"Chúng tôi có thể thực hiện điều đó vào nửa đầu năm nay", một quan chức thuộc Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine (GUR) ngày 3/4 cho biết, đồng thời khẳng định họ đã có gần đủ phương tiện cần thiết để thực hiện mục tiêu này.
GUR từng hai lần tiến hành các cuộc tập kích vào cầu Crimea nối bán đảo cùng tên với lục địa Nga, nhưng chỉ phá hủy được một làn đường và Nga nhanh chóng khắc phục để nối lại lưu thông sau đó. Các quan chức GUR cho hay cơ quan này đang lên kế hoạch tấn công lần ba và tuyên bố việc đánh sập cầu Crimea là "điều không thể tránh khỏi".
Tình báo quân đội Ukraine không nói rõ họ sẽ tập kích cầu Crimea bằng loại vũ khí nào. Sau các vụ nổ làm cầu Crimea hư hại, Nga triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ công trình, như tăng cường lưới phòng không trong khu vực và triển khai sà lan mồi nhử đánh lạc hướng các quả đạn đang bay tới.
Các quan chức Ukraine từng nhận định vũ khí của phương Tây sẽ giúp nước này đánh sập cầu Crimea nhanh hơn. Tổng thống Volodymyr Zelensky nhiều lần đề nghị Đức cung cấp tên lửa tầm xa Taurus song chưa được đáp ứng. Trong cuộc họp của quân đội Đức bị Nga chặn thu, các tướng không quân Đức ước tính cần 10-20 tên lửa Taurus để đánh sập cầu Crimea.
Ukraine trong 5 tháng qua tuyên bố đánh chìm 7 chiến hạm thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga, trong số này có tàu tuần tra Sergey Kotov bị tấn công ở phía nam cầu Crimea. Các quan chức Ukraine cho biết đây là hoạt động định hình chiến trường trước đợt tấn công khác trên biển của lực lượng nước này.
Cầu Crimea bị tấn công lần đầu bằng quả bom giấu trong xe tải hồi tháng 10/2022, khiến một số dầm cầu bị sập. Vụ tập kích thứ hai bằng xuồng tự sát của Ukraine hồi tháng 7/2022 khiến một số nhịp trên làn đường bộ của cầu Crimea bị sập, nhưng làn còn lại và cầu đường sắt chạy song song vẫn nguyên vẹn.
Nếu cầu Crimea hư hỏng vĩnh viễn, Nga sẽ buộc phải chuyển vật tư quân sự thông qua hành lang trên bộ ven Biển Đen nối khu vực phía tây nước này với bán đảo Crimea. Các quan chức Ukraine cho rằng điều này sẽ làm suy giảm đáng kể năng lực tiến công trên bộ của lực lượng Nga.
Thiếu tướng Vadym Skybytskyi, phó tổng cục trưởng GUR, thừa nhận Ukraine không thể chiến thắng trên chiến trường, do nước này thiếu nghiêm trọng đạn dược và tiêm kích, còn Nga chiếm ưu thế về hỏa lực và nhân sự.
Tướng Skybytskyi nói Ukraine "không có lựa chọn nào khác" ngoài tập kích mục tiêu nằm sâu trong hậu phương Nga như hạ tầng quân sự, trung tâm chỉ huy và kiểm soát, cơ sở chế tạo vũ khí và đạn dược. Ông cho hay Ukraine đang dùng mô hình tiêu chuẩn của NATO, trong đó lựa chọn cẩn thận và tập kích mục tiêu giá trị cao để đạt kết quả vượt trội.
GUR trong những tháng qua nhiều lần tấn công các cơ sở dầu khí nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Trong đòn tập kích mới nhất, các UAV của Ukraine đã lao xuống nhà máy, cơ sở dầu khí Nga ở Tatarstan, cách biên giới khoảng 1.000 km.
Nguyễn Tiến (Theo Guardian, AFP, Reuters)