Báo cáo về tình hình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp vừa được Vinashin trình Chính phủ cho thấy tập đoàn này đang tiếp tục gặp khó khăn về nguồn tiền chi trả lương cũng như các khoản phúc lợi đối với người lao động. Do vậy, Vinashin đề nghị Chính phủ cho phép và chỉ đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam tiếp tục giải ngân cho các đơn vị của tập đoàn hỗ trợ chi trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động.
Người lao động ở một số doanh nghiệp của Vinashin chỉ nhận được lương tối thiểu trong vòng 2 - 3 tháng qua. Ảnh minh họa: Vietnamnews |
Trước đó, Theo quyết định số 87/2010 của Thủ tướng, Vinashin được vay vốn với lãi suất 0% từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để thanh toán các khoản nêu trên với người lao động và cơ quan bảo hiểm trong 2 năm 2010, 2011. Thời hạn vay tối đa là 12 tháng và sẽ kết thúc thời gian hiệu lực vào cuối tháng này.
Tuy nhiên, trên thực tế, ngay cả khi nhận được nguồn hỗ trợ từ VDB, việc trả lương cho người lao động tại nhiều doanh nghiệp thuộc Vinashin cũng rất khó khăn. Theo ghi nhận của VnExpress.net, tại một số công ty con của Vinashin, người lao động chỉ nhận được lương tối thiểu 830.000 đồng trong vòng 2-3 tháng gần đây. Các khoản tiền này cũng thường không được trả đúng hạn và lãnh đạo doanh nghiệp cho biết chưa xác định được thời gian có thể thanh toán các khoản nợ lương còn lại.
Báo cáo về tình hình tái cơ cấu tập đoàn theo Quyết định 926 và 2108 của Thủ tướng, Vinashin cho biết đã chuyển giao được 15 đơn vị cho Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng công ty Hàng hải (Vinalines). Tuy nhiên, quá trình này cũng nảy sinh nhiều vướng mắc, đặc biệt là các đơn vị, dự án chuyển giao cho Vinalines.
Trường hợp đầu tiên xảy ra tại Công ty Công nghiệp tàu thủy Bình Định khi Vinalines chỉ tiếp nhận số vốn góp thực tế bằng tiền (khoảng 109 tỷ đồng) của Vinashin, chiếm gần 2,2% vốn điều lệ. Trong khi đó, Vinalines không công nhận vốn góp bằng thằng thương hiệu của Vinashin (được Tập đoàn này định giá tương đương 30% vốn điều lệ), dẫn tới việc không xác định được đơn vị góp cổ phần chi phối, gây trở ngại cho quản lý điều hành. Vinalines cũng chỉ đồng ý tiếp nhận dự án đóng 2 tàu 1.730 TEU khác của Vinashin nếu tập đoàn này báo cáo Chính phủ cho phép dự án được hưởng vốn vay ưu đãi từ VDB.
Một bất cập khác cũng nảy sinh tại Dự án Khu cảng biển Hà Hải (Quảng Ninh) khi Vinashin cho biết Tổng công ty Hàng Hải không đủ năng lực tài chính để triển khai. Riêng với dự án này, tập đoàn đã được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý cho chuyển giao sang đơn vị khác. Vinashin cho biết tập đoàn đang rất nỗ lực để tìm kiếm nhà đầu tư.
Về 42 đơn vị được giữ lại, Vinashin cho biết đã nhận được đề án tái cơ cấu của 14 và phê duyệt được đề án của 13 đơn vị. Vinashin xin giữ lại thêm 2 đơn vị (Công ty Cảng Chân mây và Công ty Hàng hải Viễn Đông) và cam kết sẽ rà soát, điều chỉnh lại Đề án Tái cơ cấu phù hợp với tình hình thực tế và trình Chính phủ vào Quý I/2012.
Riêng với 216 đơn vị không giữ lại trong mô hình Tập đoàn sau tái cơ cấu, Vinashin cho biết đã rút vốn, giải thể, chuyển sở hữu… được 54 doanh nghiệp.
Lý giải về tồn tại này, bên cạnh những vướng mắc về cơ chế, Vinashin cho biết nguyên nhân chủ yếu là các công ty có góp vốn bằng tiền và tài sản của tập đoàn hoạt động không hiệu quả, dư nợ đối với ngân hàng lớn. Vì vậy, việc chuyển nhượng phần vốn góp gặp nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn thị trường đang đi xuống, khả năng thu hồi vốn đầu tư không cao.
Do vậy, Vinashin đề nghị Chính phủ cho phép hạch toán giảm vốn góp với một số trường hợp doanh nghiệp dự án khi thoái vốn để tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Đồng thời, Vinashin này cũng đề nghị Bộ và Sở Kế hoạch & Đầu tư các tỉnh đẩy nhanh thủ tục đăng ký lại, rút vốn thương hiệu Vinashin tại các công ty con rút khỏi tập đoàn.
Nhật Minh