Trong cuộc điện đàm gần đây với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất gửi sĩ quan huấn luyện phương Tây đến Ukraine để đào tạo tại chỗ cho các binh sĩ nước này đối phó chiến dịch tấn công của Nga.
Dù hai lãnh đạo có mối quan hệ cá nhân rất gắn bó, ông Biden đã không ủng hộ ý tưởng của ông Macron. Theo hai nguồn tin am hiểu vấn đề, Tổng thống Mỹ bày tỏ lo ngại về hậu quả tiềm tàng của việc gửi quân từ bất kỳ quốc gia nào thuộc NATO đến một nơi mà họ có thể phải chịu thương vong và khiến nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga leo thang.
Cuộc gọi kết thúc mà hai bên không đạt được giải pháp nào. Nhưng đối với lãnh đạo Mỹ - Pháp, điều đó là bình thường.
Tổng thống Biden và Macron không có cùng quan điểm trong một số vấn đề quan trọng. Macron đã thể hiện ông là người ủng hộ mạnh mẽ khả năng tự cường và quyền tự quyết của châu Âu. Nhà Trắng coi ông là một chính trị gia khó lường, thậm chí lo ngại về những đề xuất chính sách mà Macron đưa ra liên quan đến chiến sự Ukraine.
Nhưng bất chấp những khác biệt như vậy cũng như cách biệt tuổi tác lên đến 35 tuổi, hai lãnh đạo vẫn tin tưởng lẫn nhau theo những cách riêng.
Các trợ lý cho hay mối quan hệ của hai lãnh đạo vẫn rất nồng ấm. Việc Tổng thống Biden nhận lời mời thăm chính thức Pháp trong tuần này, giữa thời điểm bận rộn của năm bầu cử, đã "nói lên nhiều điều" về sự tôn trọng của ông dành cho người đồng cấp Pháp, một cựu quan chức chính quyền Mỹ nhận xét.
Tổng thống Macron vài năm trở lại đây cho thấy ông là một trong những lãnh đạo khu vực thẳng thắn nhất về quan điểm châu Âu cần "quyền tự chủ chiến lược" và giảm phụ thuộc vào Mỹ trong nỗ lực đảm bảo an ninh tập thể.
"Mỹ có hai ưu tiên: Mỹ và sau đó là vấn đề Trung Quốc", ông Macron nói trong bài phát biểu tại Đại học Sorbonne ở Paris hồi tháng 4. Tổng thống Pháp tuyên bố châu Âu đang đứng trước ngưỡng cửa "sinh tử", cảnh báo rằng "châu Âu có thể chết và liệu điều đó có thực sự xảy ra hay không hoàn toàn phụ thuộc vào lựa chọn của chúng ta".
Nhiều nhà quan sát coi giọng điệu lo lắng trong bài phát biểu là một nỗ lực nhằm thổi thêm sức sống vào vị thế chính trị của chính ông Macron. Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu ngày 9/6 cho thấy liên minh trung dung do Tổng thống Pháp dẫn dắt đã thất thế trước phe cực hữu Pháp, buộc ông Macron phải tuyên bố giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm, với hy vọng sẽ chặn được đà trỗi dậy của đảng cực hữu đối lập.
Trước đó một ngày, ông Macron chủ trì lễ đón ông Biden tại Điện Élysée, nơi Tổng thống Mỹ đánh giá cao mối quan hệ với người đồng cấp Pháp cũng như hợp tác giữa hai nước.
"Chúng ta đã cho thế giới thấy sức mạnh của quan hệ đồng minh, về thành tựu chúng ta có thể đạt được khi sát cánh cùng nhau. Đó cũng chính là điển hình cho mối quan hệ giữa Pháp và Mỹ", ông Biden nói.
