Tại Nga, nơi mối quan hệ tốt đẹp giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan được coi là mang giá trị địa chính trị quan trọng, lo ngại về nguy cơ Ankara xoay trục sang phương Tây đang lớn dần.
Thay đổi trong thái độ của ông Erdogan được thể hiện rõ khi Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đón tiếp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong chuyến thăm đầu tiên kể từ khi xung đột với Nga nổ ra. Trong cuộc gặp ông Zelensky, Tổng thống Erdogan ca ngợi tình hữu nghị giữa hai quốc gia, bày tỏ ủng hộ với nền độc lập của Ukraine và nói rằng Kiev xứng đáng là thành viên NATO.
Tới ngày 10/7, ông Erdogan tiếp tục giáng đòn chiến lược vào Nga khi từ bỏ lập trường phản đối Thụy Điển gia nhập NATO ngay trước ngày khai mạc hội nghị thượng đỉnh của liên minh ở Litva. Trong khi đó, Nga luôn xem ngăn NATO mở rộng về phía đông là trọng tâm trong chính sách an ninh của mình.
Những động thái thể hiện sự gần gũi và hợp tác hơn với phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu chiến dịch ở Ukraine có đang làm suy yếu một trong những mối quan hệ có giá trị nhất của Moskva hay không.
Mối quan hệ thân thiết giữa ông Putin và ông Erdogan đã góp phần giúp Nga đối phó với các đòn trừng phạt liên tiếp của phương Tây. Điện Kremlin cũng coi đây là bằng chứng cho thấy Tổng thống Putin vẫn duy trì ảnh hưởng toàn cầu với những người bạn có ảnh hưởng lớn.
Khi ông Putin đối mặt cuộc nổi loạn của Wagner tháng trước, ông Erdogan đã gọi điện để bày tỏ "ủng hộ hoàn toàn" với lãnh đạo Nga, theo Điện Kremlin. Hồi tháng 5, lãnh đạo Nga cũng nhanh chóng chúc mừng ông Erdogan sau chiến thắng bầu cử, gọi lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là "bạn thân".
Song tình bạn này gần đây liên tục hứng sóng gió. Trong chuyến thăm của Tổng thống Zelensky cuối tuần trước, ông Erdogan cũng quyết định phóng thích 5 chỉ huy tiểu đoàn Azov, lực lượng Ukraine đã chiến đấu ở thành phố Mariupol năm ngoái. Động thái này vấp phải chỉ trích gay gắt từ Điện Kremlin, khi Viktor Bondarev, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Thượng viện Nga, cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ "đâm sau lưng".
Sự phẫn nộ của Nga tiếp tục tăng lên với những động thái ủng hộ Ukraine khác của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Zelensky và ông Erdogan đã ký thỏa thuận hợp tác về công nghiệp chiến lược, trong đó có sản xuất máy bay không người lái (UAV). Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược Ukraine ngày 10/7 xác nhận công ty quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Baykar bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất UAV Bayraktar ở Ukraine.
"Thổ Nhĩ Kỳ đang dần dần chuyển từ quốc gia trung lập thành nước không thân thiện", thượng nghị sĩ Nga Bondarev phàn nàn về những động thái gần đây của Ankara.
Nhà phân tích Nga Sergei Markov nói rằng quyết định trao trả các chỉ huy tiểu đoàn Azov cho Ukraine của ông Erdogan đã "gây chấn động khắp nước Nga", bởi Moskva xem tiểu đoàn này là "biểu tượng cho chủ nghĩa phát xít mới của Ukraine và tội ác chiến tranh với người dân Nga".
Markov thêm rằng mối quan hệ thực dụng giữa Moskva và Ankara nhiều khả năng sẽ không đứt đoạn sau sự việc này, "nhưng không còn sự tin tưởng giữa hai lãnh đạo".
Sự khó chịu của Điện Kremlin về quyết định thả tù nhân là phản ứng công khai mạnh mẽ nhất. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố đây là hành động vi phạm thỏa thuận trao đổi tù nhân, cho hay Nga đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ giải thích trong cuộc điện đàm giữa ngoại trưởng hai nước vào ngày 9/7.
Song điều đáng lo ngại hơn đối với Moskva là bình luận gần đây của người phát ngôn Bộ Tổng tham mưu Ukraine Oleksiy Gromov, rằng Kiev đang mong đợi nhận pháo tự hành T-155 Firtina từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara chưa xác nhận thông tin này.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp pháo tự hành T-155 Firtina cho Ukraine, "điều này đồng nghĩa thay đổi về chất đã diễn ra trong chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới xung đột Nga - Ukraine", theo bài xã luận trên báo Nezavisimaya Gazeta của Nga.
Ông Peskov đã tìm cách giảm nhẹ nỗi thất vọng của Moskva khi Ankara ủng hộ Thụy Điển gia nhập, nói rằng Nga hiểu nghĩa vụ của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO.
"Đây chưa bao giờ là bí mật giữa chúng tôi. Chúng tôi chưa từng nhìn nhận quá lạc quan về vấn đề này", ông nói ngày 11/7. Peskov thêm rằng Nga sẽ tiếp tục theo đuổi các lợi ích chung quan trọng với cả hai nước.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga từng ở hai phía đối lập trong cuộc xung đột Syria và Libya, song mối quan hệ hai nước vẫn rất gần gũi ngay cả khi căng thẳng giữa Moskva và NATO leo thang.
Tầm quan trọng của mối quan hệ song phương được thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga, tăng vọt từ 2,6 tỷ USD trong nửa đầu năm ngoái lên 4,9 tỷ USD trong cùng kỳ năm nay. Nhập khẩu dầu Nga cũng tăng mạnh trong năm 2022. Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga.
Trước cuộc bầu cử hồi tháng 5, ông Erdogan đã nhận được giúp đỡ từ Moskva để đối phó với thách thức trong nước, khi tập đoàn khí đốt nhà nước Nga Gazprom hoãn khoản thanh toán 600 triệu USD cho Ankara tới năm 2024.
Tuy nhiên, quan hệ với Nga dường như không đủ để giúp Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục các vấn đề của nền kinh tế đang bên bờ vực khủng hoảng. Bất chấp thương mại với Nga tăng, xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 6 giảm 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái, về mức 20,9 tỷ USD, theo số liệu của chính phủ.
Thực tế này có thể là động lực thúc đẩy ông Erdogan tìm cách theo đuổi quan hệ tốt đẹp hơn với phương Tây. Ngày 10/7, ông kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) "mở đường" cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối, sau khi đơn xin gia nhập khối này bị đình trệ từ năm 2019.
Evren Balta, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Ozyegin ở Istanbul, cho rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ đang xoay trục hoàn toàn sang phương Tây. Chuyên gia này nhận định những động thái gần đây của Tổng thống Erdogan có thể là tính toán mang tính thực tế nhằm thích nghi với hoàn cảnh thay đổi, bao gồm nhu cầu thu hút đầu tư khi đất nước vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế.
Thổ Nhĩ Kỳ đã "bình thường hóa" chính sách đối ngoại trong nhiều năm, tiếp cận các đối thủ như Hy Lạp, Israel và nhiều quốc gia vùng Vịnh, theo bà Balta. Thổ Nhĩ Kỳ hiện tìm cách thúc đẩy thương vụ trị giá 20 tỷ USD mua tiêm kích F-16 của Mỹ, vốn được coi là động lực chính để ông Erdogan từ bỏ phản đối Thụy Điển gia nhập NATO.
Tuy nhiên, Timur Kuran, nhà kinh tế và khoa học chính trị tại Đại học Duke, nói rằng "những động thái thay đổi nhanh chóng của ông Erdogan nhằm đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở lại với phương Tây" có thể báo hiệu giai đoạn xa rời Nga.
"Sự xoay trục này có thể mang tính chiến thuật, vì quan điểm thù địch với phương Tây của ông ấy là điều ai cũng biết", Kuran viết trên Twitter, song thêm rằng nó cũng có thể được áp dụng lâu dài nếu Thổ Nhĩ Kỳ nhận được nhiều đầu tư từ phương Tây.
Tại Moskva, nhiều người vẫn tin rằng việc ông Erdogan mong muốn chống lại sự thống trị của phương Tây là lá bài địa chính trị quan trọng mà Nga không muốn từ bỏ. Ông Peskov đã tìm cách nhấn mạnh về cánh cửa đóng kín của EU với Ankara.
"Không ai muốn thấy Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Âu", ông nói. "Đối tác Thổ Nhĩ Kỳ của chúng tôi không nên ảo tưởng về điều đó".
Điện Kremlin coi trọng mối quan hệ với ông Erdogan, song những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga ngày càng có quan điểm hoài nghi về lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.
"Erdogan là gì với chúng tôi? Đồng minh? Bạn bè? Không, ông ấy chưa bao giờ là như vậy. Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là đối tác chiến thuật và họ đang theo đuổi mục tiêu riêng. Vậy nên Nga không nên đặt nhiều hy vọng vào Thổ Nhĩ Kỳ", nhà báo truyền hình Nga kiêm blogger quân sự Andrey Medvedev nói.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)