Tình báo Mỹ gần như đã ngừng theo dõi lực lượng Hamas và các tổ chức Hồi giáo Palestine khác từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, để giành nguồn lực săn tìm thành viên cấp cao của al-Qaeda, thủ phạm vụ tấn công, và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), WSJ hôm 1/11 dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết.
Theo các quan chức, với đánh giá rằng Hamas chưa từng đe dọa trực tiếp Mỹ, Washington không đặt việc giám sát lực lượng này là ưu tiên hàng đầu. Họ tin rằng mạng lưới tình báo rộng lớn của Israel có thể phát hiện bất kỳ mối đe dọa nào từ Dải Gaza. "Đây đáng lẽ phải là một ván cược đúng đắn", một quan chức cấp cao về chống khủng bố của Mỹ nhận định.
Thực tế diễn ra không như kỳ vọng của Mỹ, khi tình báo Israel không thể phát hiện kế hoạch tập kích hiệp đồng hôm 7/10 của Hamas, dù nhóm này được cho là đã âm thuần chuẩn bị cho cuộc tấn công trong hai năm qua, ngay trước mắt Tel Aviv.
Cuộc tập kích không chỉ gây thiệt hại lớn cho Israel, mà còn khiến Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hơn 30 công dân nước này đã thiệt mạng và khoảng 10 người mất tích sau sự việc, nhiều khả năng bị Hamas giam ở Dải Gaza.
Các nguồn tin từ chính phủ Mỹ cho biết giới tình báo nước này, đặc biệt là Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), vẫn có đội ngũ phân tích viên chuyên theo dõi các sự kiện ở Dải Gaza trước vụ tấn công hôm 7/10. Tuy nhiên, các hoạt động tình báo cấp cao hơn, như cử đặc tình thâm nhập hàng ngũ Hamas hay nghe lén đối phương, đều do phía Israel đảm nhiệm.
"Thất bại về mặt tình báo này chủ yếu là lỗi của Israel, song chúng ta cũng nên chia sẻ một phần trách nhiệm", Marc Polymeropoulos, cựu quan chức tình báo cấp của CIA, nhận định. "Việc dựa dẫm vào Israel có vẻ đã gây ra hậu quả".
Sau khi xung đột Hamas - Israel leo thang thành chiến tranh, Washington tích cực chuyển giao vũ khí, đạn dược cho Tel Aviv, điều tàu chiến đến Địa Trung Hải để ngăn các lực lượng thân Hamas tập kích đồng minh.
Một quan chức Lầu Năm Góc ngày 1/11 tiết lộ Mỹ đã điều lực lượng đặc nhiệm tới Israel để hỗ trợ nỗ lực tìm kiếm con tin ở Dải Gaza. Không rõ liệu đặc nhiệm Mỹ có tham gia chiến dịch giải cứu nữ hạ sĩ Israel Ori Megidish hôm 30/10 hay không.
Phạm Giang (Theo WSJ, Times of Israel)