Tại Chỉ thị số 1479/CT-TTg được ký ban hành chiều 16/8, Thủ tướng một lần nữa yêu cầu Vinashin rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư, chuyển đổi và chỉ tập trung vào 3 lĩnh vực chính: công nghiệp đóng - sửa chữa tàu thủy, công nghiệp phụ trợ cho đóng - sửa chữa tàu thủy và đào tạo nâng cao tay nghề cho cán bộ - công nhân công nghiệp tàu thủy.
Vinashin sẽ chỉ tập trung vào 3 lĩnh vực kinh doanh chính được giao. Ảnh: Shinpetrol |
Trước mắt, Vinashin phải xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư, thực hiện tốt các hợp đồng đóng tàu đang có và các dự án đầu tư cần thiết đang dang dở, thu hút thêm các hợp đồng đóng tàu. Đồng thời, Tập đoàn cần chấn chỉnh tổ chức quản lý, đặc biệt là quản lý tài chính, đầu tư và công tác nhân sự
Riêng về tổ chức cán bộ, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Vinashin khẩn trương đánh giá lại chính xác tình hình hoạt động của toàn tập đoàn. Phương án cơ cấu lại tổ chức, trong đó có nhân sự cho Hội đồng thành viên Tập đoàn sẽ phải được Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ trình Chính phủ trong Quý IV năm 2010 để Thủ tướng phê duyệt.
Đối với những tồn tại về tài chính của Vinashin, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chỉ đạo xử lý nợ, đánh giá khả năng trả nợ và xây dựng phương án bảo đảm nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Ngoài ra Bộ Tài chính cũng sẽ xác định lại mức vốn điều lệ của Tập đoàn cho phù hợp với nhiệm vụ được giao, cấp đủ vốn điều lệ theo quy định.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng giao cho Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu lại các khoản nợ của Vinashin, cho vay mới theo đúng quy định của pháp luật và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thực hiện tái cơ cấu tài chính của Tập đoàn.
Quá trình tái cơ cấu Vinashin chính thức được tăng tốc vào ngày 6/8/2010, khi Bộ Chính trị thông báo Kết luận số 81-KL/TW, yêu cầu khẩn trương đánh giá chính xác tình hình hoạt động của tập đoàn này để có phương án sắp xếp, xử lý cụ thể. Bô Chính trị cũng yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo tái cơ cấu do Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng làm trưởng ban, giao các cơ quan chức năng sớm điều tra, xử lý những cá nhân vi phạm pháp luật khi điều hành hoạt động của Vinashin. Sau kết luận này, đến ngày 13/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ra Quyết định đình chỉ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinashin đối với ông Phạm Thanh Bình để kiểm điểm trách nhiệm và thanh tra, điều tra, làm rõ các sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời, Thủ tướng cũng phân công ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinashin. Sau một thời gian quyết liệt thực hiện các giải pháp tái cơ cấu Vinashin, đến nay một số doanh nghiệp, dự án, đội tàu của Vinashin cũ được chuyển giao cho Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) đã bắt đầu hoạt động trở lại. Dự kiến, lộ trình phát triển cho một “Vinashin mới” được xác định là hết lỗ vào năm 2012 và phấn đấu có lãi trong năm 2014. |
(theo Chinhphu.vn)