Báo cáo kết quả thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế Nhà nước vừa được Bộ Kế hoạch & Đầu tư trình Chính phủ cho thấy tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu trung bình của các đơn vị đạt 1,98 lần (số liệu dựa trên báo cáo của 9 tập đoàn). Con số này thấp hơn so với mức trung bình của toàn bộ các doanh nghiệp Việt Nam (2,33 lần) và hầu hết các tập đoàn đều đảm bảo mức an toàn vốn theo quy định (dưới 3 lần).
Phần lớn vốn vay được EVN đầu tư cho điện nhưng cũng có hàng nghìn tỷ đồng được Tập đoàn này dành để "làm ngoài". Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Giải thích thêm về hệ số an toàn vốn của EVN, một lãnh đạo Tập đoàn cho biết tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của công ty mẹ hiện vẫn được giữ trong ngưỡng an toàn (dưới 3 lần). Tuy nhiên, nếu cộng cả nợ của các công ty con (trong đó có nhiều nhà máy điện đã hết khấu hao) thì tỷ lệ này có thể cao hơn. Trong thời gian tới, EVN sẽ có kế hoạch giảm tỷ lệ nợ thông qua xử lý tại các công ty thành viên và tăng vốn điều lệ của Tập đoàn. |
Tuy vậy, vẫn nổi lên 2 đơn vị là Tập đoàn Điện lực (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng có hệ số nợ trên vốn "tương đối cao", lần lượt đạt 4,25 và 3,91 lần. Trong đó đáng chú ý là trường hợp của EVN khi vốn chủ sở hữu tính đến năm 2010, theo báo cáo của Tập đoàn này đã lên tới 56.410 tỷ đồng. Như vậy, chỉ với một phép nhân đơn giản, dễ thấy tổng nợ của EVN hiện đã vượt quá tổng tài sản của Tập đoàn, ước khoảng 215.000 tỷ vào năm 2010 (số liệu được Tổng giám đốc EVN - Phạm Lê Thanh công bố ngày 9/12).
Theo dự thảo Nghị định về Đầu tư vốn và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến để trình Chính phủ ban hành trong năm 2012, với tỷ lệ nợ nêu trên EVN sẽ không thể tiếp tục vay vốn sản xuất kinh doanh nếu không được Thủ tướng cho phép.
Trước đó, theo Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh, trong giai đoạn 2006 - 2010, EVN đã đầu tư khoảng 203.000 tỷ đồng vào mở rộng mạng lưới sản xuất - truyền tải điện. Đây có lẽ là nguyên nhân chính gây ra khoản nợ “khổng lồ” nói trên. Tuy vậy, cũng không thể phủ nhận một phần vốn lớn đã được Tập đoàn này đem đầu tư ngoài ngành với hiệu quả không cao, dẫn đến khả năng trả nợ thấp.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, EVN hiện có hơn 2.107 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành, trong đó có hơn 2.100 tỷ (chiếm 99,8%) là đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm, nhiều rủi ro như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm… Hệ quả là lợi nhuận tập đoàn tuy vẫn đạt trung bình khoảng 2.000 tỷ mỗi năm (trừ 2010 lỗ do phải bù giá điện) nhưng tính theo các chỉ số cơ bản như lãi trên vốn chủ sở hữu (ROE) hay tổng tài sản (ROA) chỉ đạt lần lượt đạt khoảng 3,84% và 1,13%. Những con số này đều kém xa so với mức trung bình của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán trong cùng giai đoạn (lần lượt đạt khoảng 16% và 6,7%).
Do vậy, căn cứ vào tỷ lệ nợ so với hiệu quả sản xuất kinh doanh, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng tình trạng tài chính tại EVN đang có “nguy cơ rủi ro cao”. “Với những tập đoành kinh doanh hiệu quả, bền vững, ROE cao hơn lãi vay nợ thì vay càng nhiều thì chủ sở hữu càng có lợi. Nhưng với những đơn vị hoạt động kém hiệu quả thì càng vay nợ, càng khó khăn”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông giải thích.
Cũng được đánh giá là rủi ro nhưng với mức độ thấp hơn (trung bình) là các tập đoàn thuộc khối xây dựng và kinh doanh bất động sản. Với hệ số nợ trên vốn đạt 3,91 lần, Tập đoàn Công nghiệp xây dựng được xem là điển hình nhất trong số này.
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, một số công ty thuộc tập đoàn này đang lâm vào tình trạng không trả được nợ nước ngoài đến hạn. Ví dụ tiêu biểu là trường hợp của Công ty cổ phần xi măng Đồng Bành khi không trả được nợ gốc và lãi hơn 141 tỷ đồng và hiện còn thiếu 607 tỷ đồng để trả nợ trong giai đoạn 2011 - 2015. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Tổng công ty Cơ khí xây dựng và nhiều đơn vị khác khiến Bộ Xây dựng hiện phải đề nghị để hỗ trợ trả được nợ nước ngoài cho các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn này.
Vấn đề đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế Nhà nước vẫn được Bộ Kế hoạch & Đầu tư đánh giá là “quá nóng”. Theo đó, tổng đầu tư ra ngoài lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của 11 tập đoàn hiện ở mức 19.500 tỷ đồng. Trong đó, dẫn đầu là Dầu khí (6.708 tỷ) và Công nghiệp Cao su (3.848 tỷ). Năm 2011, kế hoạch đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn cần lượng vốn tương đương 26% tổng giá trị tài sản và 72% vốn điều lệ và chủ yếu rót vào các lĩnh vực rủi ro như tài chính, ngân hàng, bất động động sản… Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng khẳng định việc đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn không mang lại hiệu quả, thậm chí thua lỗ, gây hệ lụy cho sự phát triển chung mà Vinashin là một bài học chưa thể quên. |
Nhật Minh