Theo đề xuất của Bộ Công Thương, toàn bộ 13 dự án mà Tập đoàn Điện lực VN (EVN) trả lại Chính phủ hồi tháng 8 vừa qua sẽ được xử lý theo nguyên tắc: Không tách nhỏ các dự án nhằm tiết kiệm nhân lực, tận dụng cơ sở hạ tầng công trình chung. 13 dự án sẽ được sắp xếp gọn lại theo tên gọi và chuyển thành 9 dự án chính để thuận lợi cho thiết kế thi công và vận hành sau này.
Trong đó, Bộ Công Thương đề xuất giao lại cho EVN triển khai các dự án thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân 3, gồm 2 nhà máy có tổng công suất 2.000 MW. Tập đoàn Dầu khí VN sẽ làm chủ đầu tư các dự án thuộc trung tâm Điện lực Vũng Áng 3 với công suất 2.400 MW và Trung tâm điện lực Quảng Trạch công suất 2.400 MW.
Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản VN (TKV) sẽ là chủ đầu tư Trung tâm điện lực Hải Phòng 3 gồm 2 dự án với tổng công suất 2.400 MW. Trong đó, TKV phải đáp ứng điều kiện đảm bảo đủ nguồn than trong nước cung cấp cho các dự án điện.
Các dự án còn lại gồm Duyên Hải 2 công suất 1.200 MW, Duyên Hải 3 công suất 2.000 MW, Long Phú 3 (tại Sóc Trăng) công suất 2.000 MW sẽ tiến hành theo phương thức chọn thầu trên cơ sở các đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài theo các tiêu chí kiến nghị của Bộ Công Thương.
Ngành điện liên tục kêu thiếu vốn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Với lý do thiếu vốn, tháng 8 vừa qua, EVN quyết định trả lại 13 dự án mà Chính phủ đã giao cho tập đoàn này đầu tư. Theo báo cáo, EVN đã đàm phán với nhiều ngân hàng trong và ngoài nước, nhưng do giá điện thấp và tình hình lạm phát tăng cao, nên tình trạng thu không đủ chi của EVN sẽ không đảm bảo khả năng trả nợ và các ngân hàng từ chối cho vay.
Tổng vốn đầu tư các dự án điện của EVN năm 2008 ước tính hơn 43.000 tỷ đồng, nhưng hiện tại, EVN chỉ cân đối được xấp xỉ 36.000 tỷ đồng. Thiếu vốn cũng là lý do được EVN lý giải về tình trạng chậm tiến độ của nhiều dự án phát triển nguồn điện năm 2008 - 2009.
Chưa đầy hai tuần khi EVN đề xuất trả lại 13 dự án điện, Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) đã có văn bản xin làm chủ đầu tư của các dự án này.
Đây được coi là chuyện hy hữu xảy ra trong ngành điện.
Hồng Anh