Các tài khoản mạng xã hội của Yang Li lập tức tràn ngập những lời nhục mạ. Nhiều người cáo buộc cô lăng mạ đàn ông chỉ để "thu hút sự chú ý", thậm chí có một số người còn báo cáo cô với chính quyền, tìm mọi cách để ngăn chặn cô xuất hiện trước công chúng.
Dịp Giáng sinh 2020, nữ diễn viên hài này lại chọc tức nam giới Trung Quốc thêm lần nữa: "Một người bạn nói với tôi rằng những câu nói đùa của tôi đang thách thức giới hạn chịu đựng của nam giới. Tôi cảm thấy sốc vì nam giới mà có giới hạn sao?".
Chu Yin, giáo sư luật đồng thời là nghệ sĩ hài ở Bắc Kinh là một trong số những nam giới đả kích Yang Li mạnh mẽ nhất. Trong các video, người đàn ông này gọi Li là cô gái "xấu xí khi không trang điểm". Sau đó, Yin còn đăng một bài dài trên mạng Weibo, cảnh cáo Yang rằng "tư tưởng phân biệt giới kiểu tư sản" của cô sẽ đe dọa tới sự đoàn kết của lực lượng lao động.
Cách Yang bị phản ứng là ví dụ điển hình cho dư luận Trung Quốc trước phong trào nữ quyền ở nước ngày ngày càng mạnh mẽ. Những người phản đối đã dùng từ "quả đấm đàn bà" (ý chỉ thứ yếu ớt, chỉ có hình thức và gần như vô dụng) để thay cho từ "nữ quyền" do cách phát âm của chúng gần giống nhau.
Những người có tư tưởng nữ quyền cho rằng phản ứng này của dư luận cho thấy xã hội Trung Quốc đang bị chia rẽ về vấn đề bình đẳng giới - vấn đề mới nổi lên vài năm nay. Dư luận Trung Quốc cách đây một thập kỉ gần như rất ít thảo luận về các vấn đề nữ quyền.
Năm 2011, nhà hoạt động vì nữ quyền Xiong Jing có hành động đầu tiên là lập tài khoản trên Weibo với tên gọi "Tiếng nói của nữ quyền", chủ yếu tạo sự kiện công chúng để thu hút sự chú ý của truyền thông nhằm khuyến khích dư luận thảo luận và có thể chuyển thành luật để bảo vệ phụ nữ.
Năm 2012, một sự kiện cấp cao được tổ chức với hai phụ nữ đeo mặt nạ xuất hiện ở trung tâm thành phố Thượng Hải mang theo tấm biển đề dòng chữ: "Kể cả tôi có thể ăn mặc hở hang thì bạn cũng không có quyền quấy rối tôi".
Đây là hành động nhằm đáp trả một tuyên bố trước đó của công ty tàu điện ngầm Thượng Hải, khi đăng tải bức ảnh một phụ nữ mặc váy xuyên thấu kèm cảnh báo: "Khi bạn đi tàu điện ngầm mà ăn mặc thế này, chẳng trách bạn bị quấy rối tình dục". Các nhà hoạt động nữ quyền cáo buộc công ty này có tư tưởng đổ lỗi cho nạn nhân.
"Những tiếng nói nữ quyền" đã đưa tin về sự kiện này và nhận được sự ủng hộ của 10.000 người. Bên cạnh sự ủng hộ, phong trào này cũng nhận không ít chỉ trích với khoảng 70% người dân không đồng tình. Họ cho rằng phụ nữ nên chịu trách nhiệm về trang phục của mình. Nhưng Xiong cho rằng: "Tuy vậy, chúng tôi cảm thấy người dân tranh luận về vấn đề này còn hơn là không có ai quan tâm".
Ở Trung Quốc, những cuộc thảo luận về nữ quyền xuất hiện ngày càng nhiều. Người dân bắt đầu đòi hỏi quyền bình đẳng giới trong việc tuyển dụng, phản đối bạo lực gia đình và thậm chí lên tiếng chỉ trích truyền thông tự dựng lên các câu chuyện liên quan đến giới tính.
Khi báo chí đăng tin "một phụ nữ bị bạn trai cũ sát hại vì đòi chia tay", một cư dân mạng giận dữ bình luận: "Trong vụ này, chỉ đơn giản là anh ta đã giết người, đừng giải thích thêm là do cô ấy đòi chia tay".
Cuối cùng, vào năm 2018, khi trên mạng xuất hiện những bài viết về tình trạng xâm hại tình dục, phong trào #Metoo bùng phát ở Trung Quốc. Cùng lúc đó, những người chê bai phong trào nữ quyền bắt đầu dành những từ ngữ xấu xa cho phong trào này.
Những người phản đối còn xúc phạm và bôi nhọ cá nhân các nhà hoạt động. Shaoxi, một blogger hoạt động vì nữ quyền, cho biết những người phản đối cô đã quấy rối gia đình cô. Còn cô thì thường xuyên bị chê bai hình thể. Một người phản đối còn vẽ bức tranh biếm họa cô là con heo. Tuy vậy, cô coi đây là điều khó tránh khỏi khi đấu tranh vì quyền lợi của phụ nữ.
"Khi bạn đấu tranh thúc đẩy nữ quyền ở một xã hội có tư tưởng phong kiến, điều đó động chạm tới lợi ích của nam giới vì thế chắc chắn bạn sẽ bị phản đối", cô nói.
Lu Pin, một nhà hoạt động nữ quyền sống tại Mỹ nhận xét, sự chia rẽ ở Trung Quốc về bình đẳng giới một phần là do không có một lực lượng nào đủ mạnh và có uy tín để đưa ra giải pháp, ví dụ như các chính sách công cho nam giới được nghỉ thai sản (khi vợ đẻ) và cũng phải thực hiện trách nhiệm của mình đối với gia đình.
Trên thực tế thì các chính sách của chính phủ đang gây thất vọng. Gần đây nhất là chính sách "30 ngày hòa giải" trước khi li hôn. Mục tiêu ban đầu của chính sách này là nhằm làm chậm các vụ li hôn, nhưng kết quả lại khiến các cặp đôi đổ xô làm thủ tục li hôn trước khi chính sách này có hiệu lực.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng đã kiểm duyệt trên quy mô rộng các vấn đề được cho là nhạy cảm. Tài khoản "Những tiếng nói nữ quyền" đã bị dừng hoạt động mà không có lời giải thích nào.
Nhưng Shaoxi lại cho rằng chính phản ứng của dư luận đối với phong trào nữ quyền lại là sự tiến bộ. "Trước đây, phụ nữ hay bị chèn ép nhưng ít khi lên tiếng phản đối. Hiện giờ chúng tôi không còn im lặng nữa", Shaoxi nói và cho rằng mâu thuẫn sẽ sản sinh ra tiến bộ.
Còn Xiong thì cho hay cô nhìn thấy hi vọng do có nhiều nam giới ủng hộ các sự kiện nữ quyền hơn cô tưởng tượng. "Khi một đề tài được dư luận chú ý, tất nhiên sẽ có những tiếng nói phản đối, nhưng đồng thời chúng tôi đang có ngày càng nhiều người ủng hộ", Xiong nói.
Khánh Ngọc (theo SCMP)