Hàng ngày, cứ 6h45 sáng là tôi chở con gái nhỏ đến trường sau đó đi làm. Vì đường Hà Nội rất tắc đường, thời gian di chuyển trên đường rất lâu nên tôi luôn ở lại trường (tôi đi dạy) buổi trưa không về nhà, đến 17h chiều hết giờ mới về trường đón con về nhà.
Nếu lịch nghỉ Tết của con dài hơn thời gian tôi được nghỉ Tết thì tôi không thể nghỉ làm để ở nhà nấu cơm buổi trưa cho con và chơi với con. Tôi sẽ phải gửi con gái sang nhà ông bà ngoại để ông bà nấu cơm cho con ăn và chơi với cháu. Tôi may mắn ở gần nhà ông bà ngoại để có thể gửi con. Nhưng nhiều phụ huynh khác không may mắn như vậy.
Cứ đến dịp nghỉ Tết khi bố mẹ đã đi làm nhưng con chưa phải đi học, một số đồng nghiệp của tôi phải dẫn con lên cơ quan cùng bố mẹ cả ngày. Thực sự, cảm thấy rất phiền cho chính bố mẹ khi làm việc không tập trung, một lúc lại phải để ý xem con đang chơi cái gì.
Có người cho con trai ngồi chơi game ở máy tính, điện thoại. Có người trải chiếu cho con gái ngồi chơi đồ chơi. Nhưng ngồi một lúc là các cháu chán chạy nhảy linh tinh làm ảnh hưởng đến mọi người. Nhiều năm nay mọi người đều rơi vào cảnh này, đến hẹn lại lên nhưng cũng không có cách nào ổn thỏa, như thể là sống chung với lũ, nhắm mắt chờ ngày trôi qua.
Chưa kể, việc dẫn con lên cơ quan làm ảnh hưởng đến những người đồng nghiệp xung quanh không tập trung làm việc được. Nhưng vì hoàn cảnh không thể gửi con cho ai trông nên mới đành phải dẫn con lên cơ quan, mọi người cũng phải thông cảm.
Năm nào cũng tình cảnh con nghỉ Tết dài, bố mẹ đi làm sớm nhưng mỗi năm một kiểu ứng phó, không có cách nào cố định được. Nhà thì dùng cách đưa con đến công sở, nhà lại thay nhau xin nghỉ để ở nhà trông con.
Lúc này, có bao nhiêu cách thức là các ông bố bà mẹ lôi ra hết. Kể cả những cách vô cùng tiêu cực và tiềm ẩn các nguy hiểm như để con chơi điện thoại, máy tính, khóa trái con trong nhà... để đi làm.
Nếu như đối với con nhỏ, điều phụ huynh bận tâm nhất là không có người trông con thì với trẻ ở bậc học lớn hơn, bố mẹ mang nhiều nỗi lo không kém khi con được nghỉ học, thiếu những hoạt động cố định.
Trong khi, ở độ tuổi này các em đã có thể chủ động tham gia vào nhiều hoạt động bên ngoài chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào bố mẹ nên nỗi lo ngày của phụ huynh càng nhân lên.
Nếu thời gian nghỉ Tết của học sinh kéo dài hơn, tôi e ngại cha mẹ có con ở độ tuổi mẫu giáo, tiểu học sẽ gặp khó trong việc gửi con.
Về mặt tâm lý, thực tế sau kỳ nghỉ dài nghe đến việc sắp phải đi học, nhiều đứa trẻ ở bậc mầm non, tiểu học sẽ không muốn đến trường. Học sinh ở bậc lớn hơn cũng uể oải, có tâm lý ngại học. Đây là tâm lý rất thường tình. Với các con học sinh sẽ dễ rơi vào tình trạng xao nhãng, mất tập trung trong học tập.
Học sinh được quay lại trường sớm sau kỳ nghỉ Tết thì các con sẽ có thời gian để bắt nhịp lại việc học, tiếp thu kiến thức nhanh hơn, tăng thời gian gắn kết, giao lưu với bạn bè, thầy cô.
Việc học trò nghỉ Tết dài là điệp khúc năm nào cũng diễn ra nhưng do không có những phương án cố định nên bố mẹ vẫn hết sức bị động khi vừa đi làm vừa canh con.
Chính vì vậy, tôi rất mong muốn Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước cũng thống nhất chung lịch nghỉ Tết giống nhau, lịch nghỉ Tết của con cũng giống lịch nghỉ Tết của bố mẹ để phụ huynh không phải khổ sở tìm các phương án vừa đi làm vừa quản con như những năm qua.