"Macron tiếp đón Biden vào thời điểm mà ông ấy không được lòng nhiều người dân đất nước và Tổng thống Pháp đang cố gắng tìm ra thông điệp phản ánh di sản của mình", Ian Bremmer, chủ tịch Nhóm Á - Âu, tổ chức đánh giá rủi ro toàn cầu, trụ sở ở New York, nhận định. "Ông ấy ngày càng quyết liệt hơn vì ông ấy đang lo lắng".
Nhưng chuyến thăm của Tổng thống Mỹ còn diễn ra trong một bối cảnh khác lớn hơn ngoài cuộc bầu cử nghị viện châu Âu. Đó là viễn cảnh ông Biden sẽ thất bại trước đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11.
Tổng thống Macron lâu nay vẫn tích cực thúc đẩy châu Âu thực hiện việc phòng thủ tập thể một cách nghiêm túc hơn, nhằm chuẩn bị cho kịch bản Trump trở lại Nhà Trắng. Ông cũng cố gắng khẳng định mình là lãnh đạo dẫn dắt châu Âu, vai trò mà cựu thủ tướng Đức Angela Merkel từng đảm nhận.
"Không phải tất cả các lãnh đạo châu Âu đều sẵn sàng nói về sự suy giảm khả năng lãnh đạo của Mỹ vì họ sợ nó trở thành sự thật", Camille Grand, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho biết. "Mỹ đang bị phân cực, như chúng ta đã thấy với sự chậm trễ của gói viện trợ bổ sung cho Ukraine. Trung Quốc hiện là ưu tiên an ninh hàng đầu của Mỹ, nên cam kết của Washington đối với châu Âu nhiều khả năng sẽ suy giảm".
Các trợ lý cho Tổng thống Biden nói rằng lời kêu gọi từ Tổng thống Macron về một châu Âu mạnh mẽ hơn phù hợp với tầm nhìn của chính ông chủ Nhà Trắng về liên minh xuyên Đại Tây Dương khi họ phải thích ứng với môi trường an ninh bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine.
John Kirby, điều phối viên truyền thông Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, cho hay hai lãnh đạo "dường như thực sự đồng thuận trước những vấn đề lớn".
"Tổng thống Biden tôn trọng và đánh giá cao việc người đồng cấp Pháp bày tỏ quan điểm. Tổng thống thích việc ông ấy sẵn sàng thẳng thắn, trực diện và không e ngại trong các đánh giá của mình", Kirby nói thêm.
Theo ba quan chức chính quyền Mỹ, vào đầu năm 2022, khi lo ngại Nga tấn công Ukraine ngày càng gia tăng, Tổng thống Macron đã thuyết phục Tổng thống Biden và các đồng minh NATO khác rằng ông có thể khuyên can lãnh đạo Nga suy nghĩ lại.
Chính quyền Biden tiến hành nỗ lực ngoại giao với Nga, với hy vọng căng thẳng có thể được giải quyết trên bàn đàm phán trước khi giao tranh nổ ra, song rất ít quan chức tin rằng các cuộc đàm phán sẽ ngăn chặn được chiến dịch quân sự của Tổng thống Vladimir Putin.
Tuy nhiên, Nhà Trắng vẫn thoải mái khi để Tổng thống Pháp thử đàm phán với Putin, dù họ rất hoài nghi về khả năng thành công.
"Quan điểm của chúng tôi là chúng tôi không muốn phải hối tiếc bất kỳ điều gì", Eric Green, cựu giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia của chính quyền Biden về Nga, cho hay.
Green mô tả Tổng thống Macron là "một người có cá tính độc đáo và tràn đầy năng lượng", dù vậy, đôi khi lãnh đạo Pháp vẫn gây mất lòng Washington bằng những tuyên bố và hành động gây sốc của mình.
Năm 2019, ông nói rằng NATO, liên minh do Mỹ dẫn dắt, đang "chết não". Năm ngoái, ông nói với các phóng viên trên chuyến bay trở về từ Trung Quốc rằng Pháp và các đồng minh NATO khác không nên "mù quáng" tuân theo chính sách Trung Quốc của Mỹ. Sau đó, ông đã tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Paris.
Quan hệ Mỹ - Pháp gặp sóng gió nghiêm trọng vào năm 2021 với thỏa thuận AUKUS, theo đó Australia rút khỏi thỏa thuận mua tàu ngầm hạt nhân từ Pháp để tham gia một thỏa thuận mới với Anh và Mỹ. Ngoại trưởng Pháp lúc bấy giờ đã chỉ trích gay gắt thỏa thuận này khi nó có thể khiến Paris thiệt hại 65 tỷ USD. Ông cáo buộc Australia "đâm sau lưng" Pháp và "quyết định đơn phương và tàn bạo của chính quyền Biden rất giống với những gì ông Trump sẽ làm".
Một quan chức Mỹ giấu tên mô tả "đó là khoảng thời gian khủng khiếp" khi Pháp "nhất quyết không cho qua chuyện". Mối quan hệ hai nước "rơi xuống mức rất thấp", ông nói thêm.
"Có khá nhiều thời khắc căng thẳng", Christopher Weissberg, thành viên quốc hội đại diện cho công dân Pháp tại Mỹ, cho biết. "Khi Tổng thống Pháp trở về từ Bắc Kinh và nói rằng châu Âu nên có chính sách riêng với Trung Quốc, ông thực sự đã khiến người Mỹ cảm thấy bị xúc phạm. Chúng tôi có lợi ích kinh tế của riêng mình, họ hiểu rất rõ điều đó, nhưng chúng ta cần thống nhất về các vấn đề an ninh".
Trong khi Tổng thống Biden có thể khiến Tổng thống Macron mất lòng với thỏa thuận AUKUS, lãnh đạo Pháp đôi khi lại khiến ông chủ Nhà Trắng lâm vào thế khó với những tuyên bố ủng hộ các động thái táo bạo hơn của Ukraine khi đối đầu Nga, điều Mỹ luôn muốn tránh nhằm hạn chế nguy cơ xung đột lan rộng, theo giới quan sát.
Ông Macron đang vận động gửi quân NATO tới Ukraine để huấn luyện lực lượng Kiev, điều có thể khiến Moskva thêm tức giận. Tổng thống Pháp còn đặt câu hỏi tại sao NATO lại loại trừ hoàn toàn khả năng can dự quân sự trực tiếp vào Ukraine, bất chấp lo ngại điều này sẽ khiến cuộc xung đột leo thang, dẫn đến những tổn thất nặng nề hơn.
Tổng thống Macron cũng tỏ ra hoài nghi về một số tuyên bố chính sách của Tổng thống Biden. Ông chủ Nhà Trắng từng kể lại việc lãnh đạo Pháp, trong một cuộc gặp giữa hai người vào năm 2021, đã thể hiện nghi ngờ với lời cam kết rằng "Mỹ sẽ trở lại" bằng câu hỏi "Trong bao lâu?".
"Ông Macron không bao giờ tin vào khẩu hiệu 'nước Mỹ đã trở lại'", Mathieu Droin, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở ở Washington, bình luận. "Ông ấy có lẽ sáng suốt hơn hầu hết các lãnh đạo châu Âu về những thay đổi lớn mà Mỹ đang trải qua".
Nhưng Tổng thống Biden vẫn thường không phật ý trước những lời chỉ trích gay gắt và nỗ lực ngày càng quyết liệt của Tổng thống Pháp để khẳng định vị thế trung tâm của Paris trên chính trường thế giới. Nhà Trắng vẫn luôn tin tưởng rằng ông Macron sẽ đứng về phía họ, bình luận viên Eli Stokols từ Politico đánh giá.
"Họ tự tin rằng với năng lực quân sự chưa từng có và vai trò to lớn của Mỹ trong các vấn đề thế giới, mọi nỗ lực của Tổng thống Macron hay các lãnh đạo khác nhằm thoát ảnh hưởng Mỹ đều chỉ như muối bỏ bể", Stokols nói.
Vũ Hoàng (Theo Politico, AFP, Reuters)