưng dường như vẫn còn ấm ức vì một phút dễ tính chiều người yêu, giờ đến nông nỗi này. Tuy anh ta đã đi làm nhưng cũng chỉ có thể lo cho cô hai triệu đồng, vừa đủ nộp viện phí để phá cái thai hơn 12 tuần của mình.
Theo báo cáo tổng kết của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, thời gian gần đây các ca nạo phá thai được ghi nhận ở các bệnh viện và cơ sở y tế trong thành phố có xu hướng giảm, cụ thể năm 2008 là 116 nghìn ca, 2009 là 100 nghìn ca, 2010 là 89 nghìn, 2011 là 95 nghìn và 2012 là 89 nghìn nhưng số ca nạo phá thai ở độ tuổi vị thành niên lại đang có xu hướng tăng lên.
Thống kê của Bệnh viện Từ Dũ trong sáu năm liên tiếp, tỷ lệ trẻ vị thành niên phá thai trong tổng số những người phá thai tại viện này tăng nhanh qua từng năm. Năm 2007, tỷ lệ này chiếm 3,1% thì đến 2011 là 6,8%, năm 2012 là 6,4%.
Trên cả nước, tỷ lệ phá thai vị thành niên năm 2012 là 2,3% trong tổng số người đến làm thủ thuật. Số trẻ vị thành niên mang thai trong tổng số mang thai của cả nước cũng tăng qua từng năm, năm 2009 là 2,9%, năm 2012 là 3,2%.
Vấn đề mang thai vị thành niên đang trở nên nhức nhối ở Việt Nam những năm gần đây. Có những trẻ 12, 13 tuổi đã mang thai. Theo điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam gần đây nhất, tuổi dậy thì ở người Việt có xu hướng giảm, từ 14,5 xuống 14,2 với nữ; 15,6 xuống 15,5 với nam. Tuổi quan hệ tình dục lần đầu ở Việt Nam là 18,1 (trong lần điều tra trước đó, con số này là 19,6). Điều tra cho thấy, 49% giới trẻ ở vùng thiểu số, 34% giới trẻ nông thôn và 23% nữ giới có tư tưởng cởi mở với tình dục trước hôn nhân. Tỷ lệ quan hệ tình dục trước hôn nhân những năm qua cũng tăng lên.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Thị Nhung (Chủ tịch hội phụ sản TP HCM, nguyên giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương), nạo phá thai dù ở lứa tuổi nào cũng có những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe người phụ nữ. Nhưng ở lứa tuổi vị thành niên, trẻ chưa đủ trưởng thành về mặt thể chất, tình cảm và xã hội để sẵn sàng làm mẹ, hậu quả của nạo phá thai đối với sức khỏe sẽ nặng nề hơn, nguy cơ tai biến sản khoa cũng rất cao. Chưa kể, thường trẻ vị thành niên lỡ mang bầu khi người nhà phát hiện ra thì cái thai đã tương đối to, và phá thai to cũng cực khổ như sinh một em bé vậy. Và việc phá thai to có thể gây ấn tượng nặng nề cho trẻ.
Bác sĩ Nhung cho biết, nạo phá thai có thể gây những tác hại với sức khỏe người phụ nữ: hậu quả gần là băng huyết (nếu thai to), choáng, thủng tử cung (nếu nạo bằng dụng cụ), sót nhau, nhiễm trùng (nhiều mức độ nặng nhẹ, nếu mức độ nặng có thể phải cắt tử cung hay tử vong). Hậu quả xa là dính buồng tử cung, nghẹt ống dẫn trứng, mang thai ngoài tử cung, vô sinh thứ phát, nhau cài răng lược, vỡ tử cung, nhau tiền đạo. Nạo thai nhiều sẽ làm mỏng thành tử cung, dẫn đến nhiều nguy cơ cho việc mang thai sau này.
Bà nhận xét khá nhiều trường hợp nạo phá thai xong, cảm thấy cắn rứt lương tâm dẫn đến trầm cảm. Thậm chí nhiều người đã có chồng nhưng do điều kiện kinh tế hoặc đã sinh đủ hai bé cũng bị ám ảnh khi đi phá thai. Với trẻ vị thành niên, chuyện nạo phá thai thực sự là một cú sốc lớn với trẻ và với cả cha mẹ. Còn có những người sẵn sàng từ bỏ cái thai, quyết tâm phá bằng bất kỳ giá nào.
Kim Anh
* Tên nhân vật đã thay đổi