Ngày 31/7, sau khi nghe Ban cán sự Đảng Chính phủ và các đơn vị liên quan báo cáo về tình hình Vinashin, Bộ Chính trị đã có kết luận về nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan dẫn đến sự tụt dốc của tập đoàn này.
Theo kết luận này, kể từ khi được thành lập vào năm 1996 đến nay, Tập đoàn Vinashin đã có bước phát triển nhanh trên nhiều mặt. Bước đầu, tập đoàn đã hình thành được cơ sở vật chất - kỹ thuật quan trọng, có trình độ công nghệ tiên tiến và khá đồng bộ của ngành công nghiệp đóng, sửa chữa tàu biển; xây dựng được đội ngũ trên 70.000 cán bộ, công nhân kỹ thuật, trong đó nhiều người có tay nghề khá, có khả năng đóng được nhiều loại tàu phục vụ cho nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của nền kinh tế, quốc phòng, an ninh...
Tuy nhiên, Vinashin đang gặp nhiều khó khăn rất lớn, bộc lộ nhiều yếu kém, sai phạm nghiêm trọng như: Đầu tư mở rộng quá nhanh, quy mô lớn, một số dự án trái với quy hoạch được phê duyệt, dàn trải trên nhiều lĩnh vực, địa bàn, có lĩnh vực không liên quan đến công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển. Trong đó nhiều lĩnh vực kém hiệu quả, có nhiều công ty, dự án thua lỗ nặng nề.
Bộ Chính trị yêu cầu sớm ổn định tổ chức sản xuất, kinh doanh; từng bước củng cố uy tín thương hiệu Tập đoàn Vinashin; cương quyết không để vỡ nợ, sụp đổ... Ảnh: TTXVN. |
Về vấn đề tài chính, Vinashin đang đứng trước bờ vực phá sản. Theo số liệu ban đầu, dư nợ của tập đoàn này ước tính lên tới khoảng 86.000 tỷ đồng; nợ đến hạn phải trả khoảng trên 14.000 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gấp gần 11 lần, khó có khả năng tự cân đối dòng tiền.
Ngoài ra, sản xuất, kinh doanh của Vinashin cũng đang bị đình trệ, bị mất hoặc giảm nhiều đơn đặt hàng. Nhiều dự án đầu tư dở dang, không hiệu quả. Tình hình nội bộ diễn biến phức tạp. Hơn 70.000 cán bộ, công nhân viên lo lắng do việc làm và thu nhập giảm. Hiện đã có khoảng 17.000 công nhân chuyển việc hoặc bỏ việc; 5.000 công nhân bị mất việc làm; nhiều công nhân của một số nhà máy, xí nghiệp bị chậm trả lương trong nhiều tháng...
Theo Bộ Chính trị, mặc dù vẫn trong tầm kiểm soát và có thể khắc phục được, nhưng nếu không có biện pháp đúng đắn, kịp thời, tình hình của Vinashin có thể ảnh hưởng xấu đến các tổ chức tín dụng, các đơn vị được nhận chuyển giao, ngân sách nhà nước, sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế, việc làm và thu nhập của cán bộ, công nhân tập đoàn và nhiều hộ gia đình nông dân nơi có đất bị thu hồi. Đồng thời, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển doanh nghiệp nhà nước và mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước; tác động tiêu cực đến ổn định chính trị - xã hội của đất nước.
Bộ Chính trị cho rằng, để Vinashin gặp khó khăn như ngày hôm nay trước hết thuộc về trách nhiệm trực tiếp của Hội đồng Quản trị và Ban lãnh đạo Tập đoàn, trong đó có cá nhân Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn và trách nhiệm của một số cơ quan quản lý nhà nước có liên quan ở Trung ương và địa phương...
Cụ thể, trình độ cán bộ lãnh đạo, quản lý của công ty mẹ và các đơn vị thành viên của Vinashin chưa đáp ứng được yêu cầu quản trị một tập đoàn kinh tế lớn. Đặc biệt là người đứng đầu còn hạn chế về năng lực, có biểu hiện thiếu trách nhiệm, tùy tiện, cá nhân, báo cáo không trung thực, cố ý làm trái, vi phạm pháp luật trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước, quyết định của Thủ tướng khi chỉ đạo các hoạt động đầu tư, dự án, vốn cho sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn và bố trí cán bộ.
Ngoài ra, lãnh đạo tập đoàn, trước hết là Hội đồng Quản trị và người đứng đầu với chức năng đại diện trực tiếp chủ sở hữu đã có nhiều khuyết điểm, sai lầm trong tổ chức, quản lý, điều hành, nhất là trong việc xác định lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tổ chức quản lý các công ty con, công ty liên kết, tiến hành các hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý vốn, tài chính, vay và trả nợ.
Trong một thời gian ngắn, doanh nghiệp đã mở rộng quá nhanh quy mô tập đoàn, nhất là mở ra rất nhiều công ty con, công ty liên kết; mở sang một số lĩnh vực không phải là những chuyên ngành phục vụ cho nhiệm vụ chính của mình. Tập đoàn đã chậm xây dựng điều lệ hoạt động và các quy định quản lý tài chính khác, như: quy chế quản lý tài chính, quy chế quản lý đầu tư xây dựng, các định mức kinh tế kỹ thuật…
Theo Bộ Chính trị để xảy ra tình trạng này trách nhiệm cũng thuộc một phần về cơ quan quản lý. Một số cơ quan tham mưu liên quan thuộc Chính phủ, một số địa phương và một số cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát ở Trung ương có thiếu sót, khuyết điểm trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với tập đoàn.
Các cơ quan này chưa sát sao giám sát, kiểm tra chặt chẽ và đánh giá đúng, kịp thời về công tác tổ chức, cán bộ và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện định hướng chiến lược phát triển của tập đoàn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX) và Kết luận số 45 của Bộ Chính trị về việc thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế.
Từ năm 2006 - 2009 tuy đã qua 11 lần kiểm toán, kiểm tra, thanh tra nhưng vẫn không phát hiện được đầy đủ, kết luận đúng tình hình và những yếu kém, khuyết điểm nghiêm trọng của Vinashin, chưa đưa ra được những biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả, mặc dù những biểu hiện về khó khăn, khuyết điểm của Vinashin đã được cơ quan thông tin đại chúng và dư luận phản ánh, cảnh báo từ sớm và nhiều lần.
Về nguyên nhân khách quan, Bộ Chính trị cho rằng mô hình tập đoàn còn đang trong giai đoạn thí điểm, chưa có sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả; thể chế, cơ chế còn thiếu hoặc chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới gần đây đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, vận tải biển, trong đó có Vinashin.
Do vậy, để khắc phục các khuyết điểm, sai phạm trên, Bộ Chính trị giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chủ trì chỉ đạo: Sớm ổn định tổ chức sản xuất, kinh doanh; từng bước củng cố uy tín thương hiệu Tập đoàn Vinashin; cương quyết không để vỡ nợ, sụp đổ, gây tác động xấu đến sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu, mức độ tín nhiệm vay, trả nợ quốc tế và môi trường đầu tư của đất nước.
Các cơ quan chức năng có nhiệm vụ khẩn trương đánh giá lại chính xác, khách quan, trung thực tình hình hoạt động của công ty mẹ, các công ty con, công ty liên kết, các dự án đầu tư của tập đoàn để có phương án sắp xếp, xử lý cụ thể, phù hợp. Theo đó, chỉ giữ lại Vinashin những lĩnh vực kinh doanh chính; bán, chuyển nhượng, chuyển giao, cổ phần hóa các lĩnh vực còn lại cho các tổ chức kinh tế và cá nhân khác có nhu cầu phù hợp pháp luật hiện hành, sớm thu hồi vốn để tập trung cho nhiệm vụ xây dựng ngành công nghiệp đóng tàu biển và trả nợ.
Trong xử lý nợ và tăng vốn điều lệ của tập đoàn, nhất là những khoản liên quan đến ngân sách Nhà nước, Chính phủ cần có phương án khả thi, phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Trong quá trình giải quyết phải đảm bảo hài hòa quan hệ lợi ích giữa các bên, không gây khó khăn, đổ vỡ cho các tập đoàn, tổng công ty khác cũng như các tổ chức tín dụng. Chú ý hạn chế tối đa thiệt hại và những ảnh hưởng tiêu cực về tư tưởng, tài sản và việc làm, thu nhập của công nhân, lao động...
Bộ Chính trị quyết định lập Ban Chỉ đạo do Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng làm Trưởng Ban để tái cơ cấu Vinashin. Ban Chỉ đạo sẽ nghiên cứu, đề xuất, triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp xử lý để sớm ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh của tập đoàn.
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương sẽ chủ trì phối hợp với Ban Cán sự Đảng Chính phủ giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo kiểm điểm những tổ chức và cá nhân có liên quan ở Trung ương và địa phương có thiếu sót, khuyết điểm trong việc quản lý nhà nước đối với Tập đoàn Vinashin, việc thực hiện chức năng tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu đối với Tập đoàn Vinashin. Một đoàn kiểm tra với sự tham gia của một số bộ, ngành liên quan sẽ được thành lập để kiểm tra, giám sát việc xử lý các cá nhân sai phạm ở Tập đoàn Vinashin và các cơ quan, đơn vị phù hợp với quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
(Theo Chinhphu.vn)