Giữa tháng 8, EVN đề nghị Chính phủ giao 13 dự án phát triển nguồn điện với tổng công suất lên tới 13.800 MW cho nhà đầu tư khác, với lý do tập đoàn không thể thu xếp vốn.
Theo báo cáo, EVN đã đàm phán với nhiều ngân hàng trong và ngoài nước, nhưng do giá điện thấp và tình hình lạm phát tăng cao, nên tình trạng thu không đủ chi của EVN sẽ không đảm bảo khả năng trả nợ và các ngân hàng từ chối cho vay.
Tổng vốn đầu tư các dự án điện của EVN năm 2008 ước tính hơn 43.000 tỷ đồng, nhưng hiện tại, EVN chỉ cân đối được xấp xỉ 36.000 tỷ đồng. Thiếu vốn cũng là lý do được EVN lý giải về tình trạng chậm tiến độ của nhiều dự án phát triển nguồn điện năm 2008 - 2009.
Nhiều dự án điện của EVN bị chậm tiến độ. Ảnh: Hoàng Hà. |
Chưa đầy hai tuần khi EVN đề xuất trả lại 13 dự án điện, Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) đã có văn bản xin làm chủ đầu tư của các dự án này. Đây được coi là chuyện hy hữu xảy ra trong ngành điện.
Lý giải về động thái này, lãnh đạo PVN cho rằng trong giai đoạn 2008 - 2015, tập đoàn được giao nhiệm vụ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% tổng sản lượng điện phát ra. Do vậy, ngoài các dự án nguồn điện từ khí thì việc mở rộng, tìm kiếm các dự án điện chạy bằng nhiên liệu khác ngoài khí cũng được PVN nhắm tới. Đây cũng chính là lý do khiến PVN đề xuất xin toàn bộ các dự án mà EVN muốn đã "nhằn" ra.
Trước đó, tập đoàn này cũng đề xuất với Chính phủ được phối hợp với Lilama thành lập công ty cổ phần (PVN nắm 70% vốn điều lệ) để triển khai Dự án Nhiệt điện Vũng Áng I và II với công suất 2.400 MW. Dự án này được Lilama khởi công từ cuối năm 2006, nhưng tới nay vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Hiện PVN là chủ đầu tư các dự án điện Cà Mau 1, Cà Mau 2 và Nhơn Trạch 1 đã hoạt động với tổng công suất thiết kế 1.950 MW. Không chỉ tự mình đầu tư, PVN còn góp vốn với các nhà đầu tư khác để triển khai các dự án điện Nhơn Trạch 2 (750 MW), Sekaman 3 tại Lào (250 MW) và các dự án đang chuẩn bị triển khai như Luongprabang tại Lào (1.400 MW), Thái Bình 2 (600 MW), hay đang đề nghị được đầu tư Dự án điện Kiên Lương 3 (2.000 MW)…
Theo kế hoạch đặt ra cho năm 2009, ngành điện sẽ sản xuất 86,6 tỷ KWh điện. Trong số này EVN sẽ sản xuất 38,5 tỷ kWh từ các nhà máy của mình vẫn đang là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Sẽ có khoảng 18,5 tỷ kWh điện được EVN mua từ các doanh nghiệp cổ phần, trong đó EVN có tham gia làm cổ đông. |
Về nguyên tắc, đối với mỗi dự án nếu chủ đầu tư không đủ khả năng triển khai, thì việc tìm chủ đầu tư khác có năng lực hơn để tiếp tục thực hiện là điều cần thiết và hoàn toàn được phép.
Trước đó ngày 7/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu ngành điện cần tiếp tục cải cách theo hướng cơ cấu lại tổ chức quản lý, xây dựng thị trường điện lực cạnh tranh tiến tới việc giảm dần vai trò độc quyền của EVN trong các khâu phân phối điện và kinh doanh điện.
Trên thực tế, xây dựng nhà máy điện vẫn được các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước quan tâm. Có thể kể tới Tập đoàn Tân Tạo với Dự án điện Kiên Lương 1, 2 có tổng công suất 3.200 MW và vẫn đang muốn là chủ đầu tư thêm 2.000 MW nữa. Hay Dự án Nhiệt điện Nghi Sơn II theo hình thức BOT có tới hơn 30 nhà đầu tư quan tâm mua hồ sơ dự tuyển.
Trao đổi với báo giới, Vụ trưởng Vụ Năng Lượng - Bộ Công Thương - Tạ Văn Hương - cho biết Thủ tướng đã giao cho cơ quan này xử lý 13 dự án điện mà EVN đã trả lại. Theo ông, việc trả lại các dự án điện là một hành động chưa thực sự chín chắn của lãnh đạo EVN. Lẽ ra EVN phải suy nghĩ, tính toán thấu đáo hơn trước khi trả lại Chính phủ 13 dự án điện để rồi sau đó đỡ phải xin lại. Bởi lẽ Chính phủ lập nên Tập đoàn Điện lực là để lo nhiệm vụ cung cấp điện cho đất nước. Tại các cuộc làm việc với EVN, Thủ tướng cũng khẳng định dù trong tình huống nào tập đoàn này vẫn chịu trách nhiệm chính về cung ứng điện cho đất nước.
Theo ông việc PVN xin lại toàn bộ 13 dự án điện mà EVN trả lại là tốt song các cơ quan chức năng phải xem xét việc chuyển giao này có hợp lý và khả thi hay không.
Dự kiến trong tháng 10, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ các phương án giải quyết.
Phan Linh Anh