"Do tình hình an ninh Afghanistan đang xấu đi nhanh chóng, chúng tôi tạm thời đóng cửa đại sứ quán ở đó", Bộ Ngoại giao Nhật Bản hôm nay thông báo, cho hay đang chuyển nhiệm vụ của đại sứ quán tới một văn phòng ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. "12 nhân viên đại sứ quán còn lại đã được đưa khỏi sân bay Kabul trên chuyến bay quân sự do một quốc gia hữu nghị cung cấp và đã sơ tán tới Dubai".
Nhân viên đại sứ quán Ấn Độ, bao gồm đại sứ, cũng đang sơ tán khỏi thủ đô Kabul hôm nay, theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ. Canada hôm 15/8 thông báo tạm thời đóng cửa đại sứ quán và sơ tán nhân viên ngoại giao.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 16/8 tuyên bố đã đóng cửa an toàn đại sứ quán Mỹ tại Kabul và di tản nhân viên ngoại giao tới sân bay. Trong những ngày tới, Mỹ sẽ đưa hàng nghìn công dân Mỹ đang sinh sống và làm việc tại Afghanistan hồi hương, đồng thời hỗ trợ nhân viên dân sự làm việc cho các nước đồng minh của Mỹ vẫn đang phục vụ tại Afghanistan rời đi an toàn, theo thông cáo của Nhà Trắng.
Biden thông báo Chiến dịch Tị nạn Đồng minh mà ông tuyên bố hồi tháng 7 đã đưa 2.000 người Afghanistan đủ điều kiện xin Thị thực Nhập cư Đặc biệt (SIV) và gia đình tới Mỹ. Trong những ngày tới, quân đội Mỹ sẽ hỗ trợ di chuyển nhiều người Afghanistan và gia đình có SIV rời khỏi đất nước, cũng như hỗ trợ đồng minh.
Anh đã chuyển đại sứ quán tới sân bay Kabul từ nội đô. Khi được hỏi cảm thấy thế nào khi nhìn thấy cờ Taliban tung bay trên nóc tòa nhà từng là đại sứ quán Anh tại Kabul, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hôm 16/8 cho hay "Đó không còn là đại sứ quán nữa, chúng tôi đã bỏ lại nó, bây giờ nó chỉ là một tòa nhà".
"Chắc chắn không ai trong chúng ta mong muốn điều này", ông nói thêm, cho biết hiện chưa phải thời điểm thích hợp để quyết định công nhận Taliban có phải là chính phủ Afghanistan hay không.
Pháp và Đức hôm 15/8 cũng thông báo chuyển đại sứ quán tới địa điểm gần sân bay Kabul để xử lý thị thực sau khi rời bỏ tòa nhà đại sứ quán trong thành phố. Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy đã tuyên bố đóng cửa đại sứ quán và đưa mọi nhân viên ngoại giao hồi hương. Nhiều nước phương Tây khác như Thụy Sĩ, Bỉ, Australia, cũng đang sơ tán công dân và nhân viên ngoại giao.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm 15/8 thông báo đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Kabul vẫn tiếp tục hoạt động. "Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ muốn rời khỏi Afghanistan. Đại sứ quán tại Kabul vẫn tiếp tục hoạt động", Cavusoglu nói.
Arab Saudi hôm 15/8 thông báo đã sơ tán mọi nhân viên ngoại giao tại Kabul, khi Taliban tiến vào thành phố. "Tất cả thành viên đại sứ quán của vương quốc ở thủ đô Kabul của Afghanistan đã được sơ tán và đã về tới nhà", hãng thông tấn nhà nước SPA đưa tin.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Kabul vẫn hoạt động bình thường. Cơ quan ngoại giao Trung Quốc tại Afghanistan hôm 15/8 cảnh báo tình hình an ninh phức tạp ở Kabul, nhắc nhở công dân chú ý và tăng cường tự bảo vệ, không nên ra ngoài, đồng thời yêu cầu các bên tại Afghanistan đảm bảo an ninh cho người dân, thể chế và lợi ích của Trung Quốc tại Afghanistan.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga hôm 16/8 thông báo phía Nga đang thiết lập các kênh tiếp xúc với đại diện cơ quan chức năng mới của Afghanistan để đảm bảo cho sự an toàn của đại sứ quán Nga tại Kabul, đồng thời khẳng định tình hình ở Kabul đang ổn định, kêu gọi các bên kiềm chế bạo lực.
Hồng Hạnh (Theo Reuters/Global Times)