Ngày 6/7, Sở Giao thông vận tải TP HCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2012. Tại hội nghị, Sở báo cáo những kết quả đạt được cũng như những khó khăn vướng mắc trong 6 tháng qua. Trong đó, "tin buồn" đối với ngành giao thông vận tải là nhiệm vụ "khép" đường vành đai 2 coi như bị "phá sản".
Đường Vành đai 2 bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh, qua cầu Phú Mỹ xuống ngã tư Bình Thái, chạy đến ngã tư Gò Dưa nối vào Quốc lộ 1A, đi qua nút giao Tân Tạo, theo đường Hồ Học Lãm và Ba Tơ để khép vào đường Nguyễn Văn Linh. Hiện đường Vành đai 2 vẫn còn "hở" đoạn từ cầu Rạch Chiếc 2 đến nút giao thông Gò Dưa (dài 9 km) và từ ngã ba An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh (dài 5,2 km).
Đường vành đai 2 (vành đai trong) bị đứt quảng trên bản đồ của google map (khoảng trống giữa 2 dấu X màu đỏ chưa được nối với nhau). |
Trong đó, đoạn từ nút giao An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh thi công theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) hiện không có quỹ đất cho nhà đầu tư khi phương án thiết kế đã được lựa chọn. Sở GTVT đã yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và Đô thị dầu khí (PetroLand) hoàn chỉnh hồ sơ dự án để báo cáo UBND TP HCM do đã vượt thời hạn quy định.
Trước đó, tại hội nghị "tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2011 và kế hoạch công tác năm 2012" của Sở GTVT TP HCM, Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín đã giao nhiệm vụ cho ngành giao thông thành phố trong năm 2012 phải khép kín cho được đường vành đai 2 và quyết liệt chỉ đạo. Tuy nhiên, hiện nhiệm vụ này đang trở thành "bất khả thi" vì thiếu vốn và vướng mặt bằng.
"Một phần đường vành đai 2, đoạn từ nút giao Đồng Văn Cống (Liên tỉnh lộ 25 B) đến cầu Rạch Chiếc 2 đang được thi công, song nhanh lắm thì cũng chỉ có thể mở đến đường Nguyễn Duy Trinh. Vì vậy xem ra đường vành đai 2 không thể nào được khép trong năm nay", ông Phạm Văn Vĩnh, Giám đốc công ty TNHH Một thành viên quản lý công trình giao thông Sài Gòn (Sở GTVT) nhận định.
Ngoài ra, ông Vĩnh cũng "cảnh báo" khả năng xảy ra tình trạng đầu tư khập khiễng khi đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây do Bộ GTVT đầu tư hoàn thành nhưng không có đường cho xe chạy lên đó vì 4 km đường nối giữa đại lộ Đông Tây và đường cao tốc này vẫn còn "án binh bất động".
Dự án đường vành đai phía đông (từ liên tỉnh lộ 25B đến cầu Rạch Chiếc) kéo dài đã hơn 6 năm nhưng mới xây được mấy trụ cầu. Ảnh: H.C. |
Theo Sở GTVT, phần vốn để giải phóng mặt bằng cho tuyến đường này lên đến gần 2.000 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2013, đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được thông xe toàn tuyến dài gần 55 km. Với tình hình hiện tại là không thể hoàn thành tuyến đường nối trong 2 năm nữa.
Một vấn đề khác cũng được "báo động" tại hội nghị là tình trạng mất cắp cơ sở hạ tầng giao thông như nắp cống, hố ga, lan can cầu, dây điện... Ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc khu quản lý giao thông đô thị số 2 cho biết hiện trạng này đang ngày càng gia tăng. Mỗi năm trên địa bàn khu 2 gồm quận 9 và quận 2 mất hơn 10 tỷ đồng để kéo lại dây điện.
Theo ông Thiết, vừa qua có ý kiến đề xuất thay dây điện lõi đồng bằng dây điện lõi nhôm. Phương án này thể hiện sự bất lực của thành phố, không còn cách nào khác nên phải "thụt lùi" so với thời đại. "Ngày xưa chúng ta còn nghèo nên dây điện phải dùng lõi nhôm còn bây giờ quay lại thời đó thì càng chứng tỏ sự bất lực của ngành giao thông trước tình trạng trộm cắp vì dùng lõi nhôm tiêu hao điện năng rất lớn" ông Thiết chia sẻ.
Cũng theo ông Thiết, để chấm dứt tình trạng này, Sở GTVT cũng như UBND thành phố cần chi tiền xây dựng lực lượng bảo vệ hạ tầng giao thông. "Mỗi năm chỉ cần chi 1-2 tỷ đồng để trả cho lực lượng bảo vệ so với hàng chục tỷ đồng kéo lại dây điện. Nếu số tiền chi cho lực lượng bảo vệ có bằng số tiền kéo lại dây điện thì cũng đáng vì bảo đảm an sinh xã hội, an toàn của người dân", ông Thiết nói.
Trong 6 tháng đầu năm 2012, trên địa bàn TP HCM đã xảy ra 336 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 300 người và 143 người bị thương, so cùng kỳ năm 2011 giảm 146 vụ (giảm 30%), giảm 112 người chết (giảm 27%), giảm 117 người bị thương (giảm 45%); đối với tai nạn đường sắt trong 6 tháng vừa qua chỉ xảy ra 3 vụ làm chết 3 người, tình hình đã giảm so với cùng kỳ 2011 giảm 1 vụ, giảm 1 người chết. Thực hiện năm an toàn giao thông 2012, trong 6 tháng đầu năm Sở GTVT đã lắp đặt dải phân cách trên 11 tuyến đường với chiều dài 31,2 km, mở rộng lòng đường hơn 6.000 m2, lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại 9 giao lộ với 33 trụ đèn, phân luồng giao thông tại 12 vị trí... góp phần làm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. |
Hữu Công