"Bất cứ ngày nào cũng không còn ý nghĩa", cô nói. Đối với người phụ nữ 42 tuổi và bạn đời, lễ kết hôn sắp tới không phải là lý do để ăn mừng, ngược lại là sự thừa nhận thất bại.
Vợ chồng cô là một trong nhiều cặp ở Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chương trình ngăn chặn "ly hôn giả" của chính quyền, nhằm kiềm chế bong bóng bất động sản. Nhiều năm nay các cặp vợ chồng trên khắp đất nước tỷ dân đã "lách luật" bằng việc ly hôn giả để đầu cơ bất động sản. Tùy theo chính quyền mỗi thành phố, nhưng thông thường chỉ cho phép mỗi hộ được mua hai căn nhà. Nhiều gia đình muốn trục lợi đã ly hôn giả để được mua ngôi nhà thứ ba. Thậm chí một gia đình ở Chiết Giang đã kết hôn và ly hôn 23 lần trong một tháng để được phân đất trong dự án tái định cư.
Giá nhà đất ở Trung Quốc đang tăng chóng mặt khi nền kinh tế nước này hồi phục sau khủng hoảng Covid-19. Trong tháng 1, giá bất động sản tại các đô thị loại một - bao gồm Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải và Thâm Quyến - đã tăng 1,3%.
Vợ chồng Wu đã có hai căn hộ đứng tên chồng, do đó, cô sẽ không thể sở hữu bất cứ bất động sản nào nữa nếu không độc thân. Tháng 11 năm ngoái, họ vui vẻ dắt tay nhau đi làm thủ tục ly hôn. Rất đông người cũng có mục đích như vậy nên một tuần sau họ mới được hẹn làm việc. "Tất cả chúng tôi đều rất lạc quan rằng giá bất động sản ở Thượng Hải sẽ tiếp tục tăng. Ly hôn là cách hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu", cô nói.
Tuy nhiên vợ chồng Wu đã hành động quá muộn. Các thành phố đang hành động để ngăn chặn những vụ ly hôn giả, nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản. Các quy định đó thường là trả thuế giá trị gia tăng hay muốn mua căn hộ mới phải ly hôn trong 3 năm...
Không rõ có bao nhiêu hộ gia đình Trung Quốc đã sử dụng cách ly hôn giả để đầu cơ bất động sản, nhưng các đại lý cho biết hiện tượng này đã trở nên phổ biến ở Thượng Hải, cũng như Hàng Châu, Nam Kinh và Thâm Quyến.
"Có rất nhiều trường hợp như vậy, đặc biệt là kể từ năm 2015. Một số nói với tôi về điều đó khi bắt đầu làm việc, trong khi những người khác không nói nhưng cuối cùng sẽ tiết lộ trong quá trình giao dịch", Wang Caihong, một đại lý bất động sản 15 năm tại Thượng Hải cho biết.
Xu Qingran là một trong những người may mắn. Người phụ nữ 39 tuổi này đã ly dị chồng vào tháng 9 năm ngoái và đã mua được ngôi nhà thứ 3 vào giữa tháng 1 - chỉ một tuần trước khi các quy định mới được công bố. Cô tái hôn với chồng ngay ngày hôm sau. "Tôi không thể diễn tả được tôi đã xúc động như thế nào. Nếu không nhờ sự quyết đoán của chồng tôi, có lẽ chúng tôi đã bỏ lỡ cơ hội", cô nói.
Xu và chồng muốn mua căn hộ vì có tiền tiết kiệm và tin rằng sẽ an toàn khi đầu tư bất động sản. "Mặt khác, một căn hộ ở khu dân cư tốt có thể đảm bảo một suất học tại một trường cấp hai mơ ước cho con gái tôi, hiện học lớp ba", cô nói.
Nhưng mua nhà ở Thượng Hải vào mùa thu năm ngoái nói dễ hơn làm. Ban đầu họ chọn một căn hộ hai phòng ngủ có giá 6,2 triệu tệ. Tuy nhiên, khi Xu mặc cả để có giá tốt hơn thì chỉ một ngày sau nó đã được bán với giá 6,4 triệu tệ. Sau trải nghiệm này vợ chồng cô quyết tâm hành động dứt khoát. "Chồng tôi nói lần tới tìm thấy một căn hộ trong ngân sách thì nên trả tiền đặt cọc và hoàn tất thương vụ ngay lập tức", Xu nói.
Ban đầu Xu giữ bí mật về việc ly hôn của mình vì "cảm thấy không hay ho" nhưng khi những người thân biết họ đánh giá đó là một quyết định thông minh. "Thành thật mà nói chuyện này quá phổ biến. Chúng tôi chỉ tình cờ bắt chuyến xe lửa cuối cùng", cô nói.
Vợ chồng Wu đã không may mắn như Xu. Họ quyết định phải có thêm bất động sản từ khi sinh con thứ hai năm 2017. Ở Trung Quốc, nam giới có nhà trước kết hôn là một lợi thế. "Có một gánh nặng rất lớn đối với bất kỳ gia đình nào có hai con trai. Chúng tôi phải chuẩn bị một căn hộ cho mỗi đứa khi chúng đến tuổi kết hôn", cô nói.
Vợ chồng Wu đã đặt cọc mua nhà vào năm 2018, nhưng họ thất bại bởi có hơn 3.000 hồ sơ mua trong khi có 400 căn hộ. Lần sau họ mua một căn đang xây dựng và lãi 3,6 triệu tệ khi bán lại căn hộ lúc hoàn thiện. Wu nói: "Tôi không nghĩ điều đó là trái đạo đức. Khá nhiều gia đình đã làm điều tương tự".
Vào một buổi sáng cuối tuần se lạnh của tháng 12, chỉ vài ngày sau khi hoàn tất thủ tục ly hôn, vợ chồng cô hòa vào dòng người xếp hàng dài chờ đến lượt rút thăm tại một công trường xây dựng mới ven sông ở Phố Đông. Gần 2.600 người đăng ký mua 200 căn hộ được chào bán.
Nhưng lần này họ không may mắn nằm trong số được mua. Vài tuần sau chính quyền thay đổi chính sách chĩa thẳng mũi nhọn vào các cặp ly hôn giả. "Chuyện ly hôn giả đã diễn ra trong nhiều năm, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ nó sẽ bị ngăn chặn chỉ trong một sớm một chiều", cô nói.
Giờ đây, những người ly hôn như Wu phải đối mặt với lựa chọn. Theo các quy định mới, các cặp sẽ đủ điều kiện để mua một căn hộ mới nếu ly hôn đủ 3 năm. Điều này có nghĩa, nếu Wu vẫn cố tình chờ có nhà, cô và chồng sẽ sống chung mà không có hôn thú thêm 2 năm 9 tháng nữa.
Vợ chồng Wu quyết định kết hôn lại. "Chúng tôi không biết giá thị trường sẽ như thế nào, hoặc chính quyền còn ra chính sách nào khác nữa, nên giờ chỉ cần tái hôn càng sớm càng tốt", cô nói.
Bảo Nhiên (Theo Sixthtone)