Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (ODNI) hôm 26/2 công bố bản báo cáo được chờ đợi từ lâu về những người Arab Saudi liên quan tới cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi. Bản báo cáo ban đầu gồm 21 người trong danh sách "đã tham gia, ra lệnh hoặc đồng lõa, chịu trách nhiệm cho cái chết của Jamal Khashoggi".
Tuy nhiên, bản báo cáo này sau đó bị ODNI gỡ xuống mà không có lời giải thích và nhanh chóng được thay thế bằng phiên bản khác đã xóa tên ba người trong danh sách liên quan cái chết của Khashoggi.
Sự thay đổi "âm thầm" của ODNI khi ấy dường như không bị chú ý vì làn sóng phản đối đang nhắm vào Tổng thống Joe Biden khi chính quyền ông quyết định không trừng phạt trực tiếp Thái tử Arab Saudi Mohammed, dù tình báo Mỹ cho rằng Thái tử đã phê chuẩn kế hoạch sát hại Khashoggi.
ODNI đã từ chối giải thích tại sao ba cái tên bị xóa lại xuất hiện trong danh sách ban đầu và liệu họ có thể đã đóng vai trò nào trong cái chết của nhà báo Khashoggi.
"Chúng tôi đã công bố một tài liệu chỉnh sửa lên trang web do tài liệu ban đầu có ba cái tên đáng lẽ không nên đưa vào", người phát ngôn của ODNI nói, từ chối tiết lộ thêm thông tin.
Trong số ba cái tên bị loại khỏi báo cáo của ODNI có Abdulla Mohammed Alhoeriny, người chưa từng được cho là có liên quan cái chết của Khashoggi. Theo nguồn thạo tin của tình báo Arab Saudi, đây là anh trai của tướng Abdulaziz bin Mohammed al-Howraini, quan chức giám sát nhiều cơ quan tình báo và chống khủng bố ở nước này.
Hai cái tên khác bị xóa khỏi báo cáo của tình báo Mỹ là Yasir Khalid Alsalem và Ibrahim al-Salim, song chưa có thông tin về hai người này.
Bộ Tài chính Mỹ trước đó đã trừng phạt 17 người Arab Saudi liên quan cái chết của Khashoggi. Người thứ 18 và "Biệt đội Hổ", đơn vị tinh nhuệ được cho là lực lượng bảo vệ Thái tử và "chỉ làm việc theo lệnh của Thái tử", cũng bị bổ sung vào danh sách trừng phạt hôm 26/2.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thông báo áp lệnh cấm nhập cảnh với 76 người Arab Saudi không nêu tên theo "Đạo luật Khashoggi".
Chính phủ Arab Saudi đã chỉ trích báo của ODNI, cho rằng đây những đánh giá "tiêu cực, sai lầm và không thể chấp nhận được trong một báo cáo liên quan đến lãnh đạo Arab Saudi".
Nhà báo Khashoggi bị giết và chặt xác trong lãnh sự quán Arab Saudi tại Istanbul. Thi thể của nhà báo này đến nay vẫn chưa được tìm thấy. Thái tử Arab Saudi nhận trách nhiệm chung với tư cách lãnh đạo đất nước, nhưng phủ nhận liên quan về mặt cá nhân.
Tình báo Mỹ đã nhận định với ảnh hưởng của Thái tử, "rất khó xảy ra" vụ giết người nếu ông không "bật đèn xanh", song chính phủ nước này không nhắm trừng phạt trực tiếp vào Thái tử với lý do "không có tiền lệ trừng phạt lãnh đạo cấp cao của quốc gia đồng minh".
Ngọc Ánh (Theo CNN